Các đền, phủ vẫn còn nhiều đồ mã được dâng cúng
Bước chuyển nhận thức
Một thực tế cần được nhìn nhận sòng phẳng, công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị “loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã” dù đã đề cập đến một hiện trạng kéo dài nhưng không thể ngay lập tức thay đổi được những thói quen đã bám sâu rễ, bền gốc.
Nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo từ trước khi công văn của Giáo hội Phật giáo ban hành đã chủ động “nói không” với vàng mã. Nhiều vị sư trụ trì đã vận động tăng ni, phật tử và người dân thay vì dùng tiền mua vàng mã dâng cúng thì hãy làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo, trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa.
Sự ra đời của công văn được dư luận quan tâm, hưởng ứng và vì thế cũng được “để ý” đến những tác động thực tế, nhất là trong dịp đầu xuân, khi mọi ngả đường đều đổ về các lễ hội, di tích, chùa chiền. Báo chí vẫn phản ánh tình trạng còn “đỏ lửa” đốt vàng mã tại những di tích lớn, chủ yếu là các đình, đền, phủ…
Tuy nhiên không thể phủ nhận, chủ trương lớn này đã bước đầu tạo nên những bước chuyển trong nhận thức của cộng đồng. Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), chuyển biến rõ nét nhất là tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Đơn cử như tại chùa Phúc Khánh, nơi thu hút hàng vạn người dân về chiêm ngưỡng, lễ bái, đặc biệt trong dịp lễ cầu an, việc đốt vàng mã tại đây lại hoàn toàn vắng bóng. Sư thầy tại chùa đã giảng dạy, khuyến khích người dân không đốt vàng mã, để tiền từ thiện và đóng góp công đức. Bên cạnh đó, ngôi chùa cũng đã không còn khu vực để người dân tự hóa vàng. Nhà chùa đã tập hợp lại số vàng mã được dâng cúng để hóa tại khu vực riêng, thay vì tình trạng người dân tự ý đốt tràn lan.
Nhưng thực tế, những cơ sở thờ tự Phật giáo “nói không” với vàng mã như chùa Phúc Khánh (Hà Nội), chùa Liên Hoa (TP.Hồ Chí Minh)… đến thời điểm này chưa nhiều. Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, vì là tập tục sâu rễ bền gốc nên việc đẩy lùi thực trạng đốt vàng mã, đồ mã tràn lan chưa thể tạo nên những biến chuyển rõ nét trong một sớm một chiều. Cũng không thể sử dụng các biện pháp hành chính, cấm đoán cứng nhắc mà giải pháp chủ yếu hiện nay là kiên trì tuyên truyền, vận động để người dân nếu muốn đốt vàng mã thì phải đốt đúng nơi quy định, số lượng hạn chế và không đốt bừa bãi.
Tại một số “điểm nóng” như đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Bảo Hà (Lào Cai), đền Ông Hoàng Mười (Nghệ An)…, từ nhiều năm nay, trong các hoạt động thanh kiểm tra, Bộ VHTTDL luôn lưu ý các BQL di tích, BTC lễ hội phải có giải pháp tuyên truyền, hạn chế việc người dân đốt đồ mã tràn lan, gây lãng phí. Riêng tại đền Bà Chúa Kho, Bộ đã giao Viện VHNT Quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh xây dựng và triển khai thí điểm các giải pháp nhằm hạn chế việc dâng, đốt nhiều vàng mã tại khu vực đền…(Thứ trưởng Bộ VHTTDL TRỊNH THỊ THỦY) |
Đến đâu cũng tuyên truyền
Cùng với các cơ sở thờ tự Phật giáo, tại các di tích đình, đền, điện, phủ…, việc đốt vàng mã, đồ mã với số lượng lớn vẫn đang là bài toán nan giải trong công tác quản lý nhà nước. Cũng theo lãnh đạo Bộ VHTTDL, không phải đến khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn đề nghị loại bỏ tục đốt vàng mã mà từ nhiều năm nay, trước sự xuất hiện ngày càng nhiều biến tướng từ tục đốt vàng mã, Bộ VHTTDL đã liên tiếp ban hành công văn gửi các địa phương để hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã, đồ mã.
Một số chuyển biến cũng đã được ghi nhận. Tại điểm nóng về đốt vàng mã là đền Bà Chúa Kho, BQL di tích đã áp dụng giải pháp nhập kho số đồ mã được dâng cúng thay vì để người dân đốt tại chỗ, sau đó sử dụng để tán lộc. Giải pháp “quay vòng” này về cơ bản đã hạn chế được một số lượng lớn vàng mã đốt tại chỗ.
Giải pháp tuyên truyền không đốt vàng mã sẽ tiếp tục được đẩy mạnh
Bà Ninh Thị Thu Hương cho biết thêm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, trong các hoạt động thanh, kiểm tra công tác tổ chức và quản lý lễ hội dịp đầu xuân Mậu Tuất như tại di tích Đền Trần (Nam Định), Phủ Dầy (Nam Định), đền Tiên La (Thái Bình)…, nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân và trụ trì, thủ từ các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng luôn được chú trọng. “Đây là những di tích trọng điểm, thu hút rất đông nhân dân và du khách thập phương về lễ bái. Đặc biệt tại hai điểm là di tích lớn là Phủ Dầy, đền Tiên La, dịp đầu năm có nhiều khóa hầu được tổ chức và lượng đồ mã được dâng đốt khá nhiều…”, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương cho biết.
Cũng theo bà Hương, tinh thần hạn chế đốt vàng mã, đồ mã tràn lan trên thực tế cũng được các trụ trì, thủ từ một số cơ sở tín ngưỡng, thờ tự hưởng ứng và tuyên truyền, vận động các con nhang đệ tử, người đi lễ. Có mặt tại hai điểm là di tích Phủ Tiên Hương (Phủ Dầy, Nam Định) và đền Tiên La (Thái Bình), ghi nhận thực tế số lượng đồ mã được đưa đến dâng đốt còn nhiều, bà Hương đã trực tiếp trao đổi với các vị thủ nhang, quản lý di tích. Thủ nhang Phủ Tiên Hương, bà Trần Thị Duyên cho hay, từ nhiều năm nay bà luôn nhắc nhở người về Phủ mở khóa lễ cũng như người đi lễ Mẫu về việc không nên đốt quá nhiều đồ mã cỡ lớn, gây lãng phí. Việc tuyên truyền này sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.
Hiện tượng người đi lễ đốt vàng mã đã giảm đi đáng kể
Còn theo thanh đồng Trần Thị Huệ (Phủ Tiên Hương), khi thực hiện vấn hầu, bà chỉ dâng đồ mã theo đúng truyền thống. “Một ngựa, một thuyền rồng, 24 cỗ ngũ, một tòa Sơn Trang, truyền thống xưa như vậy và bây giờ tôi vẫn dâng cúng theo truyền thống đó. Việc dâng cúng trong các khóa lễ với số lượng vượt nhiều so với truyền thống tại các di tích thờ Mẫu hiện khá phổ biến. Tuy nhiên, vì liên quan đến tín ngưỡng, niềm tin của người dân nên việc hạn chế dâng, đốt đồ mã sẽ cần có nhiều thời gian để tuyên truyền, thuyết phục.
Ghi nhận thực tế, bà Hương cho biết, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân. “Đến bất cứ điểm di tích nào chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nhắc nhở, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng. Bên cạnh đó, sẽ còn cần đến những giải pháp đồng bộ khác, với sự phối hợp và vào cuộc tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bộ VHTTDL và một số Bộ, ngành liên quan…”, Cục trưởng khẳng định.