Truyện ngắn của Leonit Andreev (Nga)
Đó là một kẻ hèn yếu: một tâm hồn thỏ đế và một tính cách nhẫn nhục lì lợm của loài súc vật cày kéo. Khi mà số phận đã nhẫn tâm và kỳ cục vứt bỏ anh ta vào hàng ngũ rủi ro của chúng tôi thì chúng tôi đã cười cợt như những kẻ điên khùng. Sao mà lại có những khuyết tật vô lý đến như thế, nực cười đến như thế chứ. Còn anh ta, dĩ nhiên là anh ta thì lại khóc. Trong đời, tôi chưa bao giờ lại gặp một người nào lắm nước mắt đến thế, chúng đua nhau chảy ra từ mắt, từ mũi, từ miệng nữa. Đúng ra thì đôi môi mỏng thấm đẫm nước ấy luôn được quệt vào mu bàn tay. Và trong đội ngũ của chúng tôi, tôi đã thấy những người đàn ông khóc, nhưng nước mắt của họ từng là ngọn lửa làm cho loài thú dại phải bỏ chạy. Khuôn mặt họ trở nên già dặn và đôi mắt thì trẻ trung bởi những giọt lệ can trường ấy: giống như dòng nham thạch tuôn ra từ lòng đất nóng bỏng, chúng đốt cháy những vết tích không dễ xóa nhòa và chôn chặt trong mình những mong muốn hèn mọn và những điều vụn vặt. Còn anh chàng này khi mà khóc thì chỉ thấy chiếc mũi nhỏ đỏ lên và thấm ướt chiếc khăn tay. Chắc là anh ta đã phải phơi khăn lên đoạn dây thép chứ không thì lấy đâu ra lắm khăn tay cho đủ.
Và trong suốt những ngày bị phát vãng, anh ta cứ bám theo các đội trưởng, kể cả các đội trưởng cũ và cả những người mà anh ta có thể nghĩ ra. Anh ta nài nỉ, khóc lóc, thề thốt về sự vô tội của mình và xin rủ lòng thương cho tuổi trẻ của anh và hứa suốt đời sẽ không hé răng để đòi hỏi điều gì. Và những người đó đã cười nhạo anh ta cũng như chúng tôi và gọi anh ta là chú lợn con bất hạnh, và thét gọi: - Ê này, “chú lợn con”!. Và anh ta ngoan ngoãn chạy đến đó, cứ mỗi lần như thế anh lại nghĩ mình sẽ được nghe tin báo về chuyện được trở về đất nước, nhưng họ chỉ đùa thôi. Cũng như chúng tôi, họ biết rằng anh ta vô tội nhưng họ nghĩ, làm như thế thì những chú lợn con khác phải sợ hãi bởi nỗi thống khổ của anh ta. Anh ta lật đật chạy đến chỗ chúng tôi với nỗi kinh hãi vì đơn độc, nhưng anh đã hoài công để tìm thấy sự đồng cảm trước những bộ mặt khắc nghiệt và kín bưng của chúng tôi. Luống cuống, anh ta gọi chúng tôi là “các đồng chí” và “các bạn yêu quý”. Còn chúng tôi thì gật đầu và nói:
- Xem này, mọi người đều nghe anh đây!
Và anh ta, “chú lợn con” cho phép mình liếc nhìn ra cửa. Chẳng thể giữ được vẻ nghiêm túc, chúng tôi bật cười như mọi khi, còn anh ta đã tươi tỉnh vì được động viên, liền ngồi xích lại, vừa khóc vừa kể lể về những cuốn sách nhỏ bé của mình còn ở trên bàn, về bà mẹ và anh em trai mà anh không biết rõ là còn sống hay đã chết vì sợ hãi và đau khổ. Cuối cùng chúng tôi đã đuổi anh ta ra.
Khi bắt đầu cuộc tuyệt thực thì một nỗi hoảng sợ chụp lấy anh ta, nỗi sợ khó diễn tả. Anh ta vốn ham ăn. “Chú lợn con” tội nghiệp và lại rất sợ “các đồng chí yêu quý” và sợ các đội trưởng, anh ta cứ quanh quẩn bên chúng tôi vẻ ngần ngại và luôn dùng khăn tay lau trán, chẳng biết là lau mồ hôi hay cả nước mắt nữa. Thế rồi anh ta quả quyết hỏi:
- Các ông còn phải nhịn đói lâu không?
- Lâu đấy! - Tôi nghiêm nghị trả lời.
- Thế các ông không ăn lén chút gì sao?
- Các bà mẹ sẽ gửi cho chúng tôi chút bánh ngọt - tôi thẳng thắn xác nhận.
Anh ta ngờ vực nhìn tôi, gật đầu thở dài rồi bỏ đi.
Đến ngày hôm sau, tái mét vì sợ hãi, anh ta tuyên bố như một con vẹt:
- “Các đồng chí” yêu quý! Tôi cũng sẽ nhịn đói như mọi người.
Và câu trả lời chung là:
- Cứ thử xem!
Và rồi anh ta đã nhịn đói! Chúng tôi không tin, cũng như các bạn không tin vậy. Chúng tôi tin là anh ta sẽ ăn thứ gì đó và các giám thị cũng nghĩ như thế. Và thế là khi đợt tuyệt thực chấm dứt thì anh ta lại mắc bệnh thương hàn. Chúng tôi nhún vai: “Chú lợn con tội nghiệp!” và có một người trong số chúng tôi, người chẳng bao giờ cười cả, đã bực bội nói:
- Anh ấy là đồng chí của chúng ta. Chúng ta nên đến thăm anh ấy.
Anh ta đã mê sảng và thảm thương như cả cuộc đời anh từng là một sự hoang tưởng mung lung. Anh nói về những cuốn sách yêu quý của mình, nói về mẹ và các anh em trai. Anh ta đòi bánh ngọt và thề thốt là mình có tội và xin được tha thứ. Anh gọi Tổ quốc, gọi nước Pháp thân yêu. Ô, đáng ghét làm sao trái tim yếu đuối của con người! Anh làm tan nát cõi lòng bởi tiếng hô:
- Nước Pháp thân yêu!
Tất cả chúng tôi đều có mặt trong buồng bệnh khi anh mất. Ý thức đã quay trở lại với anh trước khi chết và anh nằm im lìm trông thật nhỏ bé và yếu ớt. Và tất cả chúng tôi, không trừ một ai, đều nghe thấy anh nói:
- Khi nào tôi chết, hãy hát trước mặt tôi bài ca Mác-xây-e!
- Anh nói gì vậy! - Chúng tôi bật thốt lên, run rẩy bởi niềm vui và cơn thịnh nộ trào dâng.
Và anh nhắc lại:
- Khi nào tôi chết, hãy hát trước mặt tôi bài ca Mác-xây-e!
Và lần đầu tiên xảy ra một việc lạ: đôi mắt của anh thì khô ráo, còn chúng tôi, chúng tôi lại khóc, không trừ một ai cả, và những giọt nước mắt của chúng tôi cháy lên như ngọn lửa, làm cho những con thú dữ bỏ chạy.
Anh đã chết, và chúng tôi đã hát bài ca Mác-xây-e(*) trước mặt anh. Chúng tôi hát với giọng trẻ trung và mạnh mẽ bài ca vĩ đại của tự do… Và anh đã mãi mãi trở thành ngọn cờ của chúng tôi - đó là một kẻ hèn mọn với thân thể của một chú thỏ đế và có tâm hồn vĩ đại của con người. Hãy quỳ gối trước người anh hùng, hỡi các đồng chí và các bạn!
Chúng tôi đã hát, những khẩu súng đang lên nòng lách cách hướng sang chúng tôi đầy vẻ hăm dọa và những chiếc lưỡi lê nhọn hoắt chĩa vào tim chúng tôi như uy hiếp - và bài ca lừng danh cứ vang lên mỗi lúc càng thêm vang dội và hứng khởi hơn. Trong cánh tay trìu mến của các chiến sĩ, chiếc linh cữu màu đen khẽ đung đưa.
Chúng tôi đã hát bài ca Mác-xây-e!
-------------------
(*) La Marseillaise: Quốc ca Pháp