Kiến trúc - Quy hoạch

23 chính sách đặc thù để Hà Nội xây dựng hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại

Trung Kiên 08:14 01/07/2024

Tại Kỳ họp thứ 17 (từ ngày 1 – 4/7/2024) HĐND Thành phố khóa XVI (nhiệm kỳ 2021 – 2026), UBND Thành phố Hà Nội sẽ trình HĐND Thành phố xem xét, thông qua “Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô”.

UBND Thành phố Hà Nội nhấn mạnh, việc xây dựng “Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô” nhằm tổng kết tình hình triển khai đầu tư hệ thống ĐSĐT thời gian qua, làm cơ sở đề xuất định hướng phát triển, các cơ chế chính sách thí điểm, đặc thù để đầu tư phát triển hệ thống ĐSĐT Thành phố Hà Nội nhằm hiện thực hóa Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu: Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội vào năm 2035.

pho-bi-thu.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội (tháng 4/2024).

Mục tiêu chung của Đề án đặt ra, đó là phát triển hệ thống ĐSĐT đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của Thành phố, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của Thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50 - 55%, sau năm 2035 đạt 65 - 70%. UBND Thành phố Hà Nội đề xuất các nhóm cơ chế, chính sách cần thiết để thực hiện. Cụ thể:

Về Quy hoạch

Chính sách 1: UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh chức năng sử dụng cho các khu đất trong khu vực đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) để khai thác quỹ đất và khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD, phát triển các tuyến ĐSDT, phát triển đô thị trong khu vực TOD.

Chính sách 2: Trong khu vực TOD, UBND thành phố Hà Nội được quyết định áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

Chính sách 3: Trên cơ sở Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, cho phép UBND Thành phố lập phương án tuyến, vị trí công trinh tuyến ĐSĐT; quy hoạch khu vực TOD tỷ lệ 1/2000 để quản lý, dự trữ đất cho phát triển ĐSĐT và đô thị trong khu vực TOD. Nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án tuyến, vị trí công trình ĐSĐT và khu vực TOD do UBND thành phố Hà Nội quyết định.

Chính sách 4: Đối với khu vực đã có quy hoạch phân khu hoặc tương đương đã được phê duyệt nhưng khi lập phương án tuyến, vị trí công trình xây dựng tuyến ĐSĐT và quy hoạch các khu vực TOD, cơ quan tổ chức được giao nhiệm vụ lập phương án, quy hoạch có những đề xuất mới, khác nội dung quy hoạch đã được phê duyệt thì trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, quyết định. Văn bản chấp thuận hoặc quyết định này có giá trị thay thế cho phần nội dung quy hoạch khu vực có liên quan trọng quy hoạch phân khu hoặc tương đương đã được phê duyệt và không phải làm thủ tục điều chỉnh lại toàn bộ đồ án quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.

Về thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư

Chính sách 5: Cho phép UBND Thành phố Hà Nội quyết định nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư độc lập. Trong đó, nội dung Báo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cần được quy định phù hợp với tính chất, đặc điểm của dự án. Trình tự thực hiện được phép rút gọn để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt dự án.

ga-ha-noi.jpg
Tuyến ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao sẽ vận hành trong tháng 7/2024.

Chính sách 6: Cho phép UBND Thành phố tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Căn cứ thiết kế sơ bộ các tuyến ĐSĐT đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Chủ đầu tư tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt Hồ sơ thiết kế cắm cọc thu hồi đất khu vực đề-pô, tuyến và thân ga ĐSĐT. Giai đoạn 2: Căn cứ thiết kế cơ sở hoặc thiết kế FEED đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Chủ đầu tư tổ chức lập, thẩm định phê duyệt Hồ sơ thiết kế cắm cọc thu hồi đất cho phần diện tích đất cần thực thu hồi đất còn lại.

Chính sách 7: Cho phép UBND Thành phố quyết định chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạm cư đối với người dân bị ảnh trong trong các dự án ĐSĐT của Thủ đô.

Chính sách 8: Cho phép UBND Thành phố quyết định chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn, thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để phục vụ công tác thu hồi đất; gói thầu tư vấn, thi công rà phá bom, mìn, vật nổ để chuẩn bị mặt bằng thi công và các gói thầu khác để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Về huy động nguồn vốn

Chính sách 9: Để đảm bảo ngân sách thành phố giữ vai trò chủ đạo và quyết định, ưu tiên tập trung bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất cho đầu tư phát triển hệ thống ĐSĐT.

Chính sách 10: Sử dụng dư địa trần nợ công cho từng giai đoạn để tạo nguồn lực từ ngân sách thành phố với hình thức vay phù hợp để đầu tư phát triển hệ thống ĐSĐT.

Chính sách 11: Cho phép thành phố Hà Nội được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với các khoản thu sau để tái đầu tư xây dựng ĐSĐT, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống ĐSĐT: tiền thu đối với diện tích sản xây dựng tăng thêm của các dự án xây dựng công trình dân dụng do việc tăng hệ số sử dụng đất theo quy hoạch khu vực TOD; tiền thu từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD và phí cải thiện hạ tầng.

Chính sách 12: Ngân sách Trung ương cân đối, bố trí vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách của thành phố Hà Nội trong các kỳ trung hạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035 để đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT Thủ đô.

Về công tác lập đề xuất dự án; thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư; thiết kế; đấu thầu; quản lý hợp đồng; thanh toán vốn đầu tư; thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án

Chính sách 13: Cho phép không thực hiện thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt Đề xuất dự án theo quy định tại Điều 25 Luật Đầu tư công trong trường hợp dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi để thực hiện đầu tư.

Chính sách 14: Cho phép Thành phố Hà Nội căn cứ Quy hoạch chung Thủ đô hoặc Đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư xây dựng dự án các tuyến ĐSĐT của Thủ đô.

Chính sách 15: Sau khi dự án được thông qua chủ trương đầu tư, triển khai thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay cho thiết kế cơ sở trong dự án đầu tư. Lựa chọn nhà thầu EPC trên cơ sở dự án dẫu tư.

Chính sách 16: Cho phép lựa chọn tư vấn quốc tế liên danh với tư vấn trong nước để lập quy hoạch, dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu, tư vấn quản lý dự án và từ vấn giám sát và các nhà thầu thi công xây dựng.

Chính sách 17: cho phép áp dụng triệt để hợp đồng FIDIC đầy đủ (không dừng lại ở mức khuyến khích).

Chính sách 18: Căn cứ theo tiến độ thực tế của dự án, cho phép thực hiện thanh toán vốn đối ứng vượt so với kế hoạch vốn hàng năm của Thành phố mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn hàng năm. Phần vốn thanh toán vượt so với kế hoạch vốn năm sẽ được ghi bổ sung vào kế hoạch vốn năm tiếp theo. Trong đó tổng số vốn thành toán không vượt nguồn vốn đầu tư công trung hạn được Chính phủ giao.

Chính sách 19: Cho phép thực hiện thanh toán vốn ODA theo cơ chế linh hoạt phù hợp với tiến độ triển khai thực tế của dự án mà không phụ thuộc vào kế hoạch vốn ODA hàng năm. Trong đó, tổng số vốn thanh toán không vượt nguồn vốn đầu tư công trung hạn được Chính phủ giao.

Chính sách 20: Trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án mà không làm tăng tổng mức đầu tư dự án, cho phép Chủ đầu tư không phải thực hiên thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh dự án.

Về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ

Chính sách 21: Cho phép UBND Thành phố quyết định lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và nước ngoài cho hệ thống ĐSĐT Thủ đô; quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá, phương thức thực hiện, phương thức thanh toán khác hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.

Về tổ chức quản lý, khai thác

Chính sách 22: Cho phép hỗ trợ các doanh nghiệp huy động vốn như bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất... để mua sắm đầu máy, toa xe.

Về đào tạo nguồn nhân lực

Chính sách 23: Cho phép thành phố Hà Nội bố trí kinh phí để đặt hàng với các trưởng nghề thực hiện đào tạo nhân lực có trình độ cơ bản về vận hành ĐSĐT. Công tác đào tạo được thực hiện trước khi dự án được đưa vào khai thác, vận hành từ 2 - 3 năm./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
23 chính sách đặc thù để Hà Nội xây dựng hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO