Hơn 1000 món đồ với tổng giá trị khoảng 2 tỷ đồng là tài sản của bộ sưu tập đồ cổ mà thầy Mai Văn Túc, giáo viên giảng dạy bộ môn Vật Lý tại Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đang sở hữu. Nhưng chứng kiến thực trạng một số thế hệ học trò phải học “chay”, học mà ít được “hành”, nên thầy đã quyết định bán bộ sưu tập để mở phòng thực hành Vật Lý.
Hơn 1000 món đồ với tổng giá trị khoảng 2 tỷ đồng là tài sản của bộ sưu tập đồ cổ mà thầy Mai Văn Túc, giáo viên giảng dạy bộ môn Vật Lý tại Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đang sở hữu. Nhưng thầy đã quyết định bán bộ sưu tập để mở phòng thực hành Vật Lý.
Quá trình hiện thực đam mê
Theo chân của người chỉ đường, chúng tôi tìm đến ngôi nhà 5 tầng nằm sâu trong phố Vũ Hữu (Thanh Xuân, Hà Nội). Cánh cửa mở ra, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước một khối lượng đồ sộ những món đồ cổ mà thầy đã sưu tầm được, giống như một “bảo tàng âm thanh” với nhiều loại máy nghe nhạc, đài, đồng hồ, điện thoại,...
Thầy Túc (ngoài cùng, bên phải) cùng những người bạn bên một số món đồ cổ của mình
Chia sẻ với chúng tôi, thầy cho biết: Việc sưu tầm đồ cổ đối với thầy giống như là một thứ đam mê, thầy nhận ra điều đó từ những năm còn là sinh viên chuyên ngành Vật Lý - Vô tuyến điện. Và cũng chính từ thời điểm ấy, thầy bắt đầu từng bước thỏa mãn đam mê của mình bằng việc đi khắp nơi sưu tầm những món đồ mang “hình hài Vật Lý”.
Những tháng ngày sinh viên khốn khó, nhiều trở ngại, nhưng điều đó chưa bao giờ là bước cản trên con đường thực hiện đam mê của thầy Túc. Những món đồ được thầy mua về lúc bấy giờ hầu như đã bị hỏng hóc, không còn sử dụng được nữa. Nhưng bằng những kiến thức chuyên môn của mình, cộng với niềm đam mê nên những món đồ ấy đều được khai sinh thêm lần nữa bởi bàn tay “thần kì” của thầy.
Thầy tâm sự: Hầu hết món đồ khi mua về đã bị hư, mình vận dụng kiến thức, bỏ công sức tìm linh kiện chính hãng để khôi phục như nguyên gốc. Mỗi cỗ máy dù lớn hay nhỏ cũng như một cơ thể sống, làm nó hoạt động trở lại sau thời gian dài mắc bệnh và bị bỏ rơi, đối với mình như cứu được một con người. Thầy cũng cho hay, có những món đồ mua về bị hỏng, tận vài ba năm cũng chưa tìm được những linh kiện thích hợp để khôi phục, nhưng thầy chưa bao giờ nản chí mà bỏ nó vào quên lãng, vẫn đợi chờ cơ hội để cứu sống nó.
Người thầy ấy đã bỏ ra 30 năm công sức, thời gian và tiền bạc để sống với đam mê của mình. Như vậy chúng ta cũng đủ hiểu tình cảm của thầy đối với những món đồ này thiêng liêng đến chừng nào. Nhìn cách thầy tỉ mẩn lau chùi, nâng niu những món đồ càng hiểu được thầy rất trân quý chúng.
Bán quá khứ, mua tương lai
Thật không quá khi nói rằng, những món đồ này chính là một phần quan trọng trong cuộc sống của thầy Túc, chiếm một vị trí nhất định trong trái tim thầy. Bởi đơn giản vì đó không những là đam mê mà còn chính là một phần tuổi trẻ của thầy. Thế nên chúng tôi đã ngạc nhiên và khó tin nổi khi nghe tin thầy quyết định sẽ bán đi những cổ vật này.
“Học sinh ở đất nước mình cũng thông minh lắm, tài giỏi lắm, không hề thua kém học sinh của các nước khác trên thế giới đâu em ạ. Nhưng tiếc rằng các con chưa có đủ điều kiện để thể hiện tài năng của mình thôi”. Đó là câu nói đầu tiên của thầy khi chúng tôi hỏi đến nguyên nhân vì sao thầy lại quyết định rao bán đam mê của mình.
Thầy Túc say sưa chỉ dạy cho học sinh trong phòng thí nghiệm mà mình đã xây dựng nên
Trong những năm tháng đứng trên bục giảng để trồng người, thầy nhận ra những hạn chế trong việc phát triển tư duy của học sinh, mà nguyên nhân chính là nền giáo dục Việt Nam còn quá nặng về lý thuyết mà xem nhẹ việc thực hành. Chứng kiến nhiều học sinh rất vững kiến thức nhưng khi thực hành lại không thể vận dụng, thầy đã ấp ủ dự định cần phải tìm được giải pháp để giúp các em cải thiện được tình trạng học chay như hiện nay.
Sau nhiều trăn trở và suy nghĩ, thầy quyết định mở phòng thực hành Vật Lý cho học sinh. Năm 2015, quyết định của thầy bắt đầu dần được hiện thực hóa, các bạn học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 được phép đến phòng thí nghiệm của thầy để thực hành những bài học trên lớp.
Số lượng học sinh tìm đến ngày càng đông, phòng thí nghiệm bé nên thầy đã cố gắng để mở thêm các phòng học khác. Nhưng tài chính là một vấn đề khiến thầy nhiều lúc cũng gặp phải những khó khăn, thầy cho biết: “Những trang thiết bị phục vụ thực nghiệm môn vật lý rất tốn kém, nếu sử dụng đồ trong nước thì sai số lớn, còn sử dụng đồ nước ngoài thì nằm ngoài khả năng của mình”.
Nhưng thầy chưa bao giờ chùn bước trước những thách thức ấy, mà luôn tìm cách để vượt qua. Vì tương lai của những thế hệ trẻ, thầy đã bán 2 chiếc xe ô tô để mua sắm thiết bị, chừng ấy vẫn chưa đủ nên thầy đã quyết định rao bán đi những món đồ cổ - đam mê của cuộc đời thầy. “Nếu bán hết bộ sưu tập mà vẫn không đủ tiền, mình đang tính bán nốt căn nhà đang sinh sống”, thầy chia sẻ.
Chúng tôi thắc mắc, liệu những quyết định ấy của thầy có khiến những người thân trong gia đình cảm thấy không thoải mái hay không, vì thầy không còn là một chàng trai độc thân có thể sống và làm những gì mình thích, mà thầy đã là một người chồng, người bố của gia đình. Giọng nói tràn ngập sự vui sướng, thầy nói: “Mình nhận được sự ủng hộ to lớn, chân thành từ vợ và hai đứa con, đó chính là động lực bẩy mình tiến xa hơn mỗi ngày”. Rồi trong ánh mắt thầy cũng le lói một chút chua xót, thầy nói tiếp: “Đã có những lần phòng thí nghiệm nhập về những thiết bị mới, nhưng mình không đủ tiền để trả, vợ mình đã tự đưa những món nữ trang của cô ấy, thậm chí có cả những món đồ mình tặng để đi bán, lấy tiền về giúp chồng đầu tư thiết bị. Mình biết cô ấy buồn, và mình cũng buồn nhưng cảm thấy rất vui và may mắn khi có được “cộng sự” tuyệt vời đến như vậy”.