Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, cả nước có 17 triệu người dân sử dụng nước bị nhiễm asen do dùng nước từ giếng khoan chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Cả nước có hơn 4 triệu giếng khoan, trong đó nhiều giếng có nồng độ asen cao hơn 20-50 lần giới hạn cho phép (0,01mg/l). Ô nhiễm asen trong nước tập trung tại một số vùng nông thôn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá... Có 3/4 số hộ dân được điều tra tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Hồng bị nhiễm asen cao hơn nhiều mức cho phép, trong đó tỉnh Hà Nam nhiễm cao nhất với 50/160 xã (chiếm 43%) có nguồn nước bị nhiễm asen...
Riêng TP Hà Nội, theo đánh giá của tổ chức UNICEF, khu vực nông thôn của Hà Nội như: Thường Tín, Ứng Hoà, Đan Phượng, Thanh Oai, Thanh Trì, nguồn nước ngầm bị nhiễm asen rất nặng. Kết quả khảo sát nồng độ asen trong nước ngầm tại 345 làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội (tháng 10-2012) cho thấy có 338/345 mẫu nước (97,97%) có hàm lượng asen cao từ 2-50 lần so với quy chuẩn cho phép.
Nguyên nhân gây nhiễm asen trong nước là một nguyên tố tự nhiên nằm trong lớp vỏ trầm tích của trái đất (đặc biệt là lớp trầm tích của các vùng Đồng bằng sông Hồng có hàm lượng asen rất cao) được giải phóng và hoà tan vào nguồn nước. Bên cạnh đó, còn có các yếu tố chủ quan khác như: Tồn dư thuốc bảo vệ thực vật do sản xuất và sử dụng phân bón hóa chất trong nông nghiệp; khai thác và chế biến khoáng sản đa kim loại như: Than, dầu mỏ, luyện kim cơ khí, nhiệt điện và đốt dầu than công nghiệp...