Bắc Ninh: Tín ngưỡng tôn giáo và công tác giữ gìn bản sắc văn hóa trong hội nhập

VNHN| 20/12/2019 22:39

Toàn tỉnh có gần 400 vị tăng ni, chức sắc, nhà tu hành, hơn 600 cơ sở thờ tự là chùa và khoảng hơn 700 cơ sở tín ngưỡng dân gian khác. Trước thời kỳ hội nhập và phát triển chung của đất nước, và những bước phát triển thần tốc của Bắc Ninh những giá trị bản sắc văn hóa luôn luôn được giữ gìn và phát huy tốn truyền thống, đặc biệt là nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo.

Do tính đặc thù, tôn giáo tín ngưỡng không chỉ là một bộ phận của đời sống văn hóa tinh thần, mà còn là bộ phận hữu cơ gắn bó mật thiết với sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Từ sau đổi mới 1986 đến nay, đời sống tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân trỗi dậy mạnh mẽ đã tạo nên áp lực đối với xã hội khiến các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cũng phải vào cuộc. Hơn thế nữa, nhận thức của xã hội cũng đã có sự thay đổi khá cơ bản, rằng tôn giáo tín ngưỡng cũng như nhiều hiện tượng khác đều là sản phẩm của một xã hội, phản ánh nhận thức xã hội. Thế những mỗi một vùng miền mỗi một tỉnh thành qua quá trình hình thành và phát triển sẽ có những tác động khác nhau và ảnh hưởng đến đời sống, nếp ăn ở, sinh hoạt và phong tục địa phương khác nhau. Vậy, những yếu tố đó đã ảnh hưởng đến con người Bắc Ninh thế nào? Người Bắc Ninh đã lưu giữ những giá trị văn hóa đó ra sao? Cùng tìm hiểu qua những nghiên cứu và tư liệu ghi chép về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác giữ gìn bản sắc văn hóa của người Bắc Ninh qua một số nguồn tài liệu và thực tế.

Tín ngưỡng con người Bắc Ninh


Bắc Ninh nằm ở khu vực giáp điểm cao nhất của tam giác châu Bắc Bộ có nền văn hóa lâu đời, là cái nôi của văn hóa Việt cổ, vì thế nơi đây bảo lưu rất sâu đậm các quan điểm, quan niệm và tư duy của người Việt cổ nên hình thành nhiều nét đặc thù về tín ngưỡng tôn giáo. Những yếu tố văn hóa tín ngưỡng dân gian ở khu vực có ảnh hưởng tới con người Kinh Bắc xưa và người Bắc Ninh hôm nay.


Bên cạnh đó, cái nôi người Việt cổ xuất phát từ hình thái nông nghiệp nương rẫy (thu thập, hái lượm và săn bắt) và sau đó là nông nghiệp lúa nước nên vị thế của người phụ nữ trở nên trội vượt, đóng vai trò quan trọng trong đời sống gia đình và cộng đồng. Bắc Ninh xưa kia là một tỉnh thuộc vùng lãnh thổ thuộc Đồng bằng Châu thổ Sông Hồng, gắn liền với văn hóa lúa nước. Đây chính là một trong những yếu tố đầu tiên, quan trọng bậc nhất trong đời sống sản xuất nông nghiệp gắn liền với nước. Và cũng từ đây ảnh hưởng rất lớn đến con người trong nếp sống, ứng xử mềm mỏng, linh hoạt của những cư dân khu vực này. Ở Bắc Ninh “văn hóa nước” hiển lộ rõ ràng, sâu sắc hơn cả.Từ đó tạo nên hệ quy chiếu ứng xử: coi trọng tính cái, coi trọng phụ nữ.


Sự coi trọng này thể hiện rất rõ trong các sắc thái văn hóa vùng miền từ phong tục tập quán đến tín ngưỡng dân gian. Bắc Ninh nay, xưa kia chính là thủ phủ của xứ Dâu (Luy Lâu) nơi có tục/ tín ngưỡng thờ nữ thần Dâu – nữ thần nông nghiệp và hệ thống các nữ thần liên quan đến các hiện tượng tự nhiên: Mây, mưa, sấm, chớp. Vì vậy khi Phật Giáo Ấn độ du nhập vào đây, để bám trụ lại đất này thì cũng phải kết hợp với tín ngưỡng nữ thần bản địa để ra đời một hệ tứ pháp mới có vỏ Phật nhưng ruột là nữ thần nông nghiệp: Pháp Vân (mây), Pháp Vũ (gió), pháp Lôi (sấm) và pháp Điện (chớp).


Văn hóa Việt cổ cũng là vùng văn hóa “thuần hậu, chất phác, con trai con gái thích nhau thì lấy chứ không theo lễ nghĩa gì” vì thế người Kinh Bắc xưa dù đã bị chi phối bởi ít nhiều quy định của lễ giáo Nho giáo nhưng đến trước cách mạng tháng tám vẫn còn giữ nguyên tục ngủ bạn (các bạn của cô dâu đến ngủ cùng đêm tân hôn, sáng hôm sau cùng đưa cô dâu về lại nhà mẹ đẻ và chàng trai cũng phải sang đó ở rể cho đến khi có con đầu lòng mới dắt nhau về nhà nội) con so nhà mạ, con dạ nhà chồng chính là xuất phát từ tục lệ đó. 


Cũng là một vùng văn hóa coi trọng phụ nữ nên con gái và nữ giới có nhiều quyền lợi cũng như cơ hội hơn trong các hoạt động xã hội. Trong khi dưới thời quân chủ phong kiến, Nho giáo trở thành thước đó cho mọi khuôn mẫu ứng xử trong ngoài, trên dưới thì ở Bắc Ninh chất Nho lại pha lẫn cả Đạo lão và cả tín ngưỡng dân gian thể hiện rõ rệt ở những con người cụ thể như pháp sư Đạo Hạnh, Thái sư/ đạo sĩ Lê Văn Thịnh…Trong khi ở các địa phương khác phải tuân thủ sự thiếu tôn trọng, sự ngăn cản của xã hội lên người phụ nữ theo cái kiểu: “đàn bà là giống khó dạy, gần chúng chúng nhờn, xa chúng chúng oán”, hoặc “mồng năm mười chín hai ba, làm thân con gái chớ ra khoỉ nhà”…thì cũng cùng thời đại ấy tại Kinh Bắc xưa, mà thủ phủ là Bắc Ninh nay, phụ nữ vẫn tham gia các hoạt động xã hội bình thường. Phụ nữ vẫn đàng hoàng được thờ làm thành hoàng tại đình (đền Diềm thờ vua bà tổ quan họ; đình Giếng thờ công chúa con gái Hùng Vương; Đình Diềm thờ vua bà…), lớp lớp phụ nữ Bắc Ninh xưa và nay vẫn được đến đình để tế thần tế thánh.


Từ việc được tham gia lễ tại đình, hát cửa đình thờ thánh, “váy đình bảng buông chùng cửa võng” (Hoàng Cầm) nên tư duy, lối sống phụ nữ Bắc Ninh cũng vì thế mà thoáng mở hơn, khoáng đạt hơn. Mặt khác vì tham gia xã hội nhiều và sớm, thành thói quen nên con gái Bắc Ninh rất mạnh dạn, tháo vát, đảm đang và đặc biệt rất giỏi quan hệ xã hội. Thực tế này đã phản ảnh lại một hiện thực khu biệt mang tính chất vùng đó là hầu hết những nhân vật nữ siêu hạng lưu danh trong sử sách đều là những người con gái xuất thân vùng Kinh Bắc. Họ mạnh mẽ, giỏi giang cả việc nội trị lẫn ngoại trị, họ thông minh và thường tự tiến cử mình: Man Nương, Ỷ Lan, Đặng Thị Huệ, Vợ ba Cai Vàng, bà ba Đề Thám đều là những người như vậy…Tất cả những người phụ nữ đó đều biết rất rõ mình, cơ hội của mình và cũng biết cách để khẳng định giá trị của mình. Khi đạt được vị trí cần thiết họ cũng sống và chết với lý tưởng mà mình đã chọn, Tư liệu về họ đến nay dù chính sử không nhắc đến nhiều nhưng trong nhân dân Bắc Ninh nói riêng vùng Kinh bắc nói chung họ vẫn sống mãi như những biểu tượng về những người phụ nữ xuất sắc, điển hình trên nhiều phương diện kể cả tài kinh bang tế thế. Trong số họ, có người sống trong lòng dân với vai trò Phật Mẫu (Man nương), bà Tấm (Ỷ Lan), có người thành bà chúa chè (Đặng Thị Huệ), có người được đặt thành vè vợ ba Cai Vàng để lưu truyền thế hệ:


“ Khen thay trí lực đàn bà


Bắc Ninh tài tướng vợ ba Cai Vàng’


Đấu gan thi sức rõ ràng


Vợ bé Cai vàng đánh trận tỉnh Đông


Là cái nôi của làn điệu quan họ nổi tiếng, nơi có đình Diềm thờ tổ nghề ca công quan họ, hằng năm lễ hội đình Diềm tổ chức cho tất cả trai gái Bắc Ninh chơi hội và ở đó không chỉ bảo lưu nguyên tục hát cửa đình, hát thờ, hát giao đãi đối đáp bằng quan họ mà còn là thời điểm mạnh cho tất cả những phong tục thuần hậu chất phác xưa trỗi dậy. Con trai con gái Bắc Ninh đều tham gia các bọn đi hát, trong lễ hội được thỏa sức thi tài đối đáp cũng như thể hiện tình cảm với nhau. Các tư liệu điền dã tại đình Diềm cho biết các bọn liền anh và liền chị các làng thường kết chạ và hẹn nhau hằng năm gặp lại, không chỉ mùa lễ hội mà trong năm họ cũng thường xuyên thăm viếng, giúp đỡ lẫn nhau. Trong một môi trường sống mà trai gái vẫn được giao tiếp, gần gũi nhau cả trong môi trường tôn giáo (hát thờ tại đình) và ngoài cuộc sống (hát giao đãi bạn bè và kết chạ với nhau).Điều này đã tạo điều kiện cho những yếu tố bản năng (libido)[13] trong con người Bắc Ninh ít, thậm chí không bị đè nén, bị kiểm soát, áp chế, vì thế con trai, con gái Bắc Ninh rất đa tài, đa tình và đằm thắm. Không thể phủ nhận chính môi trường cuộc sống và tín ngưỡng dân gian này đã tạo ra một hiện tượng Hoàng Cầm với những xúc cảm văn chương đầy bản năng thăng thượng!


Thái độ ứng xử này không chỉ thể hiện ngoạn mục trong truyền thuyết về nhà sư Khâu Đà La và nàng Man Nương mà còn thể hiện khả năng thích ứng mềm dẻo, khả năng dung hợp, dung hòa những yếu tố ngoại lai và cao hơn hết là khả năng thẩm thấu, và cấu trúc lại, biến của người thành của mình. Có lẽ ít có địa phương nào mà trong chùa lại có thờ Phật mẫu - nữ thần nông nghiệp và cả di vật Thạch Quang Phật với đầy đủ bản tính, hình hài của một linga.


Mặc dù khoác vỏ ngoài là lễ Phật Mẫu, nhưng thực tế chuỗi lễ hội rước nước trải dài từ các khu vực lân cận chùa Dâu như: Chùa Đậu, Phi tướng, Giàn của huyện Thuận Thành cho tới mãi tận huyện Lương Tài (huyện cuối của Bắc Ninh) với lễ hội Cậu Dừa (thôn Thanh Gia, xã Quảng Phú cũng đổ về chùa Dâu ngày 8/4 chính là một lễ nghi nông nghiệp: rước nước, cầu mưa. Không chỉ bảo lưu nguyên vẹn trong các lễ thức nông nghiệp rước nước mà “văn hóa nước” cũng kiên trì bám rễ trong đời sống tâm linh tinh thần của người dân, nó thách thức với thời gian, ức chế cả văn hóa Nho mà làm thành thế ứng xử điển hình của người Kinh Bắc: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” vốn dĩ phổ biến trong tâm lý ứng xử, ứng phó với tự nhiên, xã hội của người Việt, nhưng với người Bắc Ninh thì tố chất đó rõ ràng và sâu sắc hơn hết thảy mà tiền nhân nơi đây đã từng thao tác và thể hiện với Phật giáo.

Nhờ bản sắc này mà vương triều Lý đã cùng đồng lòng với người phụ nữ có tên Ỷ Lan trong kháng chiến chống Tống và chấp nhận sự dẫn dắt vương triều của bà để rồi người con gái Bắc Ninh đã có cơ hội thể hiện tài kinh bang tế thế của mình mà làm nên triều đại Lý phát triển mạnh mẽ, đặt nền móng cho văn hóa Thăng Long và làm nên thời đại Ỷ Lan.

Cũng vì tính mở nên người Bắc Ninh rất dễ dàng tiếp thu cái mới, nhanh nhạy với thời cuộc và đặc biệt là dễ dàng li nông, li hương đi làm ăn kinh tế tại Thăng Long xưa và các cửa khẩu biên giới hôm nay. Điều đặc biệt trong văn hóa tín ngưỡng là dù những người con Bắc Ninh xa quê họ vẫn duy trì phong trào gửi tiền về đóng góp xây dựng lại các di tích lịch sử văn hóa tại quê nhà đã và đang diễn ra rất mạnh mẽ tại nhiều vùng quê của Bắc Ninh. Đây cũng là một điểm mạnh rất đáng trân trọng trong nhân cách của người Bắc Ninh.

Tôn giáo và con người Bắc Ninh

Gắn liền với tín ngưỡng thờ thần, coi trọng tính “cái” trong văn hóa đời sống từ xã xưa với người Bắc Ninh, các tôn giáo ngay từ khi hình thành và du nhập vào cũng theo đó mà biến đổi để phù hợp.

Người Việt Nam thường có câu “cầu Nam, chùa Bắc, Đình Đoài” để khẳng định những giá trị đặc biệt về di sản văn hóa vật thể của vùng Kinh Bắc. Thế nhưng chính điều đó cũng phản ánh một sự thực về thái độ ứng xử với di sản văn hóa của con người nơi đây đó là trọng tín ngưỡng dân gian nhưng vẫn song hành cùng Phật Giáo.

Với vị trí địa lý đặc biệt nên Kinh Bắc xưa và Bắc Ninh nay cũng là vùng đất có khả năng hấp thu rất nhiều yếu tố văn hóa, văn minh bên ngoài. Cụ thể: Ngay từ thế kỷ II Sau Công Nguyên, Bắc Ninh với thành Luy Lâu nổi tiếng đã là nơi tụ cư, làm ăn của khá nhiều các thương nhân người Hồ (Ấn độ), và người Trung Quốc. Có thể nói, tại phía nam có sông Đuống; thành Luy Lâu và Chùa Dâu là trung tâm chính trị và tôn giáo của vùng đất Giao Chỉ xưa kia. Văn hóa Phật giáo, Nho giáo cũng theo đó mà vào Bắc Ninh và đặt nền món tại mảnh đất này.

Các tư liệu lịch sử cho biết ngay từ những năm đầu công nguyên (khoảng 200 – 207) tại đây đã xây dựng được hơn 20 bảo tháp, độ hơn 500 vi tăng và dịch tới 15 bộ kinh Có nhà sư nổi tiếng là Khương Tăng Hội từng được Ngô Quốc Thái là mẫu thân của Ngô Tôn Quyền vời sang Kiến nghiệp (Giang Đông – Trung Hoa) giảng đạo. Cũng tại đây văn hóa Nho giáo bắt rễ đầu tiên từ thủ phủ của những viên Thái Thú có tinh thần khai hóa cho dân phương Nam như Tích Quang, Nhâm Diên sau này là Sĩ Nhiếp. Sử chép dưới thời Sĩ Nhiếp tại Bắc Ninh đã xuất hiện khá nhiều khách thương ngoại quốc. Hiện nay tại Bắc Ninh vẫn còn đền thờ Sĩ Vương. Hiện tượng này không chỉ nói lên truyền thống hội nhập, tiếp biến văn hóa lâu đời của vùng Bắc Ninh mà còn phản ánh một đặc tính khác của con người nơi đây đó là tố chất mở, khoáng đạt không câu nệ của người xứ Bắc.

Cùng với sự du nhập của văn hóa Đạo giáo, Nho giáo và Phật giáo, Công giáo cũng được du nhập vào đời sống con người Bắc Ninh như một phần không thể tách rời. Và cũng có những tác động rất cụ thể đến với đồi sống, văn hóa và nhân cách con người Bắc Ninh.

Đạo Công giáo truyền vào Việt Nam năm 1533, do giáo sĩ Tây dương tên là In-nê-khu đến làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chấn và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ (tỉnh Nam Định ngày nay). Đạo Công giáo vào Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị lâm vào giai đoạn khủng hoảng, nội chiến phân tranh kéo dài giữa Nhà Trịnh – Nhà Mạc, Nhà Trịnh – Nhà Nguyễn, đất nước bị chia cắt thành Đàng Trong, Đàng Ngoài (Từ những năm 1659, sử sách ghi nhận đã có một số giáo dân thuộc Kẻ Mốt - xứ Đức Trai), Kẻ Nê - xứ Tử Nê) và Kẻ Roi - xứ Xuân Hòa). Hai mươi năm sau, tức năm 1679, khi giáo phận Đàng Ngoài được chia thành hai là giáo phận Đông (Hải Phòng) và giáo phận Tây (Hà Nội), thì trên phần đất của giáo phận Bắc Ninh hiện nay đã có 3.317 giáo dân và 32 nhà thờ, do các cha Dòng Tên coi sóc.

 29/5/1883 giáo phận được thiết lập, có 35 ngàn giáo dân trong 11 xứ và 28 họ, 22 linh mục, 50 thầy giảng và 8 nữ tu. Hiện nay, giáo phận có 137.343  ngàn giáo dân trong hơn 77 xứ, 363 họ đạo, do 103 linh mục coi sóc. Có thể nói, Công gáo phát triển là tôn giá có số lượng tín đồ lớn thứ hai ở Việt Nam (sau Phật giáo).

Đa tài, đa tình, nhạy bén với cái mới nhưng lại rất trân trọng với di sản văn hóa truyền thống là một trong những đặc điểm nhân cách trội của người Bắc Ninh, không phủ nhận có đặc điểm ấy là do chịu ảnh hưởng thường xuyên, liên tục, lâu dài từ một bề dày văn hóa tín ngưỡng.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo

Thời gian qua, các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo luôn nhận được sự quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo sự phấn khởi cho tăng ni, tín đồ Phật tử trong việc sinh hoạt, thực hành lễ nghi tôn giáo và tin tưởng vào đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước...

Các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo cấp tỉnh tham mưu với UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Nội vụ giải quyết kịp thời các nhu cầu của các tổ chức tôn giáo theo quy định của pháp luật, chủ động giải quyết những vấn đề khó, nhạy cảm từ cơ sở... bảo đảm đúng chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và Hiến chương của Giáo hội, tạo sự đồng thuận của tổ chức tôn giáo, góp phần giữ vững ổn định tình hình tôn giáo tại địa phương.

Ban Tôn giáo chủ động tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo, bảo đảm an ninh trật tự....

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo và QLNN về tôn giáo được duy trì thường xuyên theo kế hoạch. Ban Tôn giáo tỉnh chủ động tham mưu trình UBND tỉnh và đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp tổ chức triển khai Luật Tín ngưỡng-Tôn giáo, phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến tín ngưỡng-Tôn giáo cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo và chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tại cơ sở địa phương. Qua đó, giúp cho cán bộ công chức, chức sắc, chức việc, đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo và người dân hiểu, chấp hành đúng những quy định của pháp luật.

Nhận thức “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng”, hằng năm, cơ quan QLNN về tôn giáo các cấp, cùng lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp thăm, chúc mừng các tổ chức, cá nhân tôn giáo nhân dịp Lễ, Tết, các ngày lễ trọng của tổ chức tôn giáo như: Giáng sinh, Phục sinh, Phật đản, Vu lan, Lễ cầu siêu tri ân các anh hùng liệt sỹ... thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đối với tôn giáo, động viên đồng bào tôn giáo. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao, đổi mới công tác quản lý, chủ động hướng dẫn các hội nghị thường niên, Đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức tôn giáo và hoạt động tôn giáo theo quy định của Pháp luật...

Hiểu rõ tình hình tôn giáo vẫn tiềm ẩn vấn đề phức tạp, nên khi giải quyết những vụ việc tôn giáo, cơ quan QLNN về tôn giáo các cấp duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ với Công an, Dân vận, Ủy ban MTTQ và Ban chỉ đạo công tác tôn giáo của các cơ sở địa phương để nắm chắc tình hình, kịp thời trao đổi thông tin và thống nhất nhận định, chủ động tham mưu, đề xuất xử lý các vấn đề tôn giáo phát sinh.

Để nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo trong tình hình mới, góp phần bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, chính quyền tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, phối hợp chặt chẽ với MTTQ tỉnh và các đoàn thể chính trị, xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ thực hiện tốt chính sách pháp luật tôn giáo của Đảng, Nhà nước, bảo đảm ổn định tình hình cơ sở, đồng thời củng cố, hoàn thiện lực lượng bộ máy QLNN về tôn giáo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao.

https://vietnamhoinhap.vn/article/bac-ninh-tin-nguong-ton-giao-va-cong-tac-giu-gin-ban-sac-van-hoa-trong-hoi-nhap---n-25472
Bài liên quan
  • 700 liền anh, liền chị tham gia Liên hoan các làng Quan họ Bắc Ninh
    Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ngày 15/11, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan các làng Quan họ thực hành tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh lần thứ Nhất - 2024.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Bắc Ninh: Tín ngưỡng tôn giáo và công tác giữ gìn bản sắc văn hóa trong hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO