Bài 2: Hà Nội với chiến trường biên giới

Hiền Phương/HNM| 14/02/2019 18:18

Trong lúc Đảng bộ, nhân dân Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước nỗ lực hàn gắn, khắc phục hậu quả từ cuộc chiến tranh chống Mỹ thì tiếng súng xâm lược lại nổ ra trên tuyến biên giới phía Bắc. Với tinh thần đoàn kết, trung kiên, bất khuất, quân dân Hà Nội và tỉnh Hà Tây (trước đây) vừa ra sức xây dựng hậu phương vững mạnh vừa sẵn sàng cầm súng lên biên giới bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu.

Tự hào đi giữ biên cương

Những ngày này, trong dòng ký ức của các cựu chiến binh Quân đoàn 14 (Quân khu 1) mặt trận Lạng Sơn (1979-1989), những câu chuyện về tình đồng đội, tinh thần anh dũng trong quá trình gìn giữ toàn vẹn biên cương Tổ quốc lại cuồn cuộn đổ về. 

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thu, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 - Sao Vàng, người trực tiếp chỉ huy đơn vị phòng ngự tại khu vực Đồng Đăng (Lạng Sơn) vào ngày 17-2-1979 kể lại: “Cho đến hôm nay, anh em trong đơn vị vẫn nhớ mãi câu chuyện về binh nhất Phạm Văn Khang. Dù đang làm nhiệm vụ quản lý bếp ăn của đại đội, nhưng khi nghe tin những bản làng xung quanh bị đạn bom tàn phá, nhiều đồng đội hy sinh, Khang đã gửi lại thẻ đoàn và khoác súng AK tham gia chiến đấu. Anh hy sinh khi mới 24 tuổi”. 

Cựu chiến binh Nguyễn Hải Hà, nguyên cán bộ của Quân đoàn 14 kể về liệt sĩ Phạm Văn Khang: “Trong một lần đang giữa trận chiến đấu, một đồng đội đã xin phép tôi “cho em được nhập ngũ tại đây”. Về sau tìm hiểu, tôi mới biết chàng trai đó đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Anh đã viết đơn xin nhà trường nhập ngũ và dù không được chấp nhận nhưng vẫn quyết tâm trốn đi về phía súng nổ. Ngoài Phạm Văn Khang, Quân đoàn còn tiếp nhận thêm 2 sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội 1 bỏ học lên trận địa xin nhập ngũ…”.

Trong đoàn quân tiến lên biên giới bảo vệ Tổ quốc năm ấy còn có những chàng trai của Trung đoàn 12 (còn gọi là Đoàn Thanh Xuyên), đơn vị tiền thân của Trung đoàn 692, Sư đoàn 301 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) ngày nay. Đại tá Cao Việt Bắc, nguyên trợ lý Thanh niên của đơn vị luôn tự hào được làm chiến sĩ của Trung đoàn 12. 

Ông nhớ lại: “Ngày 25-8-1978, Trung đoàn 12 được tăng cường lực lượng đến đồi Pù Tèo Hào để bảo vệ đoàn liên ngành của tỉnh Cao Lạng (cuối tháng 12-1978 được tách thành tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn ngày nay - PV) tới động viên bà con người Việt gốc Hoa trở về nơi ở cũ. Trong khi đoàn liên ngành đang làm nhiệm vụ thì bọn côn đồ từ bên kia biên giới tràn sang hành hung cán bộ của ta. Chiến sĩ của đơn vị là Lê Đình Chinh đã hy sinh tại trận địa sau khi cứu một phụ nữ bị hành hung và giải vây cho đồng đội”.

Với Đại tá Nguyễn Đức Hiệu, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung đoàn 12, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc là một giai đoạn lịch sử hào hùng, và được chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 12 là vinh dự lớn trong cuộc đời binh nghiệp của ông. 

“Sau tấm gương hy sinh của Lê Đình Chinh, khí phách anh hùng của những người lính Thanh Xuyên càng nhân lên gấp bội”, Đại tá Nguyễn Đức Hiệu khẳng định.

Trung tá Nguyễn Văn Vượng, Chính ủy Trung đoàn 692, Sư đoàn 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: “Phòng truyền thống của đơn vị luôn lưu giữ tư liệu về những đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Thanh Xuyên năm xưa trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc để giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Truyền thống đó đang là điểm tựa để đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà quân đội và nhân dân giao phó”.

Chủ động chi viện cho biên giới

Ở thời điểm đó, không chỉ với các chiến sĩ đang trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận, mà ở hậu phương Thủ đô, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, chi viện cho chiến trường để bảo vệ vẹn toàn biên giới, lãnh thổ Tổ quốc cũng lên cao hơn bao giờ hết. Mỗi ngày Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã của Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Tây (cũ) luôn nhận được hàng trăm lá đơn xung phong tình nguyện lên đường chiến đấu, trong đó có những lá đơn viết bằng máu. 

Tiêu biểu như đơn của những sinh viên năm thứ ba Khoa Vật lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Nguyễn Công Thành, Đỗ Mạnh Hùng, Nguyễn Anh Tuấn; của sinh viên Nguyễn Chiều (Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội)... 

Đặc biệt, còn có cả những lá đơn của các bậc cao niên như cụ Nguyễn Viết Hạc (77 tuổi), Đào Văn Giáp (73 tuổi), Hàn Nguyên Hợi (66 tuổi) ở phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) tha thiết đề nghị được trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu.

Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân khu Thủ đô (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội ngày nay) đã xác định nhiệm vụ: Phải khẩn trương xây dựng, phát triển lực lượng, kiện toàn hệ thống tổ chức, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác dân vận, tích cực, chủ động xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, xây dựng hệ thống công trình tuyến phòng thủ của Thủ đô.

Cơ quan quân sự các cấp được kiện toàn, củng cố và cấp thêm vũ khí cho các trận địa hỏa lực đánh địch đổ bộ bằng đường không, duy trì chế độ thường xuyên trực sẵn sàng chiến đấu, kiểm tra báo động thường xuyên. 

Bên cạnh lực lượng thường trực, lực lượng dân quân tự vệ được tăng cường đến cuối năm 1978 từ 12% lên 14,5% so với dân số. Dân quân một số xã trọng điểm như: Đường Lâm (Sơn Tây), Yên Sở (Hoài Đức), Thanh Cao (Thanh Oai), Tiên Phương (Chương Mỹ)… thành lập quy mô tiểu đoàn. Tự vệ Nhà máy Cơ khí Bông Sen (Hà Đông), Công ty Xây dựng đường 6 tổ chức quy mô trung đoàn. 

Lực lượng dân quân cơ động ở mỗi xã thành lập một đại đội và mỗi trung đoàn tự vệ có một tiểu đoàn cơ động. Các quận, huyện, thị xã thành lập tiểu đoàn dự nhiệm. Mọi công dân nam từ 18 đến 45 tuổi, nữ từ 18 đến 35 tuổi có đủ điều kiện đều gia nhập dân quân tự vệ, khẩn trương luyện tập quân sự, sẵn sàng chiến đấu cao.

Do chủ động xây dựng lực lượng nên Thủ đô Hà Nội và các quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh Hà Tây khi đó đã đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc. Tỉnh Hà Tây đã tiễn Trung đoàn 541 bổ sung vào đội hình Sư đoàn 326 (Quân khu 2) tham gia chiến đấu tại Lai Châu; Trung đoàn 169 bổ sung cho tỉnh Cao Bằng; 6.780 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 587 tăng cường cho mặt trận hướng Tây Bắc. Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô quyết định bổ sung nhiệm vụ, biên chế cho Trung đoàn 47 để trở thành trung đoàn bộ binh chiến đấu hoàn chỉnh, bảo vệ Thủ đô.

Ngoài ra, để ứng phó với tình hình biên giới phía Bắc diễn biến phức tạp, khó lường, công tác tuyển quân khi đó đạt khối lượng lớn hơn những năm trước. TP Hà Nội đã giao 16.210 người cho các đơn vị, đạt 81,27% kế hoạch. Các huyện, thị xã của tỉnh Hà Tây đã tuyển chọn 7.500 thanh niên nhập ngũ đợt 1 năm 1979, trực tiếp giao cho các Quân khu 1, 2, 3 bổ sung cho các đơn vị đóng quân ở khu vực biên giới. 

Cùng thời gian này, hai huyện Chương Mỹ và Thường Tín nhận lệnh động viên 2 tiểu đoàn chi viện cho mặt trận Lào Cai. Cùng với đó, các huyện, thị xã của tỉnh Hà Tây đã đưa hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng dân quân tự vệ đi xây dựng các nông trường, lâm trường sát biên giới các tỉnh Lai Châu, Sơn La (chiếm 17,4% dân số)…

Sự chuẩn bị chu đáo của Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Tây ngày ấy đã góp phần chi viện kịp thời cho biên giới phía Bắc, đẩy lùi quân xâm lược, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ Tổ quốc. Không những thế, chủ trương này còn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc cho Thủ đô.

(Còn nữa)
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Hà Nội với chiến trường biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO