1 Nỗi lo thiếu dịch đặc trị sốt xuất huyết ngay mùa cao điểm

Theo thanhnien.vn| 23/09/2019 09:50

Từ tháng 9 đến cuối năm là cao điểm của bệnh sốt xuất huyết, nhưng dịch cao phân tử đặc trị loại bệnh này đang cạn kiệt mà vẫn chưa có nguồn cung ổn định, hiệu quả.

Dịch CPT 6% dùng cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết sốc nặng đang rất hạn chế về nguồn cung /// DUY TÍNH
Dịch CPT 6% dùng cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết sốc nặng đang rất hạn chế về nguồn cung
DUY TÍNH
Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy chỉ trong 7 tháng đầu năm, cả nước có trên 100.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) với hơn chục trường hợp tử vong.

Bệnh viện tỉnh đến TP.HCM mượn thuốc

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện các bệnh viện (BV) đang lo lắng dịch cao phân tử (CPT) trọng lượng 200.000 dalton, còn gọi là dung dịch phân tử 6% (HES 200.000 dalton, gọi tắt là dịch CPT 6%) điều trị cho bệnh nhân SXH nặng, sốc bị đứt hàng vì hãng cung cấp sản phẩm (công ty nước ngoài - PV) tuyên bố ngừng sản xuất.
Theo số liệu sử dụng dịch CPT 6%, năm 2018 BV Nhi đồng 1 TP.HCM sử dụng 2.000 chai; BV Nhi đồng 2 sử dụng gần 600 chai; BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM 800 - 1.000 chai. Giá mỗi chai dịch này qua đấu thầu là 137.000 đồng. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng năm 2018, năm 2019 các BV cũng đã dự trù số lượng dịch CPT 6% và lên kế hoạch cho đợt đấu thầu mới. Tuy nhiên, không có đơn vị cung cấp dịch CPT 6% nào dự thầu.
Dược sĩ Huỳnh Phương Thảo, Trưởng khoa Dược BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho hay BV chỉ còn khoảng 50 chai dịch CPT 6%, đủ điều trị cho vài chục bệnh nhân. BV đã lập kế hoạch mua thêm dịch CPT 6% trong đợt đấu thầu mới, nhưng công ty từng cung cấp dịch CPT 6% không tham gia. BV cũng đã có công văn hỏi phía nhà cung cấp nhưng công ty này chưa hồi đáp.
Tương tự, BV Nhi đồng 2 TP.HCM cũng chỉ còn hơn 60 chai dịch CPT 6%. Còn bác sĩ Lê Bích Liên, Phó giám đốc BV Nhi đồng 1, nói: “Chúng tôi đã dự trù đủ dịch CPT 6% cho mùa dịch SXH 2019. Tuy nhiên, hiện BV ở một số tỉnh đã hết loại dịch này nên “mượn” của BV Nhi đồng 1. Nếu BV ở các tỉnh khác tiếp tục “mượn”, chắc chắn sẽ không đủ điều trị cho bệnh nhân tại BV”. Cũng theo bác sĩ Liên, nếu không cho BV các tỉnh mượn dịch CPT 6%, bệnh nhân SXH sốc, nặng cũng sẽ được chuyển lên TP và khi đó bản thân BV cũng sẽ “vỡ trận”. “BV đã có công văn báo cáo Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế”, lãnh đạo BV Nhi đồng 1 cho biết.

Sợ nhất là tình trạng các BV ở TP “nhượng thuốc” cho các BV khác và các BV ở các tỉnh khác chuyển người bệnh SXH bị sốc đến TP.HCM, gây nên tình trạng thiếu thuốc

Đại diện Phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM

Thực tế, tại BV Bệnh nhiệt đới đã có bệnh nhân SXH sốc nặng được chuyển từ Tây Ninh đến, đúng như lo ngại của một số BV. Các BV cũng lo lắng việc công ty sản xuất ngưng sản xuất hoặc Bộ Y tế chưa cấp phép kịp thì phía bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là... người bệnh.

Xoay xở tìm nguồn cung

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh SXH đang tăng mạnh so với những tháng đầu năm và số ca nặng (suy tạng, xuất huyết và sốc) khá nhiều. Hiện BV Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, mỗi nơi có 90 - 130 bệnh nhân SXH phải điều trị nội trú/ngày. Bệnh nhân SXH nặng chiếm 5 - 6%, trong đó tỷ lệ sốc SXH chiếm 70%. Trong số bệnh nhân bị sốc, khoảng 30% tái sốc có chỉ định dùng dịch cao phân tử.
“Bệnh nhân SXH tái sốc sẽ được chỉ định dùng dịch CPT 6%. Nếu không, bệnh nặng khó có thể được cứu chữa”, bác sĩ Trường nói. Cũng theo bác sĩ Trường, nếu không còn dịch CPT 6% thì BV phải xài các loại dịch CPT khác (dextran 40, dextran 70...), nhưng các loại dịch CPT này gây tình trạng rối loạn đông máu, dị ứng... nhiều hơn so với dịch CPT 6%.
Về nguy cơ cạn kiệt dịch CPT 6%, trả lời PV Thanh Niên, đại diện Phòng Nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện hãng cung cấp sản phẩm nước ngoài tuyên bố ngừng sản xuất. Sở đã có văn bản gửi Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) để tìm giải pháp thay thế trong phác đồ điều trị và thuốc liên quan. “Sợ nhất là tình trạng các BV ở TP “nhượng thuốc” cho các BV khác và các BV ở các tỉnh khác chuyển người bệnh SXH bị sốc đến TP.HCM, gây nên tình trạng thiếu thuốc”, vị này nói.
Trong khi đó, theo Cục Quản lý dược, trong phác đồ điều trị SXH (do Bộ Y tế ban hành năm 2011 và cập nhật ngày 22.8.2019), dung dịch CPT được chỉ định điều trị chống sốc trên bệnh nhân SXH nặng. Các dung dịch CPT đã được sử dụng tại VN, gồm: dextran 40, dextran 70 và HES 200.000 dalton. Tất cả các thuốc này đều được sản xuất tại nước ngoài và đã được cấp số đăng ký lưu hành tại VN. Hiện có 6 loại dịch điều trị SXH có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại VN còn hiệu lực; được nhập khẩu theo nhu cầu mà không cần thực hiện việc cấp phép nhập khẩu. Tuy nhiên, do đặc thù thị trường nước ngoài, nhu cầu sử dụng các thuốc này thấp nên nguồn cung rất hạn chế.
Cũng theo Cục Quản lý dược, ngay khi nhận được thông tin về nguy cơ thiếu thuốc, Cục đã có công văn chỉ đạo các cơ sở nhập khẩu, cơ sở kinh doanh liên hệ với nhà sản xuất nước ngoài để tìm nguồn cung ứng thuốc; hướng dẫn các cơ sở lập hồ sơ nhập khẩu trong trường hợp nhà sản xuất không thể cung ứng thuốc có số đăng ký tại VN để Cục xem xét, cấp phép nhập khẩu nhằm đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
1 Nỗi lo thiếu dịch đặc trị sốt xuất huyết ngay mùa cao điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO