Sự kiện & Bình luận

Cho những mùa thu tươi thắm mãi

Hà An 07:06 04/10/2024

“Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về” - ca khúc như một lời tiên đoán của nhạc sĩ Văn Cao đã trở thành hình ảnh hiện thực mang lại rung cảm mãnh liệt trong ngày tiếp quản Thủ đô mùa thu 10/10/1954 của hàng chục vạn nhân dân Hà Nội. Hình ảnh ấy mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc và ở lại trong trái tim mỗi người dân Thủ đô và cả nước.

1i82636af_3009s4.jpg

Hà Nội mùa thu này, sau 70 năm giải phóng, lại bồi hồi cảm xúc vừa tự hào về trang sử hào hùng của cha anh, vừa xốn xang những niềm vui, thành tựu mới, nhưng cũng còn đó những trăn trở, kỳ vọng vào một tương lai không ngừng tiến lên phía trước, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.

Ngày này tròn 70 năm trước, Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội 60 ngày đêm tiến vào tiếp quản Hà Nội. Dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô với lá cờ “Quyết chiến quyết thắng”. Mỗi bước chân trong ngày trở về lại dội lên lớp lớp ký ức về những ngày tháng bảo vệ Thủ đô và suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, kể từ khi tiếng súng Toàn quốc kháng chiến nổ ra ngày 19/12/1946. Trước đó, chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954 cũng đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc

Một tinh thần “gan góc, bất diệt để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau” như Bác Hồ từng viết, đã trở thành mạch đập xuyên suốt trong những ngày chiến đấu trực tiếp của quân dân Thủ đô trên các chiến trường ác liệt.

Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức bước vào một trang sử mới, thêm một lần ghi danh Thủ đô văn hiến, kiên cường kể từ 10/10/1954 tươi thắm đó. Cũng trong ngày mùa thu náo nức ấy, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh” mà đồng chí Vương Thừa Vũ thay mặt Ủy ban quân chính đọc, đến nay vẫn là lời khắc ghi không quên trên chặng đường đi tới của thành phố.

70 năm, từ buổi đầu tiếp quản sau muôn vàn khó khăn, Hà Nội đã đi qua những chặng bền bỉ, từ phục hồi kinh tế, xã hội, hậu phương vững chắc cho miền Nam và bước vào dựng xây Thủ đô, đất nước sau khi thống nhất. Gần 40 năm sau Đổi mới, Hà Nội tiếp tục tiến những bước dài. Từ “Thành phố của lương tri và phẩm giá con người”, đến “Thành phố Vì hòa bình” và trở thành thành viên “Mạng lưới Thành phố sáng tạo” của UNESCO cũng vào một ngày thu tháng 10 (2019), Hà Nội không phút giây nào ngừng phấn đấu cho mục tiêu hòa bình, phát triển.

Tháng 5/2024 vừa qua, kết luận về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bộ Chính trị đã nhấn mạnh: “Trong những năm qua, Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vị thế trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế; có bề dày lịch sử, văn hóa với số lượng di sản, di tích lớn nhất cả nước, hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú và đặc sắc, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước”.

Phía cây cầu Long Biên lịch sử, nơi năm xưa những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội trong ngày giải phóng Thủ đô, bên những bờ bãi sông Hồng nay đã xanh nhiều con đường, khu vui chơi, triển lãm nghệ thuật ngoài trời. Những đình, đền trong phố ngày càng có nhiều dự án tu bổ, không chỉ bảo tồn xưa mà còn gắn với nay trong nhiều hoạt động sáng tạo của người trẻ. Các không gian sáng tạo, mô hình khởi nghiệp văn hóa nảy nở trong cảm thức chung về sự vận động đi lên của thành phố phải bằng sức mạnh mềm văn hóa. Với việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Hà Nội cũng ghi dấu là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa.
70 năm kể từ ngày mùa thu lịch sử, Hà Nội đã định vị mình trong tư thế thành phố phải không ngừng sáng tạo để phát triển bền vững, trong đó con người là trung tâm của mọi chính sách, chiến lược phát triển.

Tiếp tục hiện thực hóa những khát khao và mục tiêu đó, cả hệ thống chính trị và mỗi người dân Thủ đô anh hùng chắc chắn sẽ chung sức tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu của Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII, trong đó có 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội đã đề ra.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (năm 2021) từng nhấn mạnh: “Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật. Đội ngũ này có vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp văn hóa nói riêng và trong sự nghiệp cách mạng nói chung”.

Với tinh thần đó, mang sức mạnh kết tinh suốt chặng đường dài lịch sử hào hùng của dân tộc, với nguồn lực nghìn năm văn hiến Thủ đô, văn nghệ sĩ, trí thức Hà Nội phải là lực lượng đi đầu trong sáng tạo, đổi mới đưa Thủ đô và đất nước không ngừng đi tới.
Còn đó trong trái tim mỗi người dân Hà Nội và cả nước hình ảnh “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào/ Chảy dòng sương sớm long lanh” để cùng nhau “Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa” cho “phố phường Hà Nội xưa yêu dấu”!

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Phở bò Việt Nam là một trong 20 món súp ngon nhất thế giới
    Phở bò được nhiều khách quốc tế biết đến nhất trong ẩm thực Việt Nam, nằm trong top 20 món soup ngon hàng đầu thế giới do CNN chọn.
  • Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê tại đê Hữu Đáy, huyện Quốc Oai
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành quyết định về việc công bố tình huống khẩn cấp sạt lở mái đê hữu Đáy trên địa bàn huyện Quốc Oai và ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để ngăn chặn sạt lở mái đê.
Đừng bỏ lỡ
Cho những mùa thu tươi thắm mãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO