Tác giả - tác phẩm

Chặng đường dài cùng âm nhạc

Phương Thúy 29/07/2023 11:02

Sinh năm 1949 tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng, Nguyễn Thụy Kha là một nhà thơ, nhà nghiên cứu âm nhạc và là một nhạc sĩ, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn rất say sưa, hết mình vì nghệ thuật. Ông có thể ngồi cùng bạn bè hàng giờ để kể chuyện tiểu sử, các tác phẩm và những mẩu chuyện vui, dí dỏm về các tên tuổi của nền âm nhạc nước nhà như Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Hoàng Việt, Huy Du, Phạm Duy… Là tác giả của 14 công trình nghiên cứu âm nhạc, ông vừa được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Trong ô

anh-1-nhac-si-nguyen-thuy-kha.jpg
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Tháng 9/1971, Nguyễn Thụy Kha vào chiến trường Quảng Trị trong vai trò một người lính thông tin. Ông vừa làm công tác kỹ thuật, vừa tổ chức các Đội tuyên truyền Văn hóa biểu diễn dọc Trường Sơn. Có lẽ bởi những năm tháng gắn bó với chiến trường mà Nguyễn Thụy Kha có nhiều bài thơ về người lính, chân thực, gần gũi. Vào những năm 80, 90 của thế kỉ trước, Nguyễn Thụy Kha là tác giả của nhiều tập thơ và văn xuôi, tiêu biểu như Mắt thời gian”, “Lúc ấy – biển”, “Hương nắng tiếng chim”, “Không mùa”… Đó là những tác phẩm văn học mà như nhận định của nhà thơ Thanh Thảo thì Nguyễn Thụy Kha đã “đóng góp cụ thể cho thơ ca đương đại Việt Nam với những bài thơ, tiểu thuyết đầy xúc động và để lại những tình cảm tốt đẹp cho người đọc”.

anh-2-tac-pham-cua-nguyen-thuy-kha.jpg
Một số tác phẩm của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.

Gần đây, ông và họa sĩ Lê Thiết Cương đã cùng nhau thực hiện hai cuốn sách “Trường thơ Hải Phòng”, “Truyện Kiều - Nguyễn Du/ Lê Thiết Cương - 24 tranh” với phần tranh được vẽ trên cảm hứng “Truyện Kiều” cùng với phần thơ do Nguyễn Thụy Kha sáng tác. Tới đây, cả hai dự định sẽ cho ra mắt tập thơ “Thời máu xanh” của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, viết về những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường. “Tôi có nói với anh Nguyễn Thụy Kha, giả sử trong tất cả gia tài thơ của Nguyễn Thụy Kha mà cho tôi được chọn thì tôi vẫn chọn “Thời máu xanh”, bên cạnh rất nhiều bài thơ lẻ mà hay. Và nếu được chọn một câu thơ hay nhất trong “Thời máu xanh” thì tôi sẽ chọn: “Vào một trưa ngày cuối cùng tháng Tư/ Những người lính bỗng mang chung một tuổi”. Câu này là “thơ không làm”, được bật ra một cách tự nhiên như một câu nói”- họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.

anh-2b-tac-pham-cua-nhac-si-nguyen-thuy-kha.jpg

Có thể nói thơ ca giống như một sự trải lòng, cũng là bước đệm thật vững chắc để Nguyễn Thụy Kha đến với âm nhạc. Năm 1982, ông được giải thưởng thơ của Báo Văn Nghệ với bài “Những giọt mưa đồng hành”. Nhạc sĩ, nhà thơ Văn Cao đã gặp và khuyên ông nên đi theo con đường lý luận phê bình âm nhạc. Mối nhân duyên của ông và người nhạc sĩ tài hoa này còn tiếp nối khi Nguyễn Thụy Kha là người biên tập ấn phẩm thơ “Lá” của Văn Cao và sau này cũng là người viết tiểu thuyết chân dung “Văn Cao - người đi dọc biển”. Cũng từ đó, Nguyễn Thụy Kha đã nung nấu ý định viết về các tên tuổi của nền âm nhạc hiện đại nước nhà: Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Hoàng Việt, Huy Du, Nguyễn Thiện Đạo, Phạm Duy… Mỗi nhân vật đều mang đến cho ông những khám phá thú vị nhưng không kém phần thách thức: Nếu như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát là người mang đến cho công chúng cả một gia tài về âm nhạc truyền thống thì nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lại là người viết nên những bản hành khúc bất tận. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã để lại gia tài âm nhạc đồ sộ, thấm đẫm chất âm nhạc truyền thống và đã mở ra những chân trời mới cho âm nhạc cách mạng nước nhà với những tác phẩm opera kinh điển như “Cô sao”, “Người tạc tượng” và “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”. Nhạc sĩ Hoàng Việt lại là người đại diện cho âm nhạc đậm chất Nam Bộ, cùng nhiều tác phẩm giao hưởng, còn nhạc sĩ Huy Du là người kế tục những bậc đàn anh, với những sáng tác hòa trộn chất dân ca với hiện đại…

Đặc biệt, trong số 14 công trình nghiên cứu âm nhạc, những trang viết của Nguyễn Thụy Kha về nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã để lại ấn tượng cho bạn đọc về sự dày công, chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu của tác giả. Với một nhạc sĩ đang sống và làm việc tại Pháp, theo đuổi dòng nhạc Avant garde - nhạc tiên phong, tác giả Nguyễn Thụy Kha dù chưa một lần tới Pháp nhưng đã tái hiện rất chi tiết về con người, những ảnh hưởng của văn hóa Pháp và Việt Nam đến người nhạc sĩ tài hoa này. Ông kể: “Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo là người thứ ba tôi viết khi họ còn sống, sau Văn Cao, Huy Du. Khi viết về ông, tôi phải tìm hiểu âm nhạc thế giới, từ cổ điển đến trường phái âm nhạc mà ông theo đuổi. Có một điều đặc biệt là khi viết về Nguyễn Thiện Đạo thì tôi chưa được đi Pháp. Tôi cũng phải cảm ơn Văn học Pháp vì đã mang đến cho tôi một Paris quá lãng mạn và quá chính xác để tôi có thể hình dung bối cảnh những nơi nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã đi qua”.

Nguyễn Thụy Kha là người không biết dùng máy tính, tất cả kí ức, kỉ niệm về lịch sử âm nhạc nước nhà ở trong chính con người ông, luôn có thể chia sẻ với bất cứ ai bằng sự công tâm, chan hòa. Vì thế nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam gọi ông là “từ điển sống” về lịch sử âm nhạc nước nhà. “Đặc biệt là lịch sử âm nhạc mới, từ thời tân nhạc cho đến thời kì lãng mạn, thời kì kháng chiến, cho đến những năm đổi mới, từ những nhạc sĩ lão thành cho đến nhạc sĩ trẻ, ông đều có chính kiến, những bao quát chu đáo, phân tích chuyên nghiệp… Những nghiên cứu sâu về Hoàng Việt, Nguyễn Thiện Đạo, Lưu Hữu Phước, Huy Du… là những kí ức về tác giả đều có dấu ấn của Nguyễn Thụy Kha. Mỗi hồi kí đều thể hiện chính kiến của người viết trong đó. Nhất là với nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã làm sáng tỏ sự nghiệp sáng tác cũng như thế mạnh của những nhạc sĩ mà đôi khi nếu như không có sự lặp lại thời gian thì không thể làm sáng những điểm mà lịch sử đang lu mờ”- nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhận định.

Không chỉ là người viết phê bình âm nhạc, Nguyễn Thụy Kha còn tham gia sáng tác. Ban đầu là những ca khúc dành cho thiếu nhi, được viết trên những kỉ niệm, tình cảm của chính tác giả với con gái, trong đó đáng lưu ý là những ca khúc: “Em yêu thiên nhiên”, “Khúc hát mùa hè”, “Trong mắt má yêu thương”, “Mùa xuân bao điều lạ”… Gần đây, ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông lại sáng tác nhiều ca khúc, hợp xướng viết về các địa phương, tiêu biểu như các hợp xướng về Hải Phòng, Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng… Các hợp xướng của Nguyễn Thụy Kha tuy viết về các địa phương nhưng khi nghe lại cảm thấy nhạc sĩ đã gửi gắm tình cảm chung, tình yêu quê hương xứ sở. Có những hợp xướng do ông tự viết lời, cũng có những hợp xướng ông phổ thơ của người khác và đã nhận được nhiều giải thưởng. Ví dụ: Hợp xướng “Trái tim Dung Quất” (phổ thơ Thanh Thảo), hợp xướng “Hải Phòng thuở ấy” (phổ thơ Văn Cao)... với chất âm nhạc vừa mang tính thời đại, vừa tích hợp những truyền thống của âm nhạc nước nhà. Đáng lưu ý trong những tác phẩm ấy, ông đã tiếp thu những thành tựu của các thế hệ đi trước như nhạc sĩ Tô Hải, Hoàng Vân, Doãn Nho. Chính sự phong phú về kiến thức âm nhạc đã khiến cho những tác phẩm của Nguyễn Thụy Kha rất dễ nhận ra, với màu sắc riêng. Nhà thơ Thanh Thảo kể rằng: sau chuyến thăm nhà máy lọc dầu Dung Quất cùng nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, cả hai đã rất đồng cảm để làm nên tác phẩm “Trái tim Dung Quất”. “Chúng tôi thăm nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, sau đó tôi viết thơ - phần lời cho hợp xướng. Tôi nghĩ rằng anh Kha đã có sự đồng cảm với mình và anh phổ nhạc rất nhanh, không bỏ một chữ nào. Đây không phải lần đầu chúng tôi làm cùng nhau. Trước đó cũng đã có một số ca khúc anh Thụy Kha phổ thơ của tôi. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi cùng làm một thể loại lớn hơn - hợp xướng”, nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ.

Bên cạnh đó, Nguyễn Thụy Kha còn là tác giả những bài thơ, từ đó gợi cảm hứng cho các nhạc sĩ khác phổ nhạc, ví dụ như bài “Trong thu ta về”, do nhạc sĩ Chu Minh phổ nhạc, bài “Chiều không em”, “Về Hải Phòng” do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. Riêng với ca khúc “Chiều không em” là một bài thơ khá hiếm hoi khi được 3 thế hệ nhạc sĩ phổ nhạc, với ca từ lắng đọng, buồn man mác. “Qua bài thơ có thể thấy tình cảm rất trữ tình, phù hợp với âm nhạc của Phú Quang - vốn là người rất kỹ tính trong việc chọn ca từ. Phú Quang trong bài “Chiều không em” đã âm nhạc hóa lời thơ của Thụy Kha và trở thành một trong những ca khúc rất được yêu thích. Trong những chương trình biểu diễn, bên cạnh những ca khúc độc lập, nhạc sĩ Phú Quang cũng hay giới thiệu hoặc đưa vào bài hát “Chiều không em”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam kể lại.

anh-2c-tac-pham-cua-nguyen-thuy-kha.jpg

Sự phong phú trong hoạt động nghệ thuật nói chung cũng như cuộc đời của nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cho thấy sáng tác của ông luôn luôn gắn với nhịp thở của văn nghệ nước nhà. Ông cũng chính là một người sống trong nghệ thuật, cống hiến hết mình vì nghệ thuật./.

Bài liên quan
  • "Cõi người dưng": Sự thích ứng phi thường và tình hữu ái trước nghịch cảnh
    “Cõi người dưng: Đời du dân Mỹ thế kỷ 21” là cuốn bút ký của nhà báo nổi tiếng người Mỹ, Jessica Bruder. Cuốn sách viết về tầng lớp thu nhập thấp ở Mỹ, những “nomad” – du dân. Bắt đầu từ một đặt hàng cho bài viết trên tạp chí Harper’s, Jessica Bruder đã bị hấp dẫn và cuốn vào cuộc sống của những du dân, cô bỏ ra 3 năm để chu du trên khắp các nẻo nước Mỹ để sống cùng và sống như một du dân. Sách do Y Khương dịch – Phạm Ngọc Thạch hiệu đính, vừa được Nxb Phụ nữ Việt Nam ấn hành vào tháng 4/2023.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ấn tượng sinh viên trường múa biểu diễn trong kỳ thi tốt nghiệp
    Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức Chương trình thi Tốt nghiệp trình độ Trung cấp vào 3 ngày 14/5 đến 16/5 vừa qua với những nội dung thi như: múa cổ điển Châu Âu, múa dân gian dân tộc Việt Nam, múa đương đại,…
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • “Ươm mầm” đảng viên trẻ góp phần tạo những tấm gương sáng cổ vũ phong trào thanh niên
    Nhân dịp kỉ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Trường THPT Đông Đô (quận Tây Hồ) đã long trọng tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới cho 02 học sinh ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
  • Hà Nội yêu cầu làm rõ nguyên nhân cầu Vĩnh Tuy 2 bị ngập nước
    Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản số 2795/SGTVT-KHTC yêu cầu các đơn vị kiểm tra xác định nguyên nhân và có xử lý kịp thời các tồn tại liên quan đến việc thoát nước mặt cầu Vĩnh Tuy 2 thuộc dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2.
Đừng bỏ lỡ
Chặng đường dài cùng âm nhạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO