Ngày 27/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn lấy ý kiến các bên nhằm hoàn thiện dự thảo cẩm nang áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh.
Sự kiện là một trong các hoạt động của Sáng kiến liêm chính giữa doanh nghiệp và Chính phủ -GBII do VCCI thực hiện trong khuôn khổ dự án vùng “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN” của UNDP.
Bà Sitara Syed - Phó Trưởng Đại diện thường trú, UNDP Việt Nam cho biết, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp ban hành, thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh.
Bộ quy tắc ứng xử tuy không giải quyết được tất cả các vấn đề về tham nhũng, nhưng sẽ là công cụ hỗ trợ để doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia với Chính phủ trong vấn đề phòng, chống tham nhũng. Trong thời gian tới, UNDP Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với VCCI hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp áp dụng bộ quy tắc ứng xử và cơ chế kiểm soát nội bộ thông qua cung cấp các khóa đào tạo, các bộ công cụ và hỗ trợ kỹ thuật cho những doanh nghiệp có mong muốn triển khai áp dụng.
Giới thiệu về bộ cẩm nang hướng dẫn áp dụng kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh, TS. Vũ Thị Phương Liên - Chuyên gia tư vấn, Công ty TNHH Tư vấn và Hội nhập (TDI) cho biết, đối tượng cẩm nang kiểm soát nội bộ hướng đến là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có vốn trong nước, vì những doanh nghiệp này thường chưa đủ nguồn lực để đầu tư cho hệ thống kiểm soát nội bộ. Còn những doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp có vốn nước ngoài đa số đều đã thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ tốt cho doanh nghiệp của mình.
Nguyên tắc xây dựng bộ cẩm nang hướng đến mục tiêu để doanh nghiệp quản trị tốt hơn. Các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở mức độ quản lý mà sẽ nâng cao lên mức độ quản trị. Đồng thời, xây dựng cẩm nang kiểm soát nội bộ không chỉ dừng lại ở phạm vi kiểm soát công tác tài chính kế toán mà còn mở rộng ra phạm vi toàn doanh nghiệp, thỏa mãn yêu cầu cho doanh nghiệp về quản trị công ty ở tầm vĩ mô; ngăn ngừa hoặc giảm đi hoặc phát hiện gian lận trong doanh nghiệp…