Chúc Tết online, tại sao không?

KTĐT| 08/01/2022 18:03

Những ngày cuối cùng của năm 2021 đầy khó khăn, một thông điệp được gửi đi từ Bộ Y tế: Tết này, mọi người nên hạn chế đến nhà nhau để chúc tết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lý do cũng như sự cần thiết của việc thực hiện khuyến cáo này nó thì đã rõ, đặc biệt là trong bối cảnh ca bệnh đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron ở Việt Nam được xác nhận tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Mặc dù bệnh nhân trở về từ Anh quốc này được cách ly, quản lý kịp thời ngay sau khi nhập cảnh ngày 19/12 tại Nội Bài, nhưng không có gì chắc chắn đây là bệnh nhân duy nhất và biến chủng Omicron với khả năng siêu lây nhiễm không đe dọa lây lan ở Hà Nội cũng như cả nước.

Cũng cần nhớ lại, đây không phải lần đầu tiên khuyến cáo này được truyền đi. Đầu năm 2021, dịp sát Tết Nguyên đán Tân Sửu, đợt dịch bệnh thứ 4 khởi phát từ Hải Dương sau đó lan ra một số địa phương khác, người dân cũng đã được khuyến cáo hạn chế việc đi lại, giao lưu, tiếp xúc trong đó có việc đến nhà nhau chúc mừng năm mới. Và trong thực tế, nhiều gia đình, cộng đồng cũng đã tự giác thực hiện khuyến cáo trên. Đó là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh.

Cũng có một thực tế khác cần ghi nhận. Qua hai năm dịch bệnh xuất hiện rồi bùng phát, nhiều thói quen trong cuộc sống đã thay đổi. Một trong những biểu hiện rõ nhất, có tác động khá sâu rộng đến đời sống xã hội là nhiều hoạt động được chuyển sang hình thức trực tuyến. Từ đi chợ trực tuyến, dạy và học trực tuyến, hội thảo hội nghị trực tuyến…đến đám hỏi, đám cưới trực tuyến, chương trình nghệ thuật trực tuyến …đều không còn xa lạ với mọi người dân. Có những hoạt động, như dạy và học trực tuyến ban đầu từng gặp khó khăn, ý kiến chưa đồng thuận, nhưng sau một thời gian thực hiện đã trở nên bình thường với những kết quả đáng ghi nhận, kể cả với các cháu học sinh nhỏ lớp 1, lớp 2.

Đó là những hoạt động mang tính chính thống trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cuộc sống vốn đa dạng, và do đó nhu cầu của con người cũng đa dạng. Ai cũng biết với cánh mày râu, và không chỉ với cánh mày râu, việc thỉnh thoảng gặp nhau, nhậu vài chai là một nhu cầu có thật. Dịch bệnh đã khiến cái nhu cầu tưởng như đơn giản đó bị hạn chế, thậm chí dừng hẳn. Vì là nhu cầu có thực nên trước sau gì cũng phải có cách giải quyết. Xé rào gặp nhau thì không thể và không dám bởi con virus chẳng chừa ai, và hậu quả tác động đến mọi thành viên trong gia đình, cha mẹ già, con nhỏ.

Vậy mới có câu chuyện vui vui. Cái khó ló cái khôn, ở Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh và nhiều nơi, cánh bợm nhậu đã khắc phục bằng cách gầy độ nhậu online. Nhớ nhau quá mà không thể gặp mặt, một anh có sáng kiến thành lập một group chat, có đủ mặt quần hùng, từ Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng... Ai ở nhà nấy, chai ai nấy uống. Mỗi anh trưng ra một vài món mồi. Rồi cũng ồ à, khen mồi ngon, rượu quý. Rồi cũng chạm li canh cách…trên mạng. Thế mà cũng vui đáo để, cũng chém gió phần phật. Đó là chưa kể cái lợi là vợ con yên tâm, lỡ có say xỉn thì sẵn giường êm, nệm ấm. Riết rồi cũng nghiện, hẹn nhau thành lệ, mỗi tháng ít nhất một lần.

Mọi sinh hoạt trực tuyến đã trở nên phổ biến như vậy, nên trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, nhiều người, nhiều gia đình đã tính đến chuyện chúc Tết online. Dù đã có thể phiên phiến đi nhiều, giản tiện đi nhiều trong những năm gần đây, song việc chúc Tết vẫn như một thủ tục không thể bỏ qua. Ít nhất thì cũng như trong câu ca xưa:

Mồng một ăn Tết nhà cha

Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy…

Đến thăm nhau, chúc mừng năm mới là một phong tục đẹp trong ngày xuân, nhưng nhiều lúc cũng khá nhiêu khê, phiền phức. Có những gia đình thông gia, ngày mồng một Tết, ông bố vợ giữ lễ đến thăm chúc tết ông bố chồng. Hai bên tất nhiên là tay bắt mặt mừng, mời nhau vài chén rồi mới chia tay. Chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ sau, ông bố chồng đã có mặt ở nhà thông gia, câu chuyện lại diễn ra đúng trình tự như trước đó một giờ đồng hồ, chỉ khác địa điểm. Cái sự câu nệ ấy, nhiều khi cũng gây phiền phức, mệt mỏi.

Cũng bởi vậy đâu đó đã có đề xuất, nên chăng dịp đón năm mới 2022 này, nhất là Tết Nguyên đán Nhâm Dần, để chống con virus Omicron, ta chuyển phắt sang chúc Tết online. Cũng vẫn tay bắt mặt mừng, vẫn nhìn nhau hoan hỉ, khen nhau có cành đào thế đẹp, cây quất đủ cả tứ quý, thậm chí là lì xì cho con trẻ. Con cái làm ăn, sinh sống ở xa, định cư ở nước ngoài không có điều kiện về thăm ông bà, cha mẹ vẫn có thể cùng nhau quây quần đón mừng năm mới…trên mạng. Kém vui một chút nhưng vẫn tràn đầy ấm áp, yêu thương.

Vậy thì, chúc tết online, tại sao không?

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Chúc Tết online, tại sao không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO