Tại cuộc họp với 39 công ty chứng khoán và doanh nghiệp phát hành trái phiếu ngày 23/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá thị trường chứng khoán vừa trải qua thời kỳ sụt giảm mạnh, niềm tin của nhà đầu tư với trái phiếu và cổ phiếu xuống thấp.
"Chúng ta đã dành nhiều công sức để tạo dựng nên một thị trường vốn, nhưng sự việc của Tân Hoàng Minh, FLC, hay Công ty An Đông và SCB trong năm nay đã khiến thị trường liên tục chao đảo", ông nói.
Ông dẫn số liệu cho thấy, tính đến 30/9, toàn thị trường có 1,26 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương gần 10% dư nợ vay ngân hàng thương mại. Việc một số doanh nghiệp vi phạm trong phát hành trái phiếu bị xử lý hình sự gây tâm lý hoang mang, dẫn đến nhà đầu tư đua nhau rút tiền và khiến doanh nghiệp đi vay gặp khó khăn.
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, để tạo niềm tin cho công chúng, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải trả nợ đúng hạn trái phiếu, công ty phát hành bảo lãnh phát hành phải thực hiện đúng thoả thuận. "Thậm chí trong bối cảnh khó khăn thanh khoản, lãnh đạo doanh nghiệp phải tính đến phương án bán các tài sản, không được để nhà đầu tư mất niềm tin", Bộ trưởng Tài chính nói.
Đại diện một số doanh nghiệp cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn khi cân đối giữa việc trả nợ và sản xuất, nguồn vốn đến từ các kênh huy động đều đang bị thắt lại. Một số doanh nghiệp sai phạm dẫn tới mất niềm tin của nhà đầu tư, kéo theo việc họ ồ ạt rút tiền, làm doanh nghiệp không xoay xở kịp tài chính.
Theo ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc VnDirect, các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc, ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý II, đầu quý III, các kênh huy động vốn khác như thị trường cổ phiếu gần đây rất khó khăn. Trong khi đó, gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới trong quý IV năm nay.
Ông Long cho rằng điều quan trọng nhất trong ngắn hạn là phải duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông, từ đó tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Thanh khoản bù đắp kịp thời nhất hiện nay đến từ nguồn tín dụng ngân hàng, nhưng họ lại không thể cho vay mới khi đã cạn "room".
Bà Trần Thị Thu Trang, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội cũng nhận định, các doanh nghiệp đang bị ách tắc trong huy động vốn trên thị trường. Lượng trái phiếu đáo hạn cũng tạo áp lực trong giai đoạn tới trong khi họ chưa có khả năng tìm được nguồn vốn bù đắp hoặc cơ cấu lại các khoản nợ.
Lãnh đạo Bộ ghi nhận chia sẻ của các doanh nghiệp và cho biết sẽ làm việc với các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ đưa ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm củng cố niềm tin của thị trường, đưa thị trường tiếp tục phát triển một cách bền vững. Bộ Tài chính cũng đồng tình sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới "room" tín dụng, đặc biệt các ngân hàng thương mại cần cho vay để doanh nghiệp hoàn thiện dự án.
Đồng thời, cơ quan này sẽ rà soát khung pháp lý, kể cả Nghị định 65 vừa được ban hành, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ có sự điều chỉnh phù hợp.