"Bóng đêm và mặt trời" trở lại với bạn đọc trong một diện mạo mới
Tiểu thuyết "Bóng đêm và mặt trời" của Dương Hướng từng quen thuộc với độc giả nhiều năm trước, nay trở lại với diện mạo mới do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành vào tháng 3 năm 2025. Với câu chuyện đầy ám ảnh về số phận con người trong những biến động lịch sử, tác phẩm mở ra bức tranh hiện thực sâu sắc về làng quê Việt Nam.
Lấy bối cảnh làng Nguyệt Hạ - một ngôi làng giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, "Bóng đêm và mặt trời" đưa người đọc trở lại những ngày cải cách ruộng đất, chiến tranh và thời kỳ mở cửa. Tác phẩm xoay quanh cuộc sống của các nhân vật Ngô Quất, Hoàng Đô, gia đình lão Kình và Hạnh - cô gái xinh đẹp, nết na, có giọng hát chèo nổi tiếng trong vùng.
Ngô Quất, một cán bộ văn hóa xuất thân từ tầng lớp thấp hèn, từng đấu tố chính cha mẹ mình trong cuộc cải cách ruộng đất. Khi về công tác tại làng Nguyệt Hạ, hắn không chỉ gây nên những thù hằn sâu sắc mà còn phá đi nét thanh bình của làng, khiến những giá trị truyền thống dần mai một. Chính từ đó, những xung đột dai dẳng giữa các gia đình, đặc biệt là gia đình ông Kình và bà Nghĩa, đã đẩy số phận con cháu họ vào những bi kịch không lối thoát.

Tác phẩm gây ám ảnh với câu chuyện tình yêu đầy day dứt giữa Hoàng Đô, Bức và Thu Nga. Hoàng Đô và Thu Nga yêu nhau nhưng bị chia rẽ bởi những hủ tục khắt khe và sự thao túng của gia đình. Trong khi đó, Bức - người đàn ông trở về từ chiến tranh với những vết thương cả thể xác lẫn tâm hồn lại dành trọn tình yêu cho Nga, nhưng cuối cùng chỉ nhận lại sự day dứt và tuyệt vọng.
Thu Nga, vì mặc cảm và những biến cố cuộc đời, đã tìm đến một cán bộ Ty văn hóa tỉnh, nhưng sau cùng lại chịu số phận cay nghiệt. Trong khi đó, Hoàng Đô - người từng mang nhiều hoài bão cũng không thể thoát khỏi vòng xoáy danh lợi và những toan tính trong thời kỳ đổi mới.
Một trong những điểm đặc sắc của "Bóng đêm và mặt trời" là lột tả chân thực sự tha hóa của con người trong xã hội thời mở cửa. Những con người từng gắn bó với làng quê, với truyền thống dần dần bị cuốn theo guồng quay của tiền tài, danh vọng, đánh mất bản thân và những giá trị đạo đức cốt lõi.
Với giọng văn sắc sảo, đầy chiều sâu, Dương Hướng đã khắc họa chân thực sự xung đột giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và đổi mới. "Bóng đêm và mặt trời" không chỉ là một tiểu thuyết về làng quê mà còn là bức tranh lịch sử phản ánh những biến động xã hội, khiến người đọc không khỏi trăn trở về số phận con người trước những thay đổi của thời đại.
"Bóng đêm và mặt trời" và "Bến không chồng" từng được đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh chuyển thể thành phim truyền hình với tên "Thương nhớ ở ai?" (2017), tác phẩm giành giải Cánh Diều Vàng cùng năm. Trước đó, năm 2000, tiểu thuyết "Bến không chồng" của Dương Hướng cũng được Lưu Trọng Ninh đưa lên màn ảnh rộng, giành giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13./.
Nhà văn Dương Hướng sinh năm 1949 tại Thái Bình, hiện đang sinh sống và làm việc tại Quảng Ninh. Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu của Việt Nam thời kỳ sau 1975, nổi bật với những tác phẩm phản ánh chân thực xã hội và con người trong những giai đoạn biến động của lịch sử. Trong đó tiêu biểu là các tác phẩm: "Gót son" (tập truyện ngắn), "Bến không chồng" (tiểu thuyết), "Dưới chín tầng trời" (tiểu thuyết), "Bến không chồng" (tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim và giành nhiều giải thưởng danh giá). Ông từng nhận nhiều giải thưởng văn học, bao gồm: Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1990); Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1991) với tiểu thuyết "Bến không chồng": Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2017.