Chất văn học trong ngôn ngữ điện ảnh Đặng Nhật Minh

HNM| 19/09/2021 16:37

Đã quá quen với tên tuổi đạo diễn Đặng Nhật Minh trong lĩnh vực điện ảnh, ít ai biết ông còn sáng tác khá nhiều tác phẩm văn học và từng được nhận một số giải thưởng như Giải 3 cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 1980 - “Thị xã trong tầm tay”, giải kịch bản xuất sắc nhất - “Bao giờ cho đến tháng Mười”.

Chất văn học trong ngôn ngữ điện ảnh Đặng Nhật Minh
Sau khi dựng thành phim, "Bao giờ cho đến tháng Mười" trở thành một kiệt tác kinh điển của điện ảnh Việt Nam sau chiến tranh và đã giành nhiều giải thưởng quốc tế.

Đặng Nhật Minh đã có trên 10 truyện ngắn được tập hợp trong các tập “Nước mắt khô” (NXB Văn học, 1993), “Ngôi nhà xưa” (NXB Trẻ, 2012); truyện vừa “Hoa nhài” (NXB Dân trí, 2016), tập kịch bản “Bao giờ cho đến tháng Mười" (NXB Thuận Hóa, 2002). Phần lớn sáng tác này đều có đời sống rất đặc biệt, trở thành nguồn chất liệu tuyệt vời chắp cánh cho các tác phẩm điện ảnh của ông. Có thể kể tên một số tác phẩm văn học “đứng sau” các bộ phim tên tuổi của ông như: truyện ngắn “Thị xã trong tầm tay”, “Ngôi nhà xưa”, “Trở về”, kịch bản “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cô gái trên sông”, truyện vừa “Hoa nhài”.

Về đề tài, sáng tác văn học của Đặng Nhật Minh bao quát được phạm vi phản ánh tương đối phong phú: Từ nông thôn, truyền thống (“Bao giờ cho đến tháng Mười”) cho đến thành thị (“Ngôi nhà xưa”, “Tin đồn”); từ chiến tranh, lịch sử (“Gặp gỡ ở cửa rừng”, “Thị xã trong tầm tay”), đến đời sống đương đại (“Trở về”, “Nước mắt khô”). Trong đó, kịch bản văn học “Bao giờ cho đến tháng Mười” đã góp phần đưa bộ phim cùng tên vượt ra khỏi biên giới quốc gia và được Đài truyền hình CNN của Mỹ bình chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại (2008).

Những năm 1990, Đặng Nhật Minh tiếp tục phản ánh sự chuyển động của kinh tế thị trường ở Việt Nam những năm sau Đổi mới, kéo theo đó là sự hoán đổi các giá trị sống buộc mỗi người phải tự đấu tranh để lựa chọn. Ông không ngại chạm đến những đề tài gai góc, đầy rủi ro, chẳng hạn truyện ngắn “Thị xã trong tầm tay” lấy bối cảnh chiến tranh biên giới, không chỉ cho thấy những suy tư về số phận của nhân dân và Tổ quốc ở một thời điểm lịch sử nhạy cảm, mà còn soi chiếu vào sự phản bội về niềm tin của con người trong chiến tranh...

Văn học của Đặng Nhật Minh một mặt đã phần nào phản ánh sự vận động của đời sống lịch sử, văn hóa, xã hội của Việt Nam từ những năm 80 thế kỷ XX đến sau đổi mới, mặt khác cũng cho thấy sự tiệm cận với các vấn đề mang tính phổ quát của con người, vì lẽ đó các tác phẩm này sau khi được dựng thành phim, đều được công chúng quốc tế đón nhận.

Đặng Nhật Minh có lối viết nhuần nhị, thiên về tính trữ tình, ở đề tài nào tác giả cũng cho thấy cái nhìn điềm đạm, nhân văn và cũng đầy suy tư trăn trở về các phạm trù: Quá khứ - hiện tại, sự ích kỷ - vị tha, niềm tin - sự phản bội. Cái nhìn ấy là sự cộng hưởng từ ba yếu tố: Khả năng quan sát và sự mẫn cảm nghệ thuật thiên phú; phông văn hóa rộng lớn vốn được thừa hưởng từ truyền thống hiếu học của một gia đình xứ Huế; kết quả của những năm tháng tích lũy tri thức qua nhiều con đường khác nhau.

Về hệ thống nhân vật, Đặng Nhật Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến người phụ nữ. Điều này hẳn xuất phát từ hoài niệm yêu thương về hình ảnh người mẹ vốn mất từ lúc còn rất trẻ và từ chính nguồn sống văn hóa dân gian mà ông được mẹ truyền thụ. Bên cạnh đó, sáng tác văn học của Đặng Nhật Minh thường hướng đến những con người nhỏ bé, ít tiếng nói trong xã hội. Những nhân vật ấy có một điểm chung là hiền lành, nhẫn nhịn, đôi khi thiệt thòi, lạc lõng giữa những toan tính đời thường, nhưng Đặng Nhật Minh luôn nhìn thấy ở họ vẻ đẹp giản dị ánh lên bởi tình cảm nhân hậu, sự bao dung và cả sự hồn nhiên thuần túy.

Nhìn chung, văn học của Đặng Nhật Minh đã khái quát được rất nhiều vấn đề của xã hội, của thân phận con người trải rộng qua các bối cảnh không gian khác nhau, từ quá khứ đến hiện tại. Tác giả kể chuyện đời, chuyện người, chuyện của chính gia đình mình bằng một văn phong giản dị nhưng ẩn chứa mạch ngầm cảm xúc luôn tuôn chảy, và tất nhiên, không thể thiếu “những cái tứ ám ảnh” - là chìa khóa nghệ thuật để mở cánh cửa đến với điện ảnh. Sáng tác của Đặng Nhật Minh, vì thế, là thứ văn học để chia sẻ với nỗi buồn, nỗi đau của con người, nhất là những người yếu thế.

Nếu đọc kỹ, văn chương của Đặng Nhật Minh còn cho thấy tinh thần phản biện mạnh mẽ được xếp đặt khéo léo trong các cuộc đối thoại hoặc tự thoại của nhân vật. Thực chất, đó là những suy nghiệm và chất vấn mang đậm dấu ấn triết học về sự tồn tại của con người trong xã hội, về những giá trị sống được tạo lập và bị thử thách trong từng bối cảnh văn hóa lịch sử khác nhau.

Những phát hiện sâu sắc của người nghệ sĩ Đặng Nhật Minh từ trong văn học đã thăng hoa trong điện ảnh, vì lẽ đó mỗi bộ phim của ông sau khi khép lại thường lưu lại dư vị lâu dài cho người xem. Dư vị ấy chính là chất văn học đọng lại trong hình hài của ngôn ngữ điện ảnh Đặng Nhật Minh.

(0) Bình luận
  • Người đi về phía biển
    Khi biển sinh ra, tôi chưa biết hát. Khi biển lớn lên, em chưa biết khóc. Khi biển mặn mòi, thì đã có những dấu chân đi về phía biển. Biển ở phía đường chân trời, một nơi tưởng chừng như chưa từng có sự nhọc nhằn, vất vả. Bởi chân trời luôn luôn là ước mơ.
  • Bên thềm giếng cũ
    Chiều cao nguyên giăng giăng mây phủ, khói sương mờ ảo giữa thăm thẳm núi đồi, tiếng chim chíu chít gọi nhau về tổ trên nền trời rực ánh tà dương. Vạt sáng huyền hoặc cuối ngày ấy trở thành sợi chỉ mảnh dắt kẻ tha phương lần về miền nhớ.
  • Về ăn cơm mẹ nấu
    Chiều chậm trôi bên nhánh sông hiền hòa chảy êm dòng văn vắt. Mùa lúa chín đã qua còn lưu lại bao miết mải phù sa trên từng gốc rạ se sắt, hanh hao trồi lên khỏi mặt ruộng khô nứt.
  • Nhớ giàn nho của ngoại
    Sớm mai thức giấc, ánh nắng lọt qua khung cửa sổ, dịu dàng rơi trên bàn làm việc, lướt nhẹ lên những đồ vật quen thuộc: vài cuốn sách đang đọc dở, ly trà còn vương hơi ấm và... một chùm nho. Đưa mắt nhìn thật lâu vào chùm nho ấy, một cảm giác xao xuyến đầy mến thương y như vừa tìm được một người bạn cũ lâu ngày không gặp ùa về trong tôi.
  • Mùa về trên tay mẹ
    Kề má vào bàn tay mẹ, lòng tôi nghẹn ngào xót xa khi thấy từng vệt chai sần trên những đường nhăn chằng chịt nứt nẻ tựa trái na khô. Đôi tay mẹ bây giờ không còn khỏe, lập cập lẫn run run như buổi chiều hôm mòn vẹt vì nắng gió. Những mùa màng xưa cũ , những vệt trầm thăng đã quá nửa đời người lần lượt hiện lên trên đôi tay mẹ. Và ký ức tôi lại sụt sùi nhẩm đếm. Dẫu bốn mùa xuân - hạ - thu - đông đã neo sẵn vào đất trời nhưng mùa của mẹ còn ngổn ngang nhiều hơn cả thế.
  • Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà
    Năm nay mọi thứ dường như trôi qua chậm hơn, Lập Xuân rồi mà vẫn cứ rét ngọt và nắng hanh hao mãi. Phải đến qua Nguyên tiêu mới thấy lác đác mưa phùn cùng gió nồm ẩm thổi vào Giêng hai Bắc bộ. Chiều nay trà thất của tôi đón khách quý từ phương xa ghé thăm.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Chất văn học trong ngôn ngữ điện ảnh Đặng Nhật Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO