Mặc dù chỉ có mấy ngày ít ỏi ở Hà Nội lại phải chạy khá nhiều thủ tục nhưng Trần Hoài Dương vẫn nhất định rủ nhà thơ Hoàng Cát và tôi đến thăm nhà văn Tô Hoài.
Vợ chồng nhà văn Tô Hoài cùng các cháu. (Ảnh tư liệu) Tháng Giêng năm 2004 vào lịch âm thì đã sang tháng Chạp, chỉ còn ít ngày nữa là Tết Nguyên đán. Nhà văn Trần Hoài Dương từ Sài Gòn bay ra Hà Nội để làm thủ tục nhập cảnh vào nước Anh, theo lời mời của chính cậu con trai, nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh đang làm việc bên ấy.
Mặc dù chỉ có mấy ngày ít ỏi ở Hà Nội lại phải chạy khá nhiều thủ tục nhưng Trần Hoài Dương vẫn nhất định rủ nhà thơ Hoàng Cát và tôi đến thăm nhà văn Tô Hoài. Tô Hoài là người gần như quyết định để giúp Trần Hoài Dương đi vào con đường văn học. Những cuốn sách được xuất bản thường bao giờ Dương cũng nhờ nhà văn Tô Hoài viết lời nói đầu.
Đến nhà Tô Hoài, chúng tôi phải gõ cửa đến lần thứ ba, thứ tư gì đó mới thấy nhà văn ở trong nhà hé cửa nhìn ra. Khi biết chắc là người quen lúc ấy ông mới quay vào lấy chùm chìa khóa, chậm chạp mở cửa. Vợ con đi vắng chỉ một mình ở nhà nên ông cẩn thận.
Trần Hoài Dương sau khi đặt lên bàn túi quà mang từ Sài Gòn ra để biếu nhà văn rồi nói lí do chuyến ra Hà Nội đột xuất của mình. Tô Hoài gật gù:
- Thì ra cháu Quỳnh đã nên người rồi đấy nhỉ?
Sau một vài câu chuyện mang tính thăm hỏi, Trần Hoài Dương thưa:
- Em chỉ ở ngoài này được ít ngày rồi phải vào ngay để kịp bay sang với cháu. Đến thăm anh hôm nay, xin anh cho phép bọn em lai rai với anh một chút anh nhé.
Nhà văn Tô Hoài có vẻ băn khoăn:
- Nhà tôi đi vắng, không biết sao đây. Nhưng chắc bà ấy cũng sắp về, ta chờ một chút vậy.
Nhưng Trần Hoài Dương đứng ngay lên:
- Xin anh yên tâm, bọn em lo được.
Rồi nhanh nhẹn, Dương kéo tay Hoàng Cát đi ra đường.
Chỉ một lúc sau, Dương và Cát đã khệ nệ ôm về mấy gói thức ăn to đùng và thêm cả mấy chục lon bia.
- Bây giờ anh cho em mượn ít bát đĩa.
Nhà văn Tô Hoài lại chậm chạp đứng lên đi vào gian trong, lúc sau mang ra được đúng có hai chiếc đĩa to và ba cái bát ăn cơm cùng mấy đôi đũa, chiếc ngắn, chiếc dài. Ông lúng túng thanh minh:
- Không biết bát đũa nhà tôi để những đâu, tôi tìm không ra. Tìm mãi chỉ có thế này.
Trần Hoài Dương mở bọc thức ăn vừa mua. Nào thịt nướng chả, nem rán, nem chua, lạc rang sẵn… được lèn vào hai chiếc đĩa. Thì ra anh đã mua thức ăn đó ở ngay đầu ngõ Đoàn Nhữ Hài, xế cửa nhà của nhà văn Tô Hoài. Thấy bốn người mà chỉ có ba cái bát thì bất tiện nên Hoàng Cát nhanh nhẹn xuống bếp. Rồi cuối cùng anh cũng tìm thấy thêm một chiếc đĩa con, vẻ mặt hể hả:
- Ô kê rồi, đĩa cũng là bát.
Khi bốn anh em chuẩn bị vào bữa thì vợ nhà văn Tô Hoài về. Bà mua được một bó hoa cúc vàng rực rỡ. Có hoa tươi căn phòng như sáng sủa hẳn. Ba anh em chúng tôi đứng lên chào. Trần Hoài Dương giúp bà cắm hoa vào lọ xong bỗng dưng rất trịnh trọng:
- Em xin có ý kiến với anh chị như thế này. Cũng gần Tết rồi, mà một hai ngày nữa em đã phải vào Sài Gòn. Năm nay em chắc không được ăn Tết ở Việt Nam, vậy hôm nay coi như anh chị cho chúng em được ăn Tết sớm với anh chị.
Vợ nhà văn Tô Hoài tuổi tuy cũng đã cao nhưng còn gọn gàng và nhanh nhẹn. Liếc qua các thứ bày trên bàn, bà thấy ngay những bất ổn liền quay sang trách chồng:
- Nhà đâu có thiếu đồ dùng mà ông để các chú ăn uống bát đũa thế kia.
Không để cho chồng kịp giải thích bà liền đi nhanh xuống bếp rồi cũng rất nhanh quay ra. Trên tay bà đã đủ số bát đũa mới. Nhà văn già có vẻ áy náy, ấp úng thanh minh:
- Thì bà để chỗ nào tôi đâu có biết.
Bà lườm yêu chồng rồi quay sang nói với chúng tôi:
- Có ai đoảng thế không cơ chứ. Trong nhà mà bát đũa để đâu cũng không biết.
Vừa định ngồi xuống nhưng bỗng như nhớ ra điều gì bà lại đứng lên đi vào trong một lúc. Lần này trên tay bà là một chai rượu ngoại đã uống dở nhưng vẫn còn gần đầy cùng mấy cái li.
- Đã gọi là ăn Tết thì phải có chén rượu. Vậy hôm nay các chú nhất định phải thật say với anh chị đấy nhé. Nhất là chú Dương.
Vừa nói bà vừa dốc chai rượu vào các li.
Tôi thấy nhà văn Tô Hoài nhìn lâu lâu vào chai rượu nơi tay vợ. Không biết lúc ấy ông nghĩ gì nhưng tôi nghĩ, có thể ông không biết các đồ dùng gia đình hàng ngày ở đâu nhưng còn chai rượu, ông hẳn phải biết rõ.
Bữa “ăn Tết sớm” tại căn nhà của vợ chồng nhà văn Tô Hoài hôm đó đơn giản nhưng rất vui vẻ, ấm cúng, kéo dài đến tận đầu giờ chiều.