Cần tìm nguyên nhân vì sao khảo cổ kéo dài mà chưa đi tới đích...

Nhật Anh| 17/08/2021 10:53

Bài viết “Phục dựng điện Kính Thiên: Vẫn... không thể vội vàng” đăng trên tạp chí Người Hà Nội số 6/2021 đã cho thấy, ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên vẫn là mối quan tâm lớn không chỉ của riêng nhà quản lý và những người làm văn hóa. Nhiều dấu tích của kinh thành Thăng Long một thời lẫy lừng trong lịch sử hé lộ, song ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên thực sự vẫn mơ hồ, khiến những người tâm huyết với văn hóa Hà Nội không khỏi lo lắng, băn khoăn. Tiếp tục góp thêm những luận bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cũng đã có những chia sẻ với tạp chí Người Hà Nội. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo: Cần tìm nguyên nhân vì sao khảo cổ kéo dài mà chưa đi tới đích…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo

PV: Thưa nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo, hẳn không phải ngẫu nhiên mà ông gọi hành trình khai quật khảo cổ tại khu vực Hoàng thành Thăng Long là “Mười tám năm nhọc nhằn đi tìm điện Kính Thiên thời Lý”?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo: Đúng là thế đấy! Bởi từ Hội nghị thông báo kết quả khảo cổ học khu vực nội đô Thăng Long năm 2016 (diễn ra ngày 25/12/2016), sau 13 năm đi tìm dấu tích điện Kính Thiên, Giáo sư Phan Huy Lê - người rất nặng lòng với Hà Nội, cũng là người đã theo sát cuộc khai quật khảo cổ học tại đây lúc bấy giờ, đã không giấu nỗi thất vọng của mình: “Qua 13 năm tiến hành khảo cổ, chúng ta có nhiều tư liệu làm cơ sở cho đề án nghiên cứu phục dựng không gian điện Kính Thiên, tuy nhiên, nếu có thể chỉ là phục dựng được không gian, khó lòng phục dựng được điện Kính Thiên”. Các cuộc khai quật sau đoạn hành trình 13 năm đó vẫn tiếp tục đi theo đường hướng này, nên những dấu tích tìm thấy không cho chúng ta cơ sở để kết luận về một mặt bằng kiến trúc của đô thành thời Lý.

Quả thực, nếu trong nội đô Thăng Long có điện Kính Thiên thời Lý tọa lạc, thì nay kiến trúc đó chỉ lưu lại vết tích dưới mặt đất, chúng ta không rõ tọa độ cụ thể là bao nhiêu, cũng không rõ quy mô, mà chỉ có thể biết, ngôi điện Kính Thiên đó xây dựng trên và trong mặt bằng kiến trúc của đô thành thời Lý. Do vậy, trước khi đi tìm điện Kính Thiên, cần tìm ra mặt bằng xây dựng của thời Lý, nơi đó có điện Kính Thiên.

Cuộc khai quật năm 2016, cũng như các cuộc khai quật đi tìm điện Kính Thiên trước đó và 5 năm sau này, các nhà khảo cổ học không mấy quan tâm đến điều vừa nói, mà đi tìm một khoảng đất trống trong nội đô Thăng Long, nơi không có các di tích, không có cây lớn… để định hố khai quật. Dưới khoảng đất đó có điện Kính Thiên hay không chỉ là tiền đề của cuộc khai quật, mục tiêu khai quật, thế nên thực tế trên thực đề thành ra bất chỉnh hợp.

PV: Nghĩa là có sự bất hợp lý trong phương pháp khai quật khảo cổ học tại đây, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo: Phương pháp khai quật khảo cổ được áp dụng ở đây là phương pháp khai quật ở di chỉ cư trú thuộc các thời tiền sử và sơ sử. Còn đây là di tích gồm nhiều kiến trúc của thời phong kiến. Phương pháp khai quật dựa vào các lớp đất do các nhà khai quật tự hoạch định, trong quá trình đào xuống dưới gặp di tích không phải là đối tượng mà mình cần đi tìm, nhưng vẫn được xử lý cẩn trọng rồi bảo tồn tại chỗ, rồi lại đào tiếp xuống dưới. Thế nên, các di tích được phát hiện, nghiễm nhiên trở thành vật cản cho việc đi tìm đối tượng của cuộc khai quật. Tình trạng này đã từng xảy ra tại địa điểm 18 Hoàng Diệu, di tích có niên đại sớm chui vào gầm di tích muộn, di tích có niên đại sớm không rõ diện mạo ra sao. Đúng ra, khi phát hiện di tích muộn đè lên di tích sớm phải được tư liệu hóa, rồi giải phóng nó khỏi vị trí, để đào xuống tìm hiểu di tích sớm…

PV: Nhưng theo báo cáo khảo cổ học các giai đoạn khai quật ở khu vực này, thì nhiều dấu tích của Kinh thành Thăng Long một thời lẫy lừng trong lịch sử đã hé lộ?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo: Điểm lại các kết quả khai quật của từng thời sẽ thấy rõ giá trị của những dấu tích đã phát lộ đối với việc phục dựng điện Kính Thiên. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo: Cần tìm nguyên nhân vì sao khảo cổ kéo dài mà chưa đi tới đích…
Di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long.

Tính đến thời điểm năm 2016, thời Nguyễn còn một số kiến trúc vẫn hiện hữu trên mặt bằng xây dựng của thời này, như móng điện Kính Thiên, hậu cung, Đoan Môn… Ở đây, các nhà khảo cổ học đã làm rõ móng Đoan Môn và thấy móng đó xây đè lên móng Đoan Môn thời Lê trung hưng - Đoan Môn và tường của nó là kiến trúc thuộc hai thời kỳ Nguyễn và Lê trung hưng, phần trên thuộc thời Nguyễn, phần dưới thuộc thời Lê. Tiếp tục đào xuống, thì phát hiện móng tường phía Nam của Cấm Thành, móng Đoan Môn ở độ sâu 1,2 - 1,5m, sân Đan Trì lát gạch vồ màu xám, hành lang đi từ hố khai quật năm 2014. Bốn di tích này được các nhà khảo cổ học xác định cùng thuộc thời Lê trung hưng, vì sao? Chúng có xây dựng trên cùng mặt xây dựng của thời Lê trung hưng hay không? Đây là một căn cứ rất quan trọng, không những xác định chính xác niên đại của chúng, mà còn góp phần vào việc tìm hiểu quy hoạch nội đô của thời Lê trung hưng. Phía dưới thời Lê trung hưng là thời Lê sơ, người khai quật không tìm thấy kiến trúc nào khác ngoài việc làm rõ móng tường phía Nam của Cấm Thành. Như vậy, thời Lê sơ không đi qua Đoan Môn như thời Nguyễn và Lê trung hưng? Đến thời nhà Trần, người khai quật không phát hiện được gì. Đến thời nhà Lý, người khai quật không tìm thấy kiến trúc nào ngoài một đoạn đường nước chảy qua.

Kết quả khai quật năm 2016 cho chúng ta biết, khu vực khai quật hàm chứa các di tích của nhà Nguyễn, Lê trung hưng và Lê sơ, còn các di tích thời Trần, thời Lý không phát hiện được gì. Phải chăng thời nhà Trần, nhà Lý không mở rộng kinh thành đến khu vực này? Không gian trong phạm vi khai quật không phải là không gian điện Kính Thiên mà là không gian của những kiến trúc khác với kiến trúc điện Kính Thiên.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo: Cần tìm nguyên nhân vì sao khảo cổ kéo dài mà chưa đi tới đích…
Di vật khảo cổ thời Lê sơ.
Các cuộc khai quật tiếp nối từ năm 2016 đến đầu năm 2021 cho thấy dấu tích móng cột sỏi thời Lý và có dấu hiệu của kiến trúc móng cột kê nổi và kê chôn chân cột như ở khu vực 18 Hoàng Diệu. Đối với thời Trần, có sự xuất hiện của dấu tích kiến trúc tròn - kiểu kiến trúc đã xuất lộ gần Đoan Môn, chùa Báo Ân. Đối với thời Lê sơ, như PGS.TS Tống Trung Tín nói: “Di tích kiến trúc nhiều gian gợi sự phân bố của không gian chính điện ở đây và dấu tích này cho thấy sự thu hẹp lại so với không gian phía trước chính điện”. Đối với thời Lê trung hưng, các dấu tích tìm thấy là móng tường bao, cống nước, ngòi nước, đường đi - vẫn là những dấu tích đã tìm thấy trước đó được mở rộng lên phía Bắc. Ngoài ra còn phát hiện một móng kiến trúc lớn nằm dưới móng Hậu Lâu thời Nguyễn, gợi ý về một dấu tích kiến trúc lớn thời Lê trung hưng nằm dưới móng Hậu Lâu. Dấu tích các móng cột lớn năm 2019 và dấu tích nền móng này được nhận định có liên quan đến dấu tích điện Cần Chánh thời Lê Nguyễn…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo: Cần tìm nguyên nhân vì sao khảo cổ kéo dài mà chưa đi tới đích…
Thềm điện Kính Thiên thời Pháp - Ảnh tư liệu.

Kết quả khai quật đến năm 2021 như PGS.TS Tống Trung Tín nhận định là “có thể bước đầu đoán định không gian thu hẹp ở vị trí này có thể là không gian của điện Cần Chánh, một phần trong tổng thể không gian chung của khu vực chính điện”. Nghĩa là không gian khai quật này cũng không phải là không gian điện Kính Thiên, mà chỉ là không gian của những kiến trúc khác với kiến trúc điện Kính Thiên.   

Những vấn trên đã nảy sinh trong quá trình khai quật khảo cổ học, nên chỉ có thể giải đáp trên thực địa, nếu không chúng trở thành vấn đề “treo” trong quá trình nghiên cứu kinh thành Thăng Long xưa.

PV: Vậy theo ông, vấn đề chúng ta cần làm tiếp theo sau 18 năm đi tìm dấu tích điện Kính Thiên là gì?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo: Nếu thực sự tâm huyết với Hà Nội, xin các nhà khảo cổ học hãy cùng nhau ngồi lại, nghiêm túc và thẳng thắn đánh giá về quá trình khai quật ở khu vực đô thành Thăng Long xưa, tìm ra nguyên nhân của việc khảo cổ kéo dài tới 18 năm mà chưa đi được đến đích. Từ đó sẽ có quyết định có tiếp tục khai quật nữa hay không, nếu tiếp tục thì cần đi theo hướng nào?

Như phân tích ở trên, việc đi tìm dấu tích điện Kính Thiên vượt quá khả năng của người khai quật khảo cổ. Mặt bằng kiến trúc khu vực này phức tạp vì có quá nhiều thời đại chồng xếp lên nhau, trong khi đó người ta lại vẫn giữ nguyên hiện trạng lịch sử để lại. Phải khẳng định sẽ không thể làm được bằng phương pháp đó, bằng không sẽ phải bóc dỡ từng lớp để tìm dấu tích thời Lý. Mục đích, hiện trạng, mong muốn và phương pháp khảo cổ có những mâu thuẫn như vậy rất khó để người làm khảo cổ thực thi. 

Tôi còn nhớ bài báo của tác giả Hà Nguyên Điểm - nguyên cán bộ Đội Khảo cổ thuộc Đội Văn hóa (tiền thân của Viện Khảo cổ học ngày nay) đăng trên tạp chí Khảo cổ học đã kể lại, trong lần đến thăm cuộc khai quật di chỉ Thiệu Dương (Thanh Hóa) - một di chỉ thuộc văn hóa Đông Sơn, Bác Hồ đã trò chuyện với anh em đang làm khảo cổ học tại đây. Bác nói: “Cha ông ta đã để lại nhiều di tích trên mặt đất và dưới mặt đất, di tích nào nghiên cứu được thì khai quật và bảo quản tốt, di tích nào chưa nghiên cứu được, nên để nguyên trong lòng đất...” Và cũng nên suy nghĩ vì sao Giáo sư Phan Huy Lê đã chia sẻ đầy tâm huyết như vậy trong hội nghị báo cáo kết quả khai quật khu vực Hoàng thành Thăng Long năm 2016.

Hiện nay, để kỷ niệm ngày nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, lãnh đạo Thành phố Hà Nội vẫn tha thiết nuôi ý tưởng đi tìm và phục dựng điện Kính Thiên, ý tưởng đó rất đáng trân trọng bởi điện Kính Thiên là một trong những hạng mục quan trọng của kinh đô thời Lý. Nhưng kiến trúc điện Kính Thiên thời Lý là vấn đề quá phức tạp. Xuất phát từ tinh thần đó và theo như nhận định của tôi về kết quả của 18 năm đi tìm dấu tích điện Kính Thiên nói ở trên, di tích điện Kính Thiên nên giữ nguyên trong lòng đất, một khi điều kiện cho phép sẽ khai quật trở lại. Còn nếu những người khai quật khảo cổ học vẫn đi theo vết xe đổ của gần 2 thập kỷ trước, thì 2 thập kỷ sau nữa, diện mạo điện Kính Thiên e rằng vẫn như ngày hôm nay. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo!
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Ghi danh Cửu Đỉnh - Hoàng Cung Huế là di sản tư liệu thế giới
    “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế” đã được Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO ghi danh là di sản tư liệu thế giới.
  • Hà Nội: Lễ hội tôn vinh mối tình cao đẹp của Chử Đồng Tử - Tiên Dung
    Lãnh đạo UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) vừa chia sẻ, công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội tình yêu 2024 tại xã Hồng Vân đã hoàn tất. Tối 8/5, tại Quảng trường Thống Nhất (phố đi bộ đêm) xã Hồng Vân, Lễ hội tình yêu 2024 sẽ khai màn.
  • Nhớ chuyến chụp ảnh ở Điện Biên năm ấy
    Thấm thoắt Chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã qua 70 năm. Ngày ấy tôi còn nhỏ, chưa đủ tuổi tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Hằng ngày, tôi chỉ thấy người lớn mua và đọc báo Tia sáng đưa tin về các máy bay của hãng “Đa-cô-ta”, máy bay “Bê-vanh-xít” (B.26) tại các sân bay Bạch Mai, Gia Lâm (Hà Nội) và phi trường Cát Bi (Hải Phòng - tên gọi sân bay Cát Bi ngày ấy), máy bay liên tục cất và hạ cánh chở lính nhảy dù, xe tăng, trọng pháo đổ xuống Mường Thanh - Điện Biên Phủ
  • Những kỷ vật biểu tượng của chiến dịch Điện Biên Phủ
    Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là dấu son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, nhưng giá trị và thông điệp từ những kỷ vật kháng chiến của những năm tháng không thể nào quên sẽ còn mãi. Nó gợi nhớ một thời đạn bom, hy sinh thầm lặng, những cống hiến, đóng góp lớn lao của các thế hệ cha anh vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc.
  • Triển lãm giao lưu mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh - Huế - Hà Nội
    Mục tiêu của cuộc triển lãm nhằm thắt chặt tình cảm của hội viên  Hội Mỹ thuật 3 miền, thúc đẩy mối quan hệ học tập sáng tạo nghệ thuật trong lĩnh vực mỹ thuật của 3 thành phố lớn.
  • Xúc động lá thư gửi từ Điện Biên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gửi bạn thơ 66 năm trước
    Trong cuốn sách “Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (nhà văn Nguyễn Huy Thắng biên soạn và chú dẫn), vừa được NXB Trẻ tái bản và phát hành, độc giả không khỏi xúc động với lá thư của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết từ Điện Biên năm 1958 gửi nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh.
  • "Những ngày Văn học châu Âu" tại Việt Nam: Giới thiệu những tác phẩm về đa dạng giới tính
    “Những ngày văn học châu Âu” sẽ diễn ra từ nay đến 19/5 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giới thiệu những tác phẩm về đa dạng giới tính.
  • Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024
    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 1196/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức “Liên hoan Kịch nói toàn quốc - 2024”.
  • Giám sát biểu diễn nghệ thuật Ca Huế, sản phẩm du lịch độc đáo trên sông Hương
    Để phát huy hơn nữa hoạt động quản lý, tổ chức và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch độc đáo trên sông Hương phục vụ du khách, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ra Quyết định số 21/2024/QĐ-UBND về việc Quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn Ca Huế.
  • Huyện Phú Xuyên (Hà Nội): Tổ chức triển lãm Chiến thắng Điện Biên Phủ và tri ân các chiến sĩ
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Phú Xuyên (30/7/1954 – 30/7/2024), Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội), Hội Cựu chiến binh và Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đầy tổ chức triển lãm ảnh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Cần tìm nguyên nhân vì sao khảo cổ kéo dài mà chưa đi tới đích...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO