Bị cáo Phan Văn Anh Vũ được dẫn giải vào phòng xét xử. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ mức án từ 14-15 năm tù, Nguyễn Hữu Bách (sinh năm 1963, cựu Đại tá, Phó Cục trưởng Cục B61, Tổng cục V, Bộ Công an) bị đề nghị từ 7-8 năm tù, Phan Hữu Tuấn (sinh năm 1955, cựu Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an) bị đề nghị từ 6-7 năm tù về cùng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Hai bị cáo: Trần Việt Tân (sinh năm 1955, cựu Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an) bị đề nghị từ 36-42 tháng tù và Bùi Văn Thành (sinh năm 1959, cựu Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an) bị đề nghị mức án 30-36 tháng tù về cùng tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285, khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 1999.
Ngoài án phạt tù, Viện Kiểm sát còn đề nghị Tòa tuyên cấm 5 bị cáo đảm nhiệm các chức vụ trong lực lượng Công an từ 3-5 năm sau khi chấp hành xong bản án.
Viện Kiểm sát nhận định đây là vụ án rất nghiêm trọng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người có chức vụ cao, quan trọng trong ngành công an nhưng đã không giữ được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, kỷ luật của ngành mà còn lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để hậu thuẫn, giúp sức tích cực cho Phan Văn Anh Vũ hoặc thiếu trách nhiệm để Phan Văn Anh Vũ lợi dụng tổ chức bình phong thâu tóm các dự án nhà, đất công sản có vị trí đắc địa ở TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh hưởng lợi bất chính, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.
Hành vi phạm tội của các bị cáo không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động xấu đến hình ảnh và truyền thống tốt đẹp của ngành Công an nhân dân, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Việc đưa vụ án này ra xét xử tiếp tục là một minh chứng khẳng định quan điểm, sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ bất kể đối tượng đó là ai, giữ cương vị nào, nhằm loại trừ các hiện tượng tham nhũng cũng như tội phạm tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Đánh giá vai trò của các bị cáo trong vụ án, Viện Kiểm sát cho rằng Phan Văn Anh Vũ đóng vai trò chính, là người khởi xướng, chủ mưu và thực hiện hành vi phạm tội tích cực nhất.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng vị trí công tác và công ty bình phong của mình chủ động yêu cầu, chi phối hành vi các đồng phạm đồng thời là người được hưởng toàn bộ thu lợi bất chính, chịu trách nhiệm gây ra thiệt hại cho nhà nước số tiền đặc biệt lớn hơn 1.159 tỷ đồng.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ phạm tội thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, quá trình điều tra và tại phiên tòa không thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Do đó cần phải xử lý thật nghiêm khắc.
Đối với bị cáo Nguyễn Hữu Bách, Viện Kiểm sát nhận định bị cáo Bách là người trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ đối với Phan Văn Anh Vũ, mặc dù biết rõ mục đích của Vũ tại các dự án nêu trên không nhằm phục vụ hoạt động nghiệp vụ nhưng Nguyễn Hữu Bách vẫn soạn thảo và tham mưu trình lãnh đạo Tổng cục V, lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành các văn bản tạo điều kiện hậu thuẫn cho Phan Văn Anh Vũ thực hiện các hành vi phạm tội đối với sáu dự án nhà đất công sản, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.134 tỷ đồng.
Cùng với bị cáo Bách, bị cáo Phan Hữu Tuấn cũng là người trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ đối với Phan Văn Anh Vũ. Sau khi Nguyễn Hữu Bách soạn thảo văn bản, Phan Hữu Tuấn đã trực tiếp ký ban hành hoặc ký nháy để tham mưu, trình lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành các văn bản nhằm hậu thuẫn, tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ thực hiện các hành vi phạm tội tại sáu dự án nhà đất công sản, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.134 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Trần Việt Tân, quan điểm Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Trần Việt Tân đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, chỉ đạo đối với Cục B61, Tổng cục V, Bộ Công an, để Phan Văn Anh Vũ lợi dụng chức vụ, quyền hạn và các văn bản của Bộ Công an, Tổng cục V xin nhận quyền sử dụng đất đối với các nhà, đất công sản tại TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh không qua đấu giá, và không sử dụng vào công tác nghiệp vụ của ngành Công an, dẫn đến gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền trên 155 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát cũng cho rằng bị cáo Bùi Văn Thành đã thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi việc thẩm định giá nhà, đất tại số 129 Pasteur; không chỉ đạo Tổng cục IV có văn bản thông báo để Tổng cục V biết, quản lý, theo dõi cơ sở nhà, đất, phục vụ mục đích an ninh; khi Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng nhà, đất này cho người khác nhưng Bùi Văn Thành đã không báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn, dẫn đến gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước với số tiền thiệt hại hơn 222 tỷ đồng.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại Tòa đã xác định, hành vi phạm tội của hai bị cáo Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân đã gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân, làm giảm uy tín của ngành công an nên cần thiết phải xử lý nghiêm.
Tuy nhiên, quá trình điều tra và tại phiên tòa, cả hai bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, bản thân chưa có tiền án tiền sự, có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.