Áo dài truyền thống - hành trình trở lại
Câu lạc bộ Đình làng Việt liên kết với NXB Thế Giới vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách “Áo dài truyền thống - Hành trình trở lại”.
Đây là một ấn phẩm ý nghĩa nhân kỷ niệm 280 năm Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát định chế chiếc áo dài năm thân (1744 - 2024); đồng thời đánh dấu chặng đường 10 năm hoạt động của CLB Đình làng Việt (2014 – 2024).
“Áo dài truyền thống - Hành trình trở lại” tập hợp 52 bài viết của 47 tác giả thuộc nhiều độ tuổi, từ các vùng miền khác nhau, lĩnh vực khác nhau. Cuốn sách dày 456 trang, gồm hai phần chính (Phần I: Đi tìm giá trị áo dài năm thân; Phần II: Trở về với truyền thống ông cha) và phần Phụ lục.
Sự hiện diện của các tác giả trong cuốn sách với cách tiếp cận và cảm nhận đa chiều sẽ đóng góp vào trào lưu phục hồi, xác định, phát huy những biểu tượng nổi bật của văn hóa dân tộc Việt Nam, trong đó có phục trang truyền thống.
Qua các bài viết được giới thiệu trong tập sách, bạn đọc sẽ được gặp gỡ những nhà nghiên cứu, họa sĩ thiết kế hay nghệ nhân trực tiếp làm ra áo dài để nghe họ kể về lịch sử hình thành, phát triển, các tiêu chuẩn hay đặc điểm nhận dạng chiếc áo dài và cả quy trình và kỹ thuật sản xuất có liên quan cũng như ứng dụng của áo trong mọi phương diện của đời sống xã hội, văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh đó, độc giả còn được nghe chia sẻ của những người thực hành mặc áo dài truyền thống, với cảm hứng từ những câu chuyện trải nghiệm cá nhân thú vị, đặc sắc.
Cuốn sách “Áo dài truyền thống - Hành trình trở lại” sẽ cung cấp những cơ sở vững chắc về mặt lịch sử, dân tộc học, văn hóa học, di sản học để cho bạn đọc sẽ không băn khoăn khi chọn áo dài làm bộ trang phục dân tộc sử dụng trong những trường hợp cần thiết về mặt đối ngoại, góp phần bảo tồn một di sản văn hóa đáng trân quý của Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm -
Cố vấn CLB Đình làng Việt, Chủ tịch Hội đồng Biên tập chuyên khảo Nghiên cứu Việt Nam, NXB Thế Giới
Trong lời giới thiệu, Ban biên tập cuốn sách cũng đã đề cập tới “độ mở” trong cách tiếp cận thuật ngữ, định danh và nội dung của ấn phẩm: “Ý thức được sự đa dạng trong chi tiết của loại hình di sản này nên Ban Biên tập tôn trọng quan điểm của tác giả, cách chọn dùng các định danh khác nhau trong các bài viết, miễn là chúng không cản trở việc hình dung và cảm nhận tương đối xác thực về một đối tượng thống nhất: đó là áo dài truyền thống Việt”.
Ban biên tập cũng xác định áo dài truyền thống là một chủ đề cần được tiếp tục nghiên cứu, xem xét và thảo luận trên phạm vi rộng rãi hơn nữa với những chiều kích khoáng đạt hơn, để tiến tới một định danh thống nhất cho nó cùng với các tiêu chuẩn tổng quát kèm theo, và cũng để những khiếm khuyết có thể có trong nội dung cuốn sách dần được lấp đầy hay bổ sung cho hoàn chỉnh.
Đích đến mà cuốn sách hướng tới là làm sao cho chiếc áo năm thân có cơ hội hiện diện một cách xứng đáng không những trong tâm tưởng của bạn đọc - thay vì các định kiến hay hiểu biết chưa chính xác do điều kiện lịch sử - mà còn trong tủ trang phục hay sưu tập trang phục của chính họ, trong vai trò tạm gọi là “bộ Quốc phục”, để góp phần vào việc xác quyết và nhận diện bản sắc Việt Nam ở cấp độ văn hóa - xã hội, trên bình diện trong nước và quốc tế./.