Bộ GD&ĐT kiểm tra đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở Thừa Thiên Huế
Đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về việc kiểm tra công nhận kết quả công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về việc kiểm tra kết quả công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2023 vào ngày 18 - 19/12. Đoàn do ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) làm trưởng đoàn và làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã, TP Huế.
Sau 2 ngày kiểm tra thực tế tại các huyện, thị xã, TP Huế và các đơn vị cấp xã, kiểm tra thực tế tại các hộ gia đình, Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục, xoá mù chữ tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc triển khai có hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Kết quả công bố của đoàn kiểm tra, 9/9 huyện/thị xã/thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 (đạt tỷ lệ 100%), 9/9 huyện/thị xã/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (đạt tỷ lệ 100%), có 141/141 xã/phường/thị trấn/xã/thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 (tỷ lệ: 100%) và số xã/phường/thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (đạt tỷ lệ 100%).
Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ các cấp đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo thực hiện công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ngành GD&ĐT chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, tổ chức đoàn thể trong chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế chỉ đạo các cấp học tổ chức triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ của năm học. Phối hợp có hiệu quả các cuộc vận động trong nhà trường và tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, quan tâm học sinh yếu, có nhiều giải pháp tích cực duy trì sĩ số, khắc phục tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học; giữ vững kết quả phổ cập giáo dục…
Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực chỉ đạo Ngành Giáo dục thực hiện phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, các cơ quan ban ngành cấp tỉnh và các địa phương cùng làm công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ chỉ đạo tham mưu ban hành kịp thời các văn bản để chỉ đạo thực hiện. Công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ đã từng bước được xã hội hóa, từ cấp uỷ, chính quyền các cấp, Bộ đội Biên phòng đến các đoàn thể, các tộc trưởng, thôn trưởng, già làng, bản trưởng,… đều tham gia tích cực để làm tốt công tác huy động trẻ em đến trường đúng độ tuổi.
Qua đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng mạng lưới các trường, lớp rộng khắp tạo điều kiện cho học sinh được học tập thường xuyên, góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Đội ngũ giáo viên bảo đảm đủ số lượng, đội ngũ giáo viên đạt yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp, công tác bồi dưỡng cán bộ quản lí, giáo viên, nâng cao chất lượng đội ngũ cả về tư tưởng chính trị và chuyên môn nghiệp vụ luôn được quan tâm triển khai thực hiện.
Thay mặt đoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Đỗ Đức Quế thống nhất kết quả công nhận tỉnh Thừa Thiên Huế đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, chuẩn xoá mù chữ mức độ 2 tại thời điểm tháng 12/2023. Đoàn kiểm tra sẽ báo cáo để Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét, ban hành quyết định công nhận trong thời gian sớm nhất.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ các cấp, tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và toàn thể xã hội về ý nghĩa và vai trò của công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ đối với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương…