Ảnh minh họa. |
“Tăng trưởng kinh tế đạt được trên tất cả các lĩnh vực, với động lực là ngành sản xuất chế tạo tiếp tục mở rộng, sản xuất nông nghiệp tăng cao, ngành dịch vụ ổn định, tiêu dùng trong nước được duy trì tốt cùng nguồn đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước”, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định.
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế của ADB, trong ngắn hạn, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu nội địa được duy trì, điều kiện kinh doanh được cải thiện, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, đầu tư tiếp tục gia tăng…
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những thách thức như tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn tại Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Nhật Bản ảnh hưởng đến tổng cầu thương mại thế giới và căng thẳng thương mại gia tăng trên toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam.
ADB cũng dự báo, áp lực lạm phát có thể tiếp tục duy trì trong 2 năm tới do tác động từ đà tăng giá dầu và giá lương thực thế giới. Theo đó, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam được dự đoán tăng lên mức 4% năm 2018 và 4,5% năm 2019.