10 nhiệm vụ, giải pháp của Hà Nội năm 2024 để “vươn cao bay xa”
Tiếp tục phát huy các kết quả đã được, đồng thời khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Thành phố Hà Nội sẽ thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2024 để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.
Thông tin về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Thành phố Hà Nội tại cuộc họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội chiều ngày 19/1, UBND Thành phố Hà Nội cho biết Thành phố sẽ thực hiện 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024.
Về trọng tâm chỉ đạo điều hành, Thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” với các những nhiệm vụ cụ thể.
Thứ nhất, tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc theo Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy; Hoàn thiện, sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/ UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ hai, hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Thứ ba, công tác chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Thứ tư, Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là các dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, Dự án đầu tư tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
Thứ năm, tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024) thiết thực, ý nghĩa gắn với các phong trào thi đua yêu nước thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị và chủ đề công tác năm 2024 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
Thành phố Hà Nội đặt ra 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện trong năm 2024, cụ thể:
1. Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Triển khai hiệu quả, kịp thời chính sách của Trung ương về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên đủ nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; tăng tỷ trọng các khoản thu mang tính bền vững. Thực hiện hiệu quả các giải pháp kiểm soát giá cả, thị trường.
2. Thực hiện hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng KHCN; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của kinh tế Thủ đô.
3. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức.
4. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PARIndex, SIPAS.
5. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh. Tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; hoàn thành cơ chế quản lý, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, bảo tồn, tôn tạo các di tích; Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô. Tiếp tục xây dựng nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; Chăm lo sức khỏe cho người dân. Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các chính sách trợ giúp xã hội. Mở rộng diện bao phủ và nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
6. Thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh. Phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số làm nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số…
7. Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Khai thác hiệu quả quỹ đất các dự án hạ tầng kỹ thuật và hai bên tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
8. Quản lý chặt chẽ và phát triển hạ tầng đô thị; triển khai thực hiện các quy hoạch được duyệt. Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện,... Tiếp tục đẩy nhanh xây dựng kết cầu hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông và các tuyến đường sắt đô thị.
9. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Thực hiện tốt Luật tiếp công dân, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài, phấn đấu năm 2024 đạt tỷ lệ trên 90%.
10. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội. Xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; kế hoạch diễn tập khu vực phòng thủ. Tập trung đấu tranh với các loại tội phạm về tệ nạn xã hội, kiềm chế gia tăng tội phạm, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, khắc phục các vi phạm, sơ hở về phòng cháy, chữa cháy; xử lý nghiêm các vi phạm; phấn đấu giảm về số vụ và thiệt hại về cháy nổ./.