Y tế - Giáo dục

10 sự kiện nổi bật trong 10 năm của Trường Đại học Luật, Đại học Huế

Hà Oai 20:09 12/04/2025

Trải qua 10 năm phát triển, Trường Đại học Luật - Đại học Huế đã đạt được nhiều thành tựu và trong đó có 10 sự kiện nổi bật.

Thành lập Trường Đại học Luật, Đại học Huế: Ngày 3/3/2015 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trường Đại học Luật thuộc Đại học Huế trên cơ sở Khoa Luật thuộc Đại học Huế, chính thức trở thành 1 trong 8 trường đại học thành viên của Đại học Huế và đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển giáo dục pháp lý tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

dji_0018.jpeg
Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

Quy mô đào tạo: Trường Đại học Luật, Đại học Huế là đơn vị tiên phong trong phát triển chương trình đào tạo pháp luật tại miền Trung - Tây Nguyên từ đại học, thạc sĩ đến tiến sĩ với các chương trình như tiến sĩ Luật kinh tế, thạc sĩ Luật kinh tế, thạc sĩ Lý luận, lịch sử nhà nước và pháp luật cùng các chương trình đào tạo đại học Luật kinh tế và Luật. Đặc biệt, trường đã cấp bằng đại học cho 7.054 sinh viên, bằng thạc sĩ cho 1.693 học viên, bằng tiến sĩ cho 4 nghiên cứu sinh và đầu năm 2022 triển khai hai chương trình đào tạo song ngữ Việt - Anh cho ngành Luật và Luật kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập.

Phục vụ cộng đồng: Mỗi năm, trường tổ chức khoảng 20 chương trình tuyên truyền pháp luật với những hình thức đa dạng như các Khoa phổ biến văn bản pháp luật mới cho cán bộ, viên chức trong các cơ quan nhà nước hay Khoa Luật Dân sự tạo lập Fanpage tư vấn pháp luật miễn phí trên Facebook. Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên còn tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, trong đó có phiên tòa giả định cho học sinh các trường THPT, đồng bào dân tộc ở khu vực biên giới và người chấp hành án tại các trại giam. Tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện như quán cơm 5000 (do ATM gạo Huế và Trường Đại học Luật, Đại học Huế sáng lập từ tháng 3 năm 2021) dành cho người nghèo và sinh viên khó khăn tại Huế. Ngoài ra, hàng năm tặng quà cho các hộ nghèo, học sinh, sinh viên vùng dân tộc thiểu số và bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện vào dịp đầu năm học mới, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu hoặc trong những hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, đại dịch Covid-19.

2020-xay-dung-500m-duong-dien-anh-sang-lien-thon.jpeg
Xây dựng đường điện ánh sáng liên thôn cho người dân.

Đánh giá chất lượng cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo: Năm 2018, trường đã được Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục chu kỳ 1, tháng 12/2023 tiếp tục nhận chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục chu kỳ 2 từ Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục Thăng Long (Hà Nội). Đặc biệt, tất cả các chương trình đào tạo đại học của trường đều đã được đánh giá ngoài và công nhận đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư 04/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chủ tịch Mạng lưới cơ sở đào tạo luật: Từ năm 2019, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã trở thành thành viên Thường trực Ban Điều hành của Mạng lưới cơ sở đào tạo Luật Việt Nam với vai trò thực hiện thành công nhiệm vụ dẫn dắt và hỗ trợ các cơ sở đào tạo Luật mới, quy mô nhỏ trong việc tuân thủ các quy định của Chính phủ về kiểm soát chất lượng đào tạo cử nhân Luật. Hiện, Trường Đại học Luật, Đại học Huế hiện đang đảm nhận vai trò Chủ tịch Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam nhiệm kỳ 2024 – 2026.

Thành lập tạp chí và tính điểm 0,5: Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn (Hue Journal of Law and Practice) là diễn đàn khoa học của Trường Đại học Luật, Đại học Huế được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động (số 296/GP-BTTTT) vào ngày 6/6/2016 và cấp mã số ISSN 2525-2666 bởi Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia vào năm 2017. Tạp chí đăng tải các bài nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh trong các lĩnh vực pháp luật, khoa học xã hội, kinh tế, quản trị kinh doanh, kỹ thuật và công nghệ, khuyến khích các nghiên cứu sử dụng phương pháp mới và có ảnh hưởng lớn đến các địa phương, Quốc gia và quốc tế. Từ tháng 6/2020, tạp chí được Hội đồng Giáo sư ngành Luật học công nhận trong danh mục tạp chí khoa học có 0,5 điểm và đã thu hút sự cộng tác của nhiều nhà khoa học trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

Số lượng đối tác hợp tác quốc tế: Trong giai đoạn 2015 - 2024, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển chuyên môn. Nhà trường đã phối hợp với các trường đại học và doanh nghiệp tổ chức thành công 9 hội thảo khoa học cấp quốc gia và 5 hội thảo khoa học cấp quốc tế. Đồng thời, đón 17 đoàn chuyên gia quốc tế từ các quốc gia như Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Estonia, Ấn Độ, Đức và nhiều quốc gia khác đến tham gia hội thảo, giảng dạy và trao đổi chuyên môn với cán bộ giảng viên và sinh viên.

2013-2-hoi-thao-quoc-te.jpeg
Trường Đại học Luật, Đại học Huế hội thảo quốc tế.

Quy mô cơ sở vật chất, cảnh quan: Trong 10 năm qua, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp các khu giảng đường D,E, thư viện thông minh, hội trường với gần 1000 chỗ ngồi, khu nhà nón và các khu vực chức năng như phòng học thông minh, phòng diễn án, văn phòng 1 cửa, sân bóng đá nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của sinh viên, giảng viên. Các phòng học, thư viện được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, phục vụ cho các môn học chuyên ngành và các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Số lượng sách xuất bản, đề tài khoa học: Trong giai đoạn 2015 - 2024, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã đạt được những kết quả nổi bật trong công tác nghiên cứu khoa học với 129 đề tài khoa học đã được nghiệm thu và ứng dụng trong công tác quản lý, đóng góp trực tiếp vào việc cải tiến các chính sách và quy định pháp lý, 85 đề tài được xuất bản thành sách và trở thành tài liệu học tập quý giá cho sinh viên, học viên. Đến nay, đã thực hiện 309 đề tài khoa học ở các cấp, công bố 1.231 bài báo trên các tạp chí quốc tế và trong nước, trong đó có 50 bài thuộc danh mục Wos/Scopus và 104 cuốn sách được xuất bản bao gồm giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo và tài liệu học tập.

img_8024.jpeg
Hội nghị khoa học sinh viên Đại học Luật, Đại học Huế.

Giải thưởng khoa học sinh viên, các cuộc thi sinh viên: Trong thời gian qua, đã có 139 đề tài khoa học dành cho người học, trong đó nhiều đề tài nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên được đề cử tham dự Giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên toàn quốc và Đại học Huế, đạt giải thưởng cấp Bộ, cấp Đại học Huế xuyên suốt từ năm 2020 (3 giải), năm 2021 (4 giải), năm 2022 (4 giải), năm 2023 (7 giải) và năm 2024 (4 giải). Sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã xuất sắc giành giải Nhì toàn đoàn trong cuộc thi “Trọng tài thương mại giả định - Due Arbitration Moot 2023” do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng tổ chức, giải đặc biệt (Bên tham gia hòa giải xuất sắc nhất), Huy chương vàng (Bên tham gia hòa giải) và Huy chương đồng (Hòa giải viên) trong cuộc thi “Hoà giải thương mại Việt Nam năm 2023 (V-Med 2023)”, giải Nhì trong cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2023 (SV-STARTUP lần VI) của Đại học Huế.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
10 sự kiện nổi bật trong 10 năm của Trường Đại học Luật, Đại học Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO