Nhà văn Hoàng Quốc Hải phấn chấn phát biểu “Sau 25 năm, Hội Nhà văn Hà Nội lần đầu có một nữ Chủ tịch sinh ra trên đất Thăng Long!”. Nhà văn Nguyễn thị Thu Huệ được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ XII (2015-2020). Nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà thơ Trần Quang Quý được bầu làm Phó Chủ tịch, nhà thơ Trần Hữu Việt được bầu là Trưởng ban Kiểm tra; các Ủy viên BCH gồm: nhà văn Y Ban, nhà thơ Trần Gia Thái và nhà thơ Bùi Việt Mỹ. Nhiều hội viên nói vui rằng nhìn vào BCH khóa mới thì thấy Hội Nhà văn Hà Hội “được mùa thơ” (tỷ lệ văn xuôi trên thơ là 2/5). Đại hội không phải không có những điểm hay khoảnh khắc “nóng”, nhưng trên tình thần “đại đồng tiểu dị”, cuối cùng các nhà văn của chúng ta vốn rộng lượng và vị tha nên mọi chuyện đều hanh thông, vui vẻ. Dư âm của Đại hội chắc sẽ còn kéo dài, báo chí - truyền thông đã đưa tin kịp thời và cặn kẽ (nhiều tình tiết, nhiều phát ngôn, nhiều hình ảnh rất bắt mắt).
Tại Đại hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ IX (2015-2020), nhà thơ Hữu Thỉnh đã phát biểu trong Diễn văn bế mạc: “Hướng tới hội viên không chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tâm của mỗi thành viên trong BCH”. BCH Hội Nhà văn Việt Nam cũng chỉ có 7 thành viên lãnh đạo hơn 1000 hội viên cả nước. Thật gọn nhẹ, năng động, hiệu quả. Nhưng tìm đâu ra sức mạnh của một BCH (trung ương hay địa phương)? Theo kinh nghiệm của đấu tranh cách mạng và xây dựng xã hội thời bình mới thì nhân tố hàng đầu tạo nên sức mạnh của một tập thể, rộng ra là cả một dân tộc chính là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” (Hồ Chủ tịch). Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ XI (2010-2015) không phải thiếu người tài giỏi. Nhưng thiếu hẳn sự cố kết, đoàn kết vì lợi ích chung, vì sự tiến bộ, phát triển bền vững của văn học Thủ đô. Nhiều cá nhân mạnh nhưng tập thể không mạnh giống như một đội bóng gồm nhiều cầu thủ giỏi nhưng không có sức mạnh tổng lực toàn đội. Vì thiếu một huấn luyện viên giỏi, đã đành, nhưng thiếu sự công tâm, thiếu nhạy bén chính trị, thiếu sự cầu thị, thiếu khát vọng mở mang đúng hướng. Nếu không nói là khủng hoảng (trong phát triển) thì đã có lúc, có nơi văn học Thủ đô lúng túng, chậm một nhịp so với văn học thành phố Hồ Chí Minh trẻ trung và năng động. Hội Nhà văn Hà Nội có hơn 600 hội viên, Hội Nhà văn thành phố mang tên Bác có hơn 400 hội viên. Rõ ràng là chúng ta cần học tập bạn bè. Hay là họ nhiều người tài hơn? Hay là họ đoàn kết hơn? Hay là họ được lãnh đạo thành phố quan tâm hơn? Hay là họ “văn học thị trường” hơn ta?...
BCH nhiệm kỳ mới cần tầm sư học đạo. Không ai khác, chính các vị trong BCH đang gánh trên vai một trọng trách (không nói là sứ mệnh, sợ to tát quá) lớn - nói đi đôi với làm, mỗi thành viên là một cá thể mạnh mẽ với phương châm “mình vì mọi người mọi người vì mình” để thực hiện chiến lược “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”. Các vị phải ý thức được sâu sắc mình đang đứng trước tấm gương không phải chỉ của hơn 600 hội viên Thủ đô mà là hơn 1000 hội viên cả nước. Và không chỉ trong văn giới soi xét nhau mà rộng ra là nhân dân cần lao đang trông chờ từ mỗi người cầm bút viết về họ cho chân thật và hùng hồn.
Trong phát biểu của nhà thơ Vi Thùy Linh tại Đại hội, dĩ nhiên có một số nhà văn phản ứng (có lẽ do cách thể hiện chứ không phải nội dung ý kiến). Nhưng ngẫm kỹ thấy có cái lý của nó - đó là sự lo âu có căn cứ về tình trạng già hóa, xơ cứng của hoạt động tinh thần, trong đó có văn học. Đó là nỗi bơ vơ (nếu có thực) của lớp trẻ không chỉ trong văn học mà ở các lĩnh vực khác về việc tìm ra động hướng đúng và tốt cho hoạt động nghề nghiệp của mình. Nếu giọng điệu, ngữ điệu của nhà thơ Vi Thùy Linh trên sân khấu có “lên bổng xuống trầm”, thì riêng tôi nghĩ vẫn có thể cảm thông, chia sẻ (tất nhiên là không “thấu cảm”!). Ai cũng có thời tuổi trẻ của mình.
Thế hệ (U70) chúng tôi trải qua lửa đỏ và nước lạnh của chiến tranh, đã đành hy sinh quên mình. Nhưng thế hệ trẻ hôm nay cần được tạo điều kiện tối đa để bộc lộ bản thân, phát huy năng lực, thi thố tài năng, chiếm lĩnh đỉnh cao. Tuy nhiên trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, vấn đề “già”, “trẻ” chỉ là tương đối. Bởi “gừng càng già càng cay”, “ trẻ người mà không non dạ”, họ vẫn có thể là “cặp đôi hoàn hảo”, vẫn có thể song hành trên con đương thiên lý văn học. Tương lai bao giờ cũng thuộc về tuổi trẻ. Tất nhiên.