Chuyển động Hà Nội

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực

Trung Kiên 13/05/2024 18:50

Đây là một trong những nội dung được Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 – 20/5/2024, nguyên Thường trực Ban Bí thư, quê quán xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) diễn ra sáng 13/5.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, trải qua gần 40 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô và đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó: Kinh tế phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao, bình quân giai đoạn 2011 – 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 6,83%/năm, gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước; (GRDP/người) năm 2020 đạt 5.325 USD (gấp 2,3 lần năm 2010).

bi-thu-dung.jpg
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực bởi tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết liệt, sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Cùng với cả nước, hiện nay Thủ đô Hà Nội đang quyết tâm triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII; Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động tiêu cực của tình hình thế giới, tác động của biến đổi khí hậu và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết liệt, sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Thứ nhất, công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu quả tiếp tục được đẩy mạnh. Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và các cấp ủy Đảng đã thường xuyên quan tâm, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo; lan tỏa mạnh mẽ phong cách lãnh đạo từ Thành phố đến cơ sở theo hướng khoa học, quyết liệt, khẩn trương, linh hoạt, thực chất, sâu sát cơ sở. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát cơ sở, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gắn với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thành phố.

Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt việc kiện toàn, củng cố các tổ chức đảng yếu kém, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ cơ sở; tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ... Tập trung tổ chức tốt công tác sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và đại hội Đảng bộ các cấp gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; thực hiện tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô; làm tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu lần thứ 18 của Đảng bộ Thành phố.

Các nội dung thường xuyên, trọng tâm trong công tác tuyên giáo, tổ chức xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát, dân vận, nội chính, văn phòng cấp ủy tiếp tục được triển khai đồng bộ, đạt kết quả toàn diện.

Công tác cán bộ luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/5/2021 về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo (Nghị quyết đầu tiên của Thành ủy về công tác cán bộ); ban hành, chỉ đạo, quán triệt triển khai và thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 24 ngày 7/8/2023 của Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, từng bước tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, từng cán bộ, đảng viên; thực hiện rà soát, sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ, quy trình công tác, quy chế làm việc, tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố.

xay-dung-dang.jpg
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao giải A cho nhóm tác giả Báo Quân đội nhân dân tại Lễ tổng kết Giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thành phố Hà Nội lần thứ VI - năm 2023.

Thứ hai, những năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, trong bối cảnh Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới và trong nước, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Kinh tế - xã hội Thủ đô vẫn duy trì đà tăng trưởng, từ năm 2021 đến năm 2023 kinh tế thủ đô đều tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước.

“Riêng năm 2023, thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đã hoàn thành và vượt mức 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 03 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Các ngành, lĩnh vực đều phát triển khá. GRDP năm 2023 tăng 6,27%, cao hơn bình quân chung của cả nước là 5,05%; GRDP bình quân đầu người đạt 151,1 triệu đồng/năm; Cơ cấu GRDP chuyển biến tích cực, đúng hướng (năm 2023 khu vực dịch vụ chiếm 64,06%; cao hơn tỷ lệ năm 2022 là 63,22%)”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, nhấn mạnh.

Khách du lịch đến Thủ đô Hà Nội đạt 24 triệu lượt (20 triệu lượt khách nội địa; 4 triệu lượt khách quốc tế), vượt mục tiêu đề ra (22 triệu lượt khách); lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4,5% - đạt mục tiêu đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thành phố đạt 410,51 nghìn tỷ đồng, vượt 16,3% dự toán, tăng 23% so với thực hiện năm 2022, trong đó, thu nội địa đạt 381,38 nghìn tỷ đồng chiếm 92,9%, cao nhất cả nước.

Sự nghiệp văn hóa, giáo dục được quan tâm, đầu tư, trở thành động lực mới, nguồn lực mới cho phát triển bền vững Thủ đô. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 9 ngày 22/2/2022 về “phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 23 ngày 16/11/2023, về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Chỉ thị số 30 ngày 19/2/2024 về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh… nhằm đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập trên địa bàn Thủ đô; từng bước thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng con người Thủ đô trong thời kỳ mới.

hanoi-tien-lien.jpg
Sự nghiệp văn hóa, giáo dục được quan tâm, đầu tư, trở thành động lực mới, nguồn lực mới cho phát triển bền vững Thủ đô.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai kế hoạch đầu tư về 3 mục tiêu - cải tạo, nâng cấp trường học, y tế và tu bổ các di tích văn hóa, lịch sử giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo; đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công; đề án cải tạo lại chung cư cũ; triển khai các biện pháp xử lý đối với các dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai; xây dựng đề án phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính tại các sở, ngành, đơn vị của thành phố; Quyết liệt triển khai đổi mới phương thức Quản lý, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập…

An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo; thành phố luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là người có công với cách mạng; công tác giảm nghèo và thực hiện bảo trợ xã hội được chú trọng. Chương trình xây dựng Nông thôn mới được thực hiện tích cực, Thành phố hoàn thành trước 1 năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới (Đến nay, Thành phố đã có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, 382/382 xã đạt tiêu chí nông thôn mới; 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu).

Công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường tiếp tục được tập trung thực hiện. Quốc phòng - an ninh được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường và mở rộng trên cả ba kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao Nhân dân; cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index) tăng 7 bậc...

Thứ ba, quyết liệt triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, các nhiệm vụ có tính chiến lược liên quan đến phát triển Thủ đô như phối hợp Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tập trung, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 6/2024).

“Chỉ đạo quyết liệt triển khai khép kín các đường vành đai, các cầu lớn qua sông Hồng, các trục hướng tâm, các tuyến đường sắt đô thị; đẩy nhanh tiến độ các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng các đường quốc lộ, các dự án liên kết vùng, các dự án trọng điểm của Thành phố... nổi bật là đã khởi công, triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo đúng tiến độ đề ra. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như dự án xử lý nước thải, chất thải, xử lý môi trường, dự án nước sạch, chống úng ngập, đường sắt đô thị... các biện pháp tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trên địa bàn” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, nhấn mạnh./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO