Chuyển đổi số để thông tin lan tỏa sâu rộng nhất

Thu Hà| 21/06/2022 07:37

Chuyển đổi số trong báo chí đang là một nhu cầu cấp thiết. Đó không chỉ đơn thuần là số hóa nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo dựng cả một quy trình sản xuất mới, tạo ra sản phẩm thông tin mới phù hợp với môi trường số của một xã hội số và quốc gia số. Xung quanh vấn đề chuyển đổi số trong báo chí nói chung và báo văn nghệ nói riêng, tạp chí Người Hà Nội có cuộc trao đổi với nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Chuyển đổi số để thông tin lan tỏa sâu rộng nhất
Nhà báo Hồ Quang Lợi
Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

PV:Chuyển đổi số đang là đòi hỏi tất yếu trong tất cả các lĩnh vực và báo chí không thể là ngoại lệ. Vậy theo ông, chuyển đổi số trong hoạt động báo chí hiện nay liệu đã đáp ứng được yêu cầu của xã hội?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trước hết phải nhấn mạnh rằng, chuyển đổi số là một đòi hỏi tất yếu và bức thiết của báo chí. Hiện nay ở Việt Nam, nhiều tờ báo, nhiều cơ quan báo chí đã thực hiện chuyển đổi số và đã có những kết quả bước đầu khá tích cực. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, chuyển đổi số trong hoạt động báo chí hiện nay vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của truyền thông kỹ thuật số, đòi hỏi của xã hội đối với báo chí. Có thể nói, chuyển đổi số thực sự là một cuộc cách mạng trong hoạt động báo chí. Chuyển đổi số bao gồm tất cả các hoạt động, từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng khi ra sản phẩm, đến với bạn đọc, lan tỏa ra xã hội.
Chuyển đổi số để thông tin lan tỏa sâu rộng nhất
Và nằm trong vòng quay chuyển đổi số này, các báo và tạp chí văn học nghệ thuật cũng không ngoại lệ. Có thể chúng ta không trực tiếp phản ánh các vấn đề thời sự trong đời sống kinh tế - xã hội... nhưng đời sống văn học nghệ thuật, đời sống văn hóa tinh thần vẫn sôi nổi trong từng giờ, từng phút, trong mọi ngõ ngách của xã hội.
Vì vậy, nhịp đập của đời sống văn học nghệ thuật, đời sống văn hóa xã hội vẫn cần phải được phản ảnh sôi động trên các sản phẩm báo chí về văn học nghệ thuật. Tôi cho rằng nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan báo chí thuộc lĩnh vực này cũng không kém các lĩnh vực khác. Vì chúng ta vẫn khẳng định văn hóa có mặt ở mọi nơi, mọi lúc. Văn hóa có mặt cả ở trong kinh tế, trong chính trị…Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Và văn học nghệ thuật là bộ phận vô cùng quan trọng của văn hóa.
PV:Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà cốt yếu hơn còn là vấn đề về con người, vậy làm sao để giải quyết hài hòa vấn đề này thưa ông?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Đúng vậy, trước hết, cần nhận thức thật rõ chuyển đổi số ở một cơ quan báo chí, dù là báo hàng ngày hay tạp chí điện tử thì vẫn liên quan đến toàn bộ quy trình. Tức là từ khâu tiếp cận thực tiễn, lấy tài liệu, sáng tạo ra tác phẩm báo chí, quá trình duyệt, in ấn, phát hành, phát sóng, hòa vào môi trường truyền thông, các nền tảng, mạng xã hội. Thực tế, hiện nay một số cơ quan báo chí mới chỉ dừng việc chuyển đổi số ở khâu tòa soạn, như lên trang, lên khuôn rồi chuyển nhà in… chứ chưa đồng bộ từ khâu đầu đến khâu cuối, từ trên xuống dưới.
Tôi nghĩ, tư duy chuyển đổi số nó phải ăn sâu vào trong từng người làm báo. Khi có nhận thức đúng, chúng ta sẽ xây dựng một quy trình chuyển đổi số như thế nào để cho cả một tòa soạn hoạt động nhịp nhàng, khớp nối toàn bộ quy trình xuất bản.
Để chuyển đổi số thành công, các tòa soạn cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng làm chủ công nghệ cũng như tạo được môi trường để phóng viên ngày càng tinh thông nghề nghiệp, phát triển sáng tạo.
PV:Nói như vậy tức là việc chuyển đổi số để giúp báo chí gần gũi với bạn đọc hơn, thưa ông?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Mục đích của chuyển đổi số là để chúng ta có được nội dung tốt nhất, phát huy hiệu quả cao nhất. Tốt nhất ở đây tức là thông tin kịp thời nhất, chính xác nhất, bổ ích nhất, thuyết phục nhất trên nền tảng công nghệ hiện đại nhất. Và ấn phẩm đó, thông tin đó, giá trị đó được lan tỏa ra xã hội một cách sâu rộng nhất. Mục đích rõ ràng nhất chuyển đổi số báo chí, tôi nghĩ, là như vậy.
PV: Vậy, theo ông, các cơ quan báo chí của Hà Nội đã bước vào guồng quay này như thế nào?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Hiện nay, các cơ quan báo chí Hà Nội đã bước đầu thực hiện chuyển đổi số. Nhưng nếu xét Hà Nội là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu, xét Hà Nội như trung tâm báo chí truyền thông hàng đầu của cả nước thì chuyển đổi số của báo chí Hà Nội vẫn chưa đạt được những kết quả mong đợi.
Chuyển đổi số để thông tin lan tỏa sâu rộng nhất
Riêng đối với các cơ quan báo chí trong lĩnh vực văn học nghệ thuật như tạp chí Người Hà Nội, phải nói thật lòng rằng, tôi thấy việc chuyển đổi số còn chậm hơn so với các cơ quan báo chí khác. Phải chăng do độ lắng, độ tĩnh trong lĩnh vực này mà chuyển đổi số chưa diễn ra sôi động, hay do một nguyên nhân nào khác?
PV:Phải chăng, sự “trách móc” này chính là tình cảm mà ông dành cho tạp chí Người Hà Nội với mong muốn tạp chí có những bước bứt phá hơn trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tạp chí Người Hà Nội có cái tên rất đẹp. Người Hà Nội đã nằm sâu trong ký ức, trong cảm xúc và tình cảm của người Hà Nội nói riêng và đối với những người yêu Hà Nội nói chung. Khi thực hiện quy hoạch báo chí, Người Hà Nội, từ báo chuyển thành tạp chí. Thú thực, trong lòng tôi có một sự hụt hẫng hay nói chính xác hơn đó là một điều tiếc nuối. Tôi vẫn muốn Hà Nội có một tờ báo, tiếng nói của giới văn học nghệ thuật Thủ đô, bởi vì Hà Nội là Thủ đô văn hóa, Thủ đô của văn học nghệ thuật, vì Hà Nội có một lực lượng văn nghệ sĩ hùng hậu nhất cả nước, lên tới hơn 4000 hội viên.
Đơn cử như Hội Nhà văn Việt Nam có hơn 1000 hội viên, thì có tới hơn 600 hội viên đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, thuộc Hội Nhà văn Hà Nội. Nói thế để thấy rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ đang sống và sáng tác tại Thủ đô Hà Nội là một lực lượng hùng hậu và hết sức quý báu. Quý báu bởi đây là lực ượng chủ lực xây dựng văn hóa, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của Thủ đô Hà Nội.
Cho nên, nhìn một cách thực chất, cốt lõi và để thẩm định đúng giá trị thì Hà Nội xứng đáng và cần thiết phải có một tờ báo mạnh về văn học nghệ thuật. Mà tờ Người Hà Nội đã xuất hiện đến giờ là 37 năm. Khi chúng ta thực hiện quy hoạch, từ tờ báo khá bề thế, món ăn tinh thần thường xuyên, giờ trở thành tờ tạp chí, một tháng/1 số. Tôi rất chia sẻ với ban biên tập và đội ngũ những người làm tạp chí Người Hà Nội phải đối mặt với hoàn cảnh mới. Được biết, thời gian qua ban biên tập và cán bộ phóng viên đã nỗ lực vận hành tờ tạp chí của mình theo quy định mới. Phải nói là làm nghiêm túc, tờ tạp chí bước đầu định hình được trong lòng bạn đọc.
PV:Nói như vậy phải chăng “sân chơi” dành riêng cho giới văn nghệ sĩ Thủ đô còn khá hạn hẹp?

Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tờ tạp chí Người Hà Nội từ khi ra số đầu tiên đến bây giờ, từng số vẫn giữ được chất lượng, phản ánh được đời sống văn hóa nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, xét trong một chừng mực nào đó, thì nó vẫn ít và thiếu. Một tháng 1 số, số lượng trang cũng không phải quá nhiều, có thể nói là không đủ dung lượng để phản ánh đời sống văn học nghệ thuật rất sôi động của Thủ đô Hà Nội, hàng ngày, hàng giờ.
Từ suy nghĩ đó, theo tôi, bên cạnh tờ tạp chí in Người Hà Nội cần có một tờ tạp chí điện tử. Phải có tờ tạp chí điện tử đó mới đủ tầm vóc, vị thế để phản ánh một cách đầy đủ, kịp thời, sống động đời sống văn học nghệ thuật của Thủ đô.
Tôi biết, từ nhiều năm trước đã có website trang điện tử Người Hà Nội, nhưng đó chỉ là trang tin tổng hợp. Giữa trang tin và tờ báo rất khác nhau về tính chất báo chí, về vị thế xã hội, về sự ảnh hưởng xã hội. Cho nên rất cần thiết có một tờ tạp chí điện tử Người Hà Nội trên cơ sở phát triển trang website hiện nay.
PV:Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • 18 tỉnh, thành phố tham gia Hội chợ trái cây, nông sản an toàn tại Hà Nội
    Tối 22/11, Sở Công thương Hà Nội chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì tổ chức Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố tại Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số để thông tin lan tỏa sâu rộng nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO