Bảo tồn, phát huy các giá trị của làng nghề truyền thống trong bối cảnh mới
Làng nghề truyền thống tích hợp nhiều giá trị văn hóa, tiềm năng phát triển du lịch. Khai thác tiềm năng của làng nghề để phát triển du lịch đang được coi là một trong những hướng đi triển vọng vừa nâng cao thu nhập, vừa giúp lưu giữ nét đẹp của các làng nghề.
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có 5400 làng nghề, trong đó có khoảng 2000 làng nghề truyền thống, mang trong mình những giá trị kinh tế, lịch sử, văn hóa lâu đời. Sự tác động của quá trình đô thị hóa, hoạt động di cư và hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương khiến không ít làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một.
Trải qua lịch sử hàng trăm năm, các làng nghề không chỉ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc hay di tích lịch sử. Tên nghề gắn chặt với tên làng, in đậm dấu ấn văn hóa một thời như nón lá Phú Thọ, đồng Đại Bái, lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, thổ cẩm An Giang … Chính vì vậy, sự mai một của các làng nghề không chỉ làm mất đi những sản phẩm truyền thống lâu đời mà còn kéo theo những lễ hội, trò chơi, trò diễn, tri thức nghề dân gian quý giá mất theo. Vì vậy, việc bảo tồn các làng nghề truyền thống có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Làng nghề truyền thống tích hợp nhiều giá trị văn hóa, mang tiềm năng phát triển du lịch. Vấn đề là làm thế nào để đánh thức những tiềm năng này. Đây không phải là bài toán đơn giản. Nó cần có sự tham gia của cả ngành văn hóa, các địa phương, doanh nghiệp và sự đoàn kết, quyết tâm của người dân làng nghề. Chỉ khi sống được với nghề thì làng nghề mới có thể tồn tại và lưu giữ những nét đẹp của cha ông.
Để bảo tồn và phát huy các làng nghề và nghề truyền thống cần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, hỗ trợ các tìm kiếm thị trường tiêu thụ, kết hợp giữa truyền thống và công nghệ hiện đại, phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống...
Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, Hà Nội là cái nôi của hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Thành phố cũng là tổ nghề của nhiều làng nghề trong cả nước, với 6/7 nhóm nghề, bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 69 làng nghề; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có 197 làng nghề; Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 13 làng nghề; Xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn có 16 làng nghề; Dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn có 5 làng nghề.
Ông Tường cho biết với sự phát triển của làng nghề sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, việc làm thêm cho người già, người khuyết tật và trẻ em. Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo; tạo điều kiện kết nối cộng đồng; phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ và bảo tồn những tinh hoa nghệ thuật.
Từ đó, cần tập trung vào việc phát triển làng nghề; tập trung quy hoạch không gian sản xuất, kinh doanh của làng nghề; xây dựng trung tâm sáng tạo, phát triển những thiết kế mới về bao bì và sản phẩm, nâng cao hoạt động xúc tiến thương mại đến các thị trường quốc tế.
Nhằm đưa ra những định hướng và giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam, Ông Kevin Muray – Phó Chủ tịch Hội đồng Thủ công Thế giới cho biết, cần tập trung vào phát triển sàn thương mại điện tử, mở rộng mạng lưới thương mại điện tử toàn cầu, kết nối sản phẩm. Ông cho rằng, từ đó có thể kết nối du lịch sinh thái, quảng bá du lịch truyền thống. Bên cạnh đó, tăng cường tham gia các festival quốc tế về làng nghề, đặc biệt những làng nghề của Việt Nam đều chứa đựng những câu chuyện rất độc đáo; phát triển làng nghề quốc tế nhưng vẫn gìn giữ bản sắc làng nghề truyền thống; áp dụng công nghệ số và kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm có tính riêng biệt.
Giáo sư Claus, Trường Thiết kế, Đại học Lund, Thụy Điển cũng đưa ra một số những giải pháp để sáng tạo những sản phẩm làng nghề: Thu hút thế hệ trẻ quan tâm đến làng nghề bằng cách tạo ra những sản phẩm có gam màu sáng hơn; Truyền cảm hứng qua những câu chuyện của sản phẩm, tạo ra cơ hội việc làm cho người trẻ. Đồng thời, áp dụng công nghệ, kỹ thuật số vào quá trình sản xuất, lồng ghép công nghệ vào làng nghề: số hóa, giúp gia tăng trải nghiệm và quá trình sản xuất, xuất khẩu. Bên cạnh đó, khuyến nghị những thế hệ trẻ học hỏi những kỹ năng của những nghệ nhân, bảo vệ di sản văn hóa. Đây là vấn đề quan trọng, đảm bảo tính bền vững, chiến lược thiết kế dài hạn.
Từ tháng 7/2021, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, gìn giữ và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam. Chương trình cũng xác định phát triển làng nghề với du lịch. Đây là hướng đi triển vọng được nhiều quốc gia trong khu vực ứng dụng từ lâu. Họ đã rất thành công trong việc vừa bảo tồn được các làng nghề vừa thu hút khách du lịch, tạo ra các giá trị gia tăng khác.
Đối với các làng đã có nghề, Chương trình khôi phục, bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm, bí quyết nghề, đồng thời thiết kế những sản phẩm mới phù hợp với thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ cảnh quan, môi trường làng nghề.
Đối với các làng chưa có nghề thì thúc đẩy phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thông qua các hình thức du nhập, học tập, phổ biến, nhân rộng từ các mô hình, làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả…
Như vậy, để thúc đẩy phát triển quá trình sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển làng nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống làng nghề, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, Hà Nội cần lắng nghe những bài học kinh nghiệm về việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống trong bối cảnh mới./.