Bắc những nhịp cầu văn hóa Việt Nam

Miên Thảo| 09/08/2017 15:50

Sau một năm đầy nỗ lực, bộ sưu tập ảnh nghệ thuật “Di sản vô giá” của Rehahn đã được đưa ra trưng bày ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từ ngày 2/8 đến ngày 1/10/2017. Với nhiếp ảnh gia Pháp “phải lòng” Việt Nam này, mỗi tác phẩm của anh không chỉ là những chỉ dẫn văn hóa mà còn là những sứ giả bắc nhịp cầu cho văn hóa các dân tộc Việt Nam bay cao, bay xa…

Vẻ đẹp từ những câu chuyện giản dị

“Trang là bé gái tôi đã gặp gần khu Prao…” – Nhiếp ảnh gia Pháp Rehahn thường bắt đầu câu chuyện về mỗi tác phẩm của mình như thế. Những lời kể nhẹ nhàng, thân thiện và tự nhiên ấy dẫn dắt người xem cùng khám phá biết bao vẻ đẹp văn hóa, phần lớn được thể hiện qua trang phục của các dân tộc Việt Nam mà Rehahn đã từng đến và trải nghiệm. Theo PGS.TS. Võ Quang Trọng – Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trưng bày “Di sản vô giá” thêm một cơ hội để công chúng khám phá những nét văn hóa đặc sắc của nhiều tộc người. Những bức chân dung được Rehahn thực hiện luôn ánh lên vẻ đẹp hồn hậu, tự nhiên, ngời sáng trong những bộ trang phục truyền thống mang đậm sắc màu của từng dân tộc, khiến người xem thích thú và tràn đầy niềm tự hào.

Bắc những nhịp cầu văn hóa Việt Nam
Tác phẩm “An Phước, cô bé với đôi mắt xanh” của Rehahn. (chụp lại)
Với Rehahn, người Dao là một tộc người rất thú vị khi có nhiều nhóm địa phương nhất trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Những yếu tố để phân biệt giữa các nhóm, theo Rehahn đó là trang phục và phong tục tập quán. Như người Dao để phân biệt với các tộc người khác thì phải từ màu sắc trang phục và cách quấn khăn đội đầu. Bằng 3 tác phẩm chụp phụ nữ người Dao mang những trang phục đặc, Rehahn còn giải thích thêm rằng phụ nữ Dao dùng chàm để nhuộm màu trang phục, ngoài ra, họ còn thêu và sử dụng những họa tiết in sáp ong để trang trí trên quần áo. 

Bức ảnh cụ Lý Cà Sư 91 tuổi, người La Hủ được Rehahn chụp vào tháng 7 năm 2014 cũng khiến không ít người xem ngỡ ngàng trước sự độc đáo về trang sức của tộc người này. Không chỉ vậy, Rehahn còn cẩn thận giải thích “La Hủ” có nghĩa là “hùng mạnh như mãnh hổ” và kể thêm truyền thuyết đầy thú vị lý giải vì sao người La Hủ không có chữ viết: “Truyền thuyết kể rằng họ từng viết ngôn ngữ của mình lên những chiếc bánh gạo nhưng sau đó đã ăn chúng vì đói nên chữ viết cũng biến mất”… 

Ở bức ảnh cụ bà người Nùng, đầy niềm vui và sự hứng khởi, Rehahn kể về cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên của anh: “Tôi gặp người phụ nữ trong bức ảnh tại khu chợ Hoàng Su Phì vô cùng náo nhiệt. Cuộc gặp gỡ này là một trải nghiệm vui vẻ và vô cùng tuyệt vời. Chúng tôi không ngừng cười đùa với nhau. Khi dạo xung quanh chợ, tôi nhận ra rằng hầu hết phụ nữ ở đây vẫn mặc trang phục truyền thống. Người ta nói rằng, cạp váy của phụ nữ ở đây có 12 màu khác nhau, tượng trưng 12 tháng trong năm. Áo được đính khuy bạc, trang trí những đường thêu tinh xảo và đeo bộ xà tích bạc. Họ sử dụng chất liệu bạc không chỉ để làm đẹp mà còn vì họ tin rằng bạc mang lại nhiều sức khỏe. Và thật thú vị khi họ tin rằng bạc như một nhiệt kế có thể đo được bệnh tật. Mỗi một nhóm người Nùng có một loại trang phục đặc trưng riêng, nhưng tất cả đều giống nhau ở quy trình nhuộm vải bằng chàm.”

Cứ thể, qua mỗi tác phẩm, Rehahn nhẩn nha kể rất nhiều câu chuyện về các dân tộc Việt Nam bằng một tình yêu, niềm say mê chưa bao giờ dứt…

Tận tụy bắc nhịp cầu văn hóa

Là nhiếp ảnh gia người Pháp và đã từng “chu du” 35 nước trên thế giới nhưng cuối cùng Rehahn chọn Việt Nam làm “ngôi nhà thứ 2” của mình. Vì sao vậy? Rehahn cười rất tươi bảo rằng, vì anh “phải lòng” Việt Nam, sao dứt được.

Bắc những nhịp cầu văn hóa Việt Nam
Du khách nước ngoài thích thú trước những tác phẩm của Rehahn được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: HT
Năm 2007, Rehahn bắt đầu có chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam, nhưng chỉ với tư cách là một trong số các đại diện của một tổ chức phi chính phủ Pháp đến Việt Nam làm  từ thiện. Lần đầu gặp gỡ ấy, Rehahn đã bắt đầu cảm mến đất nước hiền hậu và mến khách này nên ngay năm sau, anh lại trở lại và thực sự bị quyến rũ trước những sắc màu trên trang phục của người Hmông. Rehahn bảo rằng, từ đó, anh quyết định ở lại, say mê nghiên cứu về các tộc người sinh sống trên dải đất hình chữ S của Việt Nam và vô cùng thích thú khi biết được nơi đây có đến 54 dân tộc. “Dự án trôi theo cảm xúc mà chính tôi cũng không biết bắt đầu từ khi nào…” – Rehahn chia sẻ.

Bằng tình yêu nồng nàn ấy, đến nay, Rehahn đã đi đến và gặp gỡ 48 dân tộc ở khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Với anh, niềm vui không có gì sánh được ấy không chỉ là kho ảnh lên đến cả trăm nghìn bức mà còn là những dịp anh được hòa mình vào không gian văn hóa của các dân tộc, được “kết thân” cùng bà con. Để có được điều này, Rehahn sẵn sàng kiên trì chờ đợi từng thời cơ để có thể tiếp cận với bà con dân tộc thiểu số, như lần chờ đến 3 năm thì mới gặp được người dân tộc Rơ Măm ở Sa Thầy, Kon Tum, Tây Nguyên. Hay như Rehahn không bao giờ ngần ngại ngồi đất nói chuyện với bà con dân tộc rồi lại khoan khoái châm tẩu thuốc cùng người Xtiêng, Bana, Brâu, Tà Ôi, Vân Kiều... Ông Bh’riu Liếc, người dân tộc Cơ Tu kể rằng ông đã từng chứng kiến Rehahn mất 2 ngày ròng mới chụp được 1 tấm hình. Thậm chí có lần Rehahn suýt bỏ mạng khi gặp tai nạn khi phóng xe máy tìm đến người Cơ Tu bên Lào. 

Đặc biệt, Rehahn đã từng dành 3 ngày để trò chuyện, kết thân với gia đình An Phước - cô bé mang hai dòng máu Pháp – Việt có đôi mắt xanh to tròn. Và khi được cho phép, anh mới bắt đầu bấm máy.

Vậy nhưng, giữa bao niềm hạnh phúc đó, Rehahn vẫn canh cánh một nỗi niềm: “dường như các giá trị văn hóa truyền thống ở mỗi dân tộc đang ngày càng bị mai một”. Ngay trong câu chuyện kể từ mỗi tác phẩm, Rehahn cũng bày tỏ cảm xúc ngạc nhiên khi thấy đa số các dân tộc không còn mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày. “Tôi có chút ngạc nhiên khi không thấy phụ nữ mặc trang phục truyền thống trong làng. Đàn ông La Chí hầu như không mặc trang phục nữa, nhưng ngoại trừ cụ Lùng Leo Phổ, 78 tuổi trong tấm hình này.” – Rehahn nói về bức ảnh dân tộc La Chí. 

Còn trong hành trình mất đến 3,5 giờ đi cùng phóng viên VTV1, vào tháng 11 năm 2016, đến thăm làng Mô Rai có tộc người Rơ Măm, cách biên giới Campuchia 20km, Rehahn ghi lại: “Trong làng chỉ còn lại 12 bộ quần áo truyền thống, và tôi rất vinh dự được nhận một bộ, kèm theo tẩu thuốc và gùi để giới thiệu về văn hóa của họ. Tôi được tộc trưởng mời dùng bữa trưa cùng ông và được ông giới thiệu về các hiện vật đó. 11 bộ trang phục còn lại được người Rơ Măm lưu giữ cẩn thận xem như báu vật vì không còn ai trong làng biết làm những bộ quần áo truyền thống nữa.”

Hoặc như, Rehahn không khỏi ngậm ngùi kể về bức ảnh anh chụp dân tộc Lô Lô: “Chuyến đi đầu tiên của tôi đến thăm người Lô Lô đen ở Bảo Lạc (Cao Bằng) vào năm 2013. Trong chuyến đi này, tôi nhìn thấy rất  nhiều phụ nữ dân tộc trong làng mặc đồ truyền thống. Tuy nhiên, 2 năm sau khi tôi quay lại thì không còn nhiều người mặc các trang phục này nữa. Bức ảnh tôi chụp hình một bộ trang phục đã sờn rách được khoác trên mình cụ già, tượng trưng cho truyền thống xưa cũ đang dần biến mất.”

6 năm với biết bao cuộc hành trình không dễ dàng, thậm chí có lúc còn đầy hiểm nguy, giờ đây những tác phẩm của Rehahn không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được nhiều tạp chí quốc tế đánh giá cao cũng như đưa vào sử dụng. Gần đây nhất là tác phẩm “An Phước, cô bé với đôi mắt xanh” đã được được tờ Globe- Trotters của Pháp chọn làm trang bìa. Và đấy chính là mong muốn của Rehahn: “cách hiệu quả nhất để bảo tồn văn hoá của các dân tộc là thúc đẩy họ vươn ra bên ngoài, tạo cho họ niềm tự hào về những di sản và phong tục tập quán của cộng đồng.”

Thế nên, Rehahn không muốn mình chỉ là nhiếp ảnh gia đơn thuần mà còn muốn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa đó. Anh rất vui khi các du khách khi xem các tác phẩm được anh trưng bày ở Hội An đều chia sẻ rằng họ rất thích thú và muốn quay trở lại Việt Nam để tiếp tục khám phá những câu chuyện từ các bức ảnh. “Tôi mơ ước các tổ chức văn hóa cũng như các bảo tàng ở Việt Nam quan tâm đến những câu chuyện này có thể tổ chức lễ hội carnival hội đủ 54 dân tộc Việt Nam ở Hội An thì thật thú vị và chắc chắn sẽ thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam đông đảo hơn...” – Rehahn bày tỏ. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Bắc những nhịp cầu văn hóa Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO