Gương mặt điện ảnh

Cha tôi - đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải 06/09/2023 12:26

Ngày 1/7/2023, đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc đã ra đi, để lại niềm tiếc thương cho người thân, bạn bè và đồng nghiệp. Ông ra đi và để lại một khoảng trống không gì bù đắp được. Nhưng còn lại mãi với thời gian sẽ là những bộ phim độc đáo, đầy tâm huyết, sáng tạo, đam mê mà ông đã để lại cho các thế hệ sau.

bui-dinh-hac-1.jpg
Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc.

Là con trai của NSND Bùi Đình Hạc, tôi đã có hạnh phúc được trực tiếp làm việc, cộng tác với ông trong một khoảng thời gian dài khi làm phim “Hà Nội - 12 ngày đêm”. Đó thực sự là một khoảng thời gian đầy khó khăn, thử thách, nhưng cũng đầy hứng khởi, và là dịp để tôi hiểu ông rõ hơn và học tập được rất nhiều từ ông cả trong nghệ thuật làm phim cũng như trong cuộc sống.

Trong cảm nhận của tôi, đạo diễn Bùi Đình Hạc là một con người rất hiền, nhân ái, thông tuệ, trung thực, luôn bình tĩnh, nhưng cũng rất quyết liệt tìm mọi cách vượt qua mọi khó khăn để đạt được sự hoàn thiện cao nhất cho tác phẩm điện ảnh mà mình thực hiện. Đối với ông, mỗi tác phẩm điện ảnh chính là một phần của trái tim. Khi làm phim, quan niệm của ông rõ ràng, ông luôn thể hiện một cách trung thực nhất trong những bộ phim của mình, với những thủ pháp điện ảnh đầy sáng tạo, những tình cảm, suy nghĩ của thế hệ mình, một thế hệ được phát triển trong một giai đoạn hào hùng, đầy biến cố của dân tộc Việt Nam.

bui-dinh-hac-2.jpg
Đạo diễn Bùi Đình Hạc và quay phim Lưu Xuân Thu đang làm phim Sài gòn, tháng 5/1975.

NSND Bùi Đình Hạc thành công rực rỡ trong cả hai thể loại chính của điện ảnh (phim truyện và phim tài liệu). Năm 1959, ông cho ra mắt bộ phim tài liệu “Nước về Bắc Hưng Hải” khi mới 25 tuổi. Bộ phim ngay lập tức đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Mát-xcơ-va cho thể loại phim Tài liệu xuất sắc nhất. Đây là cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển điện ảnh Việt Nam và văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung, khi một bộ phim, một tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam được tặng giải Nhất tại một LHP, một sự kiện văn hóa danh giá, có tầm cỡ toàn cầu. Bộ phim đã trở thành niềm tự hào của đất nước, là một sự động viên lớn lao cho sự phát triển của nền điện ảnh của một dân tộc mới giành được độc lập. Nói về bộ phim này, đạo diễn Paul Paviot, thành viên Ban Giám khảo nhận xét: ““Nước về Bắc Hưng Hải là bộ phim lộng lẫy. Tại Đại hội Liên hoan, chúng tôi đã xem gần 70 bộ phim tài liệu, trong đó có 15 bộ nói về các công trình xây dựng kênh đập, nhưng tất cả chúng tôi đều nhất trí đó là bộ phim hay nhất. Bộ phim Việt Nam được chú ý trước tiên là do nó có một sắc thái dân tộc rõ nét… Chúng tôi muốn ví lao động anh hùng của nhân dân Việt Nam với lao động của những con người đã sáng tạo ra những kỳ công của Kim tự tháp ở Ai Cập. Giá trị thứ hai của cuốn phim là với một sức mạnh đặt biệt, nó nêu bật được những nét tình cảm và tế nhị của dân tộc Việt Nam”.

Ngay từ bộ phim đầu tiên của mình đạo diễn Bùi Đình Hạc đã gắn bó với những đề tài lớn của đất nước của dân tộc. Nhiều năm sau, vào những năm cuối đời, khi đã trải qua một sự nghiệp điện ảnh dài lâu và rực rỡ, ông đã nói rõ về quan điểm làm phim của mình: "Trong những bộ phim của tôi, tôi luôn miêu tả những con người cùng thời đại với mình, thể hiện những suy nghĩ, tình cảm lớn lao, chân thành và sâu sắc của họ gắn liền với những sự kiện lớn của dân tộc, đất nước Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh... Tôi quan niệm là mỗi bộ phim luôn phải có cách thể hiện mới, sáng tạo, không lặp lại những bộ phim tôi đã làm trước đó. Mỗi bộ phim phải có sự kết hợp tính hiện đại và tính dân tộc một cách nhuần nhuyễn, tinh tế. Chỉ có như vậy thì bộ phim mới tạo được sức lôi cuốn, sự đồng cảm sâu sắc đối với khán giả Việt Nam và quốc tế".

bui-dinh-hac-3.jpg
Đạo diễn Bùi Đình Hạc và quay phim Hồng Sến đang làm phim “Nước về Bắc Hưng Hải”.

Năm 1964, ông cho ra mặt bộ phim tài liệu “Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi” chỉ vài tháng sau khi anh Trỗi hi sinh. Bộ phim này tiếp tục khẳng định tài năng của ông với một ngôn ngữ chính luận sắc bén, với sự sử dụng ngôn ngữ điện ảnh tinh tế, sáng tạo đã gây hiệu quả truyền cảm mạnh mẽ. Bộ phim đã được tặng giải Bạc tại LHP Quốc tế Mát-xcơ-va (1965) và giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam (1970). Tuy nhiên, chưa thỏa mãn với thể loại phim tài liệu, năm 1966 ông làm tiếp phim truyện “Nguyễn Văn Trỗi”. Phim không chỉ khắc họa anh Nguyễn Văn Trỗi như một chiến sĩ mà còn nêu bật nét tình cảm, tình yêu với người vợ mới cưới của mình. Chất anh hùng ca hòa quyện với chất tình cảm chân thành, chất trữ tình đã tạo nên sự đồng cảm sâu sắc trong khán giả. Bộ phim này đoạt giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam cho phim truyện xuất sắc nhất (1970). Như vậy tại LHP Việt Nam năm 1970, đạo diễn Bùi Đình Hạc đoạt giải Bông sen Vàng ở cả hai thể loại phim truyện và phim tài liệu.

bui-dinh-hac-4.tif.jpg

Năm 1971, ông hoàn thành bộ phim “Đường về quê mẹ”, đây là một trong những bộ phim chiến tranh rất thành công. Bộ phim kể về cuộc chiến giải phóng làng Vân, được dựa trên một sự kiện có thật là cuộc giải phóng làng Vây thời gian đó. Trong bộ phim này ông cùng tác giả kịch bản Bành Châu đã xây dựng được lối kết cấu sắc nét kết hợp cuộc chiến khốc liệt giải phóng làng Vân với câu chuyện tình cảm chân thành mẹ - con, cũng như tình yêu đôi lứa, rụt rè trong sáng, nhưng cũng rất mãnh liệt của người lính. Bộ phim được tặng giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam năm 1973, Giải Đạo diễn xuất sắc cho Bùi Đình Hạc, Giải Biên kịch xuất sắc cho Bành Châu và Bùi Đình Hạc; Giải Nhất tiểu hội các nước Á-Phi-Mỹ La tinh tại LHP Quốc tế Karlovy Vary 1972; Giải nhất LHP Quốc tế tại New Delhi - Ấn Độ 1973…

Đạo diễn Bùi Đình Hạc cũng là người có những tác phẩm nổi bật về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt qua 3 tác phẩm “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin” (Giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam, 1980), “Đường về Tổ quốc” (Giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam, 1980), và “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” (Giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam, 1990). Nếu 2 bộ phim “Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin” và “Đường về Tổ quốc” đem đến một cái nhìn toàn cục về hình ảnh của lãnh tụ trong quá trình gian lao, đầy khó khăn gian khổ để có thể đến nước Nga và sau đó trở lại Tổ quốc để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình thì bộ phim “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” lại có một cách làm phim đi sâu vào tình cảm, suy nghĩ rất riêng tư, sâu sắc ở khía cạnh con người của vị lãnh tụ. Đây chính là tác phẩm bộc lộ khá rõ nét tư duy làm phim kết hợp mặt mạnh của cả phim tài liệu, với độ xác thực, sức mạnh của sự kiện và mặt mạnh của phim truyện, với khả năng đi sâu vào tâm lý, tình cảm của nhân vật. Sự kết hợp nhuần nhuyễn của phương pháp làm phim này, cùng với sự sắc bén của tư duy đạo diễn đã tạo ra một hình tượng lãnh tụ rất gần gũi, đời thường, cùng với những xúc cảm rất sâu sắc, chân thành, đã tạo ra sự xúc động rất mạnh mẽ tới người xem.

Năm 1997, đạo diễn Bùi Đình Hạc bắt tay vào làm bộ phim truyện sử thi “Hà Nội - 12 ngày đêm”. Vượt qua rất nhiều khó khăn gian khổ do eo hẹp kinh phí, khó khăn về kỹ thuật, bộ phim được hoàn thành sau 5 năm, vào năm 2002, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày quân và dân Hà Nội đã chiến thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ vào tháng 12/1972. Bộ phim đã sử dụng kết cấu hiện đại, đa chiều, đa tuyến, tạo nên một bức tranh tổng thể của cuộc chiến và đồng thời đi sâu khắc họa hình ảnh những con người Hà Nội với những nét tài hoa, những tình cảm mạnh mẽ, sâu sắc và tinh tế. Bộ phim đã không ngần ngại khắc họa rõ nét sự khốc liệt, sự đau thương, mất mát trong chiến tranh nhưng cũng khẳng định sự vươn tới tương lai của dân tộc Việt Nam. Tại LHP Fukuoka, Nhật Bản, ông Tadao Sato, Chủ tịch LHP đã nhận xét: “Hà Nội - 12 ngày đêm” là một bộ phim hay, một bộ phim trí tuệ. Mỗi trường đoạn chiến tranh diễn ra rất ác liệt nhưng người xem vẫn thấy người Việt Nam để hòa bình lên trên chiến tranh, để tình hữu nghị giữa các dân tộc trên sự hằn thù giữa các dân tộc".

Bộ phim đã được tặng giải Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam, 2004. Và được rất nhiều LHP Quốc tế lớn chọn mời tham dự ở các chương trình danh giá nhất: Cairo (Ai Cập - 2003), Fukuoka (Nhật Bản - 2003), Locarno (Thụy Sĩ - 2004), Fajr (Tehran, Iran - 2004), Vesoul (Pháp - 2005), Pyong-yang (Triều Tiên - 2004), La Laguna Tenerife (Tây Ban Nha - 2005)…

NSND Bùi Đình Hạc là một người rất yêu thích, ủng hộ cái mới trong nghệ thuật. Trong sự nghiệp của mình, trong từng bộ phim, ông luôn tìm đến những cách thể hiện mới, khác với những bộ phim mà ông đã từng làm. Phim “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người là một quan niệm hoàn toàn mới về xây dựng hình tượng lãnh tụ, là một cách làm phim đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa thủ pháp đi sâu vào tâm lý của nhân vật trong điện ảnh phim truyện kết hợp với thủ pháp hiện thực sắc nét của phim tài liệu. Trong phim “Hà Nội - 12 ngày đêm”, ông đã thể hiện một khả năng đổi mới bố cục điện ảnh với cốt truyện đa tuyến, đa chiều đan xen rất hiệu quả, làm người xem bị cuốn hút cả trong tổng thể chiến lược cũng như xúc động với những phát triển tình cảm giữa những con người Hà Nội, quả cảm, sâu sắc, chân thành... Trong “Hà Nội - 12 ngày đêm”, ông cũng là người làm phim Việt Nam đầu tiên thực hiện áp dụng những kỹ thuật điện ảnh tiên tiến nhất thời kỳ đó trong bộ phim của mình: đó là kỹ xảo vi tính (CGI) và hệ thống âm thanh vòm (surround sound)…

Hiểu biết về điện ảnh của ông rất đa dạng, không chỉ biết rõ về điện ảnh châu Âu, ông cũng biết nhiều về nền điện ảnh Mỹ, ông có cùng quan điểm là điện ảnh phải có tính đại chúng. Vì vậy những phim của ông làm luôn có sức cuốn hút rất mạnh mẽ đối với công chúng. Đối với những nhà làm phim thế hệ sau, ông bao giờ cũng tinh tường nhìn ra những phương pháp, quan điểm làm phim mới của họ và luôn ủng hộ họ trong việc thể hiện những quan niệm, cách nhìn mới đó. Nhiều người làm phim trẻ đã từng tìm đến để nhờ ông góp ý cho những bộ phim của mình kể cả trước và sau khi ông đã về hưu. Và ông đã rất nhiệt tình giúp đỡ, khơi dậy, khuyến khích, ủng hộ họ đi theo những tìm tòi, đổi mới của mình. Ở tư cách là nhà quản lý, ông cũng đã từng ủng hộ mạnh mẽ nhiều đạo diễn để họ phát triển những tư duy làm phim có xu hướng đổi mới của họ, như đạo diễn NSND Lê Mạnh Thích, đạo diễn NSƯT Lê Đức Tiến… Ông cũng từng giúp và ủng hộ đạo diễn Trần Anh Hùng nhiều khi anh quay những bộ phim của mình ở Việt Nam. Anh Trần Anh Hùng cũng rất quý ông. Khi ông quay bộ phim “Hà Nội- 12 ngày đêm, anh Hùng cùng vợ đã đến thăm ông ở bối cảnh trận địa pháo trên nóc nhà quán cà phê Nhân…

Đối với tôi, NSND Bùi Đình Hạc là người cha, nhưng ông cũng là một nhà làm phim, một nghệ sĩ đầy lòng nhân ái, bao dung, hết sức trung thực, đầy tài năng, đầy tâm huyết, sáng tạo không mệt mỏi, là tấm gương mà tôi trân trọng, yêu thương và học tập./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tưởng nhớ Hoàng Nhuận Cầm: Những câu thơ viết đợi mặt trời
    Sáng ngày 10/5, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề Tưởng nhớ Hoàng Nhuận Cầm "Những câu thơ viết đợi mặt trời" nhân kỷ niệm ba năm ngày mất của nhà thơ. Tới dự buổi sinh hoạt hôm nay có đại diện ban chấp hành Hội và đông đảo hội viên, văn nghệ sĩ.
  • Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận và những công trình “lưu dấu” Điện Biên
    Kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận nói rằng ông “không có một chút ngỡ ngàng nào về lịch sử Điện Biên”, bởi từ thuở bé, ông đã tìm hiểu lịch sử dân tộc mình. Bắt tay vào thiết kế bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng là lần đầu tiên ông bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm túc, làm thế nào để chuyển hóa những tình cảm của mình về Điện Biên trong công việc sáng tạo. Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, khu Trung tâm hành lễ và nhà tưởng niệm nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 là hai công trình đầu tiên khẳng định ông có duyên với mảnh đất này.
  • “Hiểu con tuốt tuồn tuột”: Bí kíp để trở thành người mẹ hạnh phúc
    Nhân Ngày của mẹ (12-5), Crabit Kidbooks liên kết với NXB Hà Nội ra mặt bộ sách “Hiểu con tuốt tuồn tuột”. Bộ sách gồm ba cuốn mang đến những gợi ý quý báu để mẹ và con có thể hiểu nhau hơn, đồng hành một cách hiệu quả.
  • Bệnh viện Trung ương Huế tọa đàm chào mừng Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5
    Bệnh viện Trung ương Huế tọa đàm chào mừng Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 và tập huấn về “Giao tiếp chuyên nghiệp trong an toàn người bệnh và chất lượng chăm sóc”.
  • Nhóm nhạc Westlife của thế hệ 8X sẽ biểu diễn tại Hà Nội vào tháng 6 tới đây
    "Hà Nội, Việt Nam - chúng tôi rất phấn khích được công bố rằng chúng tôi sẽ trở lại gặp các bạn vào ngày 4 và 5-6. Vé sẽ được bán từ thứ hai, ngày 13-5" - fanpage chính thức của Westlife viết chiều 9-5.
Đừng bỏ lỡ
Cha tôi - đạo diễn NSND Bùi Đình Hạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO