Bộ GD&ĐT thông tin về dạy học 2 buổi/ngày với THCS và THPT
Chiều 6/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã trao đổi về đề xuất "học sinh cấp THCS, THPT sẽ học 2 buổi/ngày" tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ.

Ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc học 2 buổi/ngày không phải là hoạt động mới trong giáo dục. Với nhiều nước trên thế giới, khi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất (mỗi lớp 1 phòng học; điều kiện học bán trú; đủ sân chơi, bãi tập phục vụ hoạt động thể chất), đủ số lượng giáo viên, có chương trình dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh thì đều tổ chức học 2 buổi/ngày.
Việt Nam cũng có những điều kiện như vậy, riêng đối với lứa tuổi tiểu học đã tổ chức học 2 buổi/ngày từ rất lâu.
Ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết thêm, từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày với cấp THPT và THCS theo hướng nơi nào có điều kiện thì khuyến khích.
“Chúng ta nhìn nhận được học 2 buổi/ngày khi có đủ điều kiện. Việc học 2 buổi/ngày có mục tiêu là bảo đảm thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông, giảm áp lực cho học sinh và được tổ chức một cách bài bản, bởi những người am hiểu về hoạt động giáo dục, dạy học và hình thành cho học sinh phẩm chất năng lực, các kỹ năng phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thực trạng dạy học 2 buổi/ngày hiện nay thực hiện 100% tại cấp Tiểu học, số trường THCS và THPT dạy 2 buổi/ngày tăng lên nhiều so với 5 -10 năm trước. Nơi nào tổ chức tốt thì hoạt động này khá hơn. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập như buổi 2 có nơi dạy kiến thức văn hóa, chủ yếu học kiến thức chứ chưa phải là kỹ năng gây áp lực cho học sinh.
Chính vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức rà soát và đánh giá lại hoạt động này. Thời gian tới, Bộ sẽ có hướng dẫn chung toàn quốc để thực hiện với từng cấp học với quan điểm nâng cao chất lượng học chính khóa, giảm áp lực học tập cho học sinh nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Mục tiêu giáo dục của các cấp học đề ra là học sinh được phát triển toàn diện không chỉ học kiến thức mà còn phát triển tâm hồn, thể lực, thể thao, kỹ năng công dân số, ứng dụng AI, ngoại ngữ, tin học… nhưng phải phủ hợp với tâm lý lứa tuổi.
Điều quan trọng nhất, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, là không thể lấy tiêu chí "nơi nào cũng phải học 2 buổi/ngày" làm thước đo chất lượng. Mỗi địa phương, mỗi trường học có điều kiện khác nhau. Không thể dùng một mô hình cho tất cả. "Một buổi học tốt không nằm ở thời lượng dài hay ngắn, mà ở nội dung phong phú, thầy cô tận tâm và môi trường tích cực".
Không ai phủ nhận giá trị của học 2 buổi/ngày nếu được tổ chức bài bản, nhân văn và hiệu quả. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, một buổi học đầy đủ nội dung, thầy cô tận tâm, môi trường tích cực đôi khi giá trị hơn cả một ngày học dài lê thê nhưng hình thức, áp lực và mệt mỏi.
Vì vậy, khi điều kiện chưa cho phép, sự thận trọng trong từng bước đi, lắng nghe từ cơ sở, linh hoạt trong chỉ đạo và đặc biệt là sự trung thực với thực tế... chính là nền tảng vững chắc để xây dựng một nền giáo dục vì con người, vì sự phát triển bền vững và công bằng./.