Xúc cảm từ “Góc nhỏ Hà Nội”

Gia Phú| 25/08/2017 15:56

7 năm, sau triển lãm cá nhân đầu tiên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Xuân Chính lại tiếp tục “trình làng” công chúng Thủ đô những tác phẩm đã được anh sáng tác trong nhiều năm qua. “Góc nhỏ Hà Nội” diễn ra tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài từ ngày 25 đến ngày 29/8/2017 một lần nữa thể hiện tình yêu với Hà Nội của người nghệ sĩ. Triển lãm còn là sự ghi dấu cho hành trình mà Nguyễn Xuân Chính đã đi qua đồng thời cho thấy một sự khác biệt, một nét duyên riêng của anh.

Xúc cảm từ “Góc nhỏ hà Nội”
Mưa hạ. Ảnh: Nguyễn Xuân Chính

Năm 2004, khi về công tác tại tờ tạp chí của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Nguyễn Xuân Chính đã được Ban biên tập phân công đảm trách chuyên mục “Góc nhỏ Hà Nội”. Cũng từ chuyên mục này, anh có cơ hội để thỏa sức với niềm đam mê nhiếp ảnh và hơn cả đó là cơ hội để tỏ bày tình yêu với Hà Nội – nơi anh sinh ra và lớn lên. 

“Góc nhỏ Hà Nội” trong tác phẩm của Nguyễn Xuân Chính là những khoảnh khắc hết sức dung dị, đời thường về cảnh sắc và con người Hà Nội. Khi là những con đường, góc phố, hàng cây, lúc lại là những làng nghề, mùa hoa hay những vùng ngoại ô thành phố…

Xúc cảm từ “Góc nhỏ hà Nội”
Mùa đông - Hà Nội phố. Ảnh: Nguyễn Xuân Chính

Nguyễn Xuân Chính tâm sự rằng, anh thích những dáng vẻ xưa cũ của Hà Nội, thích sự tĩnh lặng, nhẹ nhàng của phố xá, vẻ yên bình chốn làng quê. Có lẽ vì thế nên những khoảnh khắc mà anh gom nhặt để thu lại trong ống kính của mình đều có chút bâng khuâng, hoài niệm.

30 tác phẩm được giới thiệu với công chúng trong triển lãm lần này chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều những tác phẩm chụp về Hà Nội của Nguyễn Xuân Chính. Ở đó có những khoảnh khắc giao mùa, có cái bâng khuâng giữa những mùa hoa, những màn sương giăng buổi sớm hay tiết trời mưa bụi lây phây… Ở đó có những góc phố trầm mặc, yên bình và thấp thoáng đâu đó là bóng dáng của những thiếu nữ e ấp, dịu dàng, những người lao động tảo tần, sớm khuya nơi phố thị… Từ  “Sắc xuân trên đất Hà thành”, “Hà Nội - mùa thương nhớ”, “Mùa đông - Hà Nội phố”, “Hà Nội phố và cây”, “Mùa qua phố”, “Vào phố”, “Bài ca đồng bãi”… đến “Đi giữa ngày xuân”, “Mùa xuân”, “Mùa thu vàng”, “Chạy trốn mùa đông”, “Mưa hạ” hay “Sen trắng”, “Mùa hoa sữa”, “Cảm xúc tháng ba”, “Mùa rau muống”, “Giếng làng”, “Tuổi thần tiên”… tất cả đều gợi hình ảnh một Hà Nội thật đẹp, thật bình yên và gieo trong lòng người xem những cảm xúc khó quên.

Công chúng thưởng lãm chắc hẳn sẽ có những cảm nhận riêng qua từng bức ảnh. Với Nguyễn Xuân Chính để có được những bức ảnh này, đó là cả một câu chuyện dài với rất nhiều những kỷ niệm. Có khoảnh khắc anh chụp tình cờ như bức “Mùa đông - Hà Nội phố” chụp đêm 29 Tết khi Xuân Chính trên đường từ chợ hoa về qua phố cổ. Không gian tĩnh lặng của Hà Nội phố dẫu chỉ là khoảnh khắc bất chợt đến nhưng nó lại vô cùng quý giá cho thấy vẻ đẹp của Hà Nội trong đêm khuya thanh vắng. Hay như bức “Phố mùa đông” anh chụp ở phố Hàng Gai cũng là khoảnh khắc tình cờ khi lang thang trên phố cổ. Thời khắc mà anh bấm máy ấy có lẽ sẽ thật khó có thể tìm lại giữa một Hà Nội ồn ào, náo nhiệt như bây giờ. Bức ảnh như một sự hoài cổ, gợi cảm giác man mác, bâng khuâng… Bên cạnh những khoảnh khắc tình cờ, thì rất nhiều những khoảnh khắc lại là kết quả của một hành trình dài với sự kiên nhẫn, công phu của người chụp. Như những bức ảnh anh chụp về hoa, cho đến bây giờ Xuân Chính cũng không nhớ nổi đã bao lần anh bấm máy để có ghi được khoảnh khắc ưng ý… Có những khuôn hình mà đến giờ anh thuộc như nằm lòng ấy là hình ảnh của cây gạo đầu làng ở gần chùa Hương, là những hàng cây rụng lá trên phố Phan Đình Phùng, cây lộc vừng, cây hoa gạo bên hồ Gươm hay cây hoa sữa ở phố Quán Thánh, cây phượng ở công viên Thống Nhất…

Xúc cảm từ “Góc nhỏ hà Nội”
Đi chợ sớm. Ảnh: Nguyễn Xuân Chính

Triển lãm “Góc nhỏ Hà Nội” lần thứ 2 là sự tiếp nối của “Góc nhỏ Hà Nội” đã được Xuân Chính tổ chức năm 2010. Vẫn là những góc nhỏ thân quen của Hà Nội, vẫn là những khoảnh khắc trong 4 mùa xuân: Xuân - Hạ - Thu - Đông, vẫn là hoa lá, có cây, là thiên nhiên, con người… nhưng người xem sẽ thấy một Xuân Chính với dấu ấn và sự khác biệt riêng. Một Xuân Chính luôn ăm ắp cảm xúc sáng tạo và tình yêu với Hà Nội nhưng cũng đã trưởng thành, chững chạc hơn rất nhiều trong nghề. Anh tâm sự: “Tôi hy vọng, mỗi bức ảnh sẽ mang tới cho công chúng một góc nhỏ về Hà Nội, và qua nhiều góc nhỏ ấy sẽ thấy được một Hà Nội rộng hơn, một Hà Nội luôn tươi mới từ những điều tưởng như xưa cũ...”  
(0) Bình luận
  • Triển lãm “Kể - thiết kế trẻ trong lòng di sản” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
    Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội vừa tổ chức khai mạc triển lãm “Kể - thiết kế trẻ trong lòng di sản” tại khu vực Thái học thuộc Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (phường Văn Miếu, quận Đống Đa, TP. Hà Nội).
  • Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”.
  • Trao 80 di ảnh phục dựng chân dung Anh hùng liệt sĩ tại tỉnh Ninh Bình
    Trong không khí trang nghiêm và xúc động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2025); vừa qua, Hội Cựu Công an Nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình, phối hợp với “Trái tim người lính Việt Nam,” đã tổ chức Lễ trao Di ảnh Anh hùng - Liệt sĩ CAND và Anh hùng – Liệt sĩ có thân nhân là Công an tỉnh Ninh Bình, như một hành động thiết thực thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã hi sinh vì Tổ quốc.
  • Trưng bày “Gan vàng dạ sắt”: Thế hệ trẻ thêm vững bước trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc
    Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (TP. Hà Nội) tổ chức trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”. Đây là sự kiện không chỉ gợi nhắc ký ức hào hùng mà còn lan tỏa niềm tự hào, khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay.
  • Triển lãm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và truyền thống khoa bảng Hải Phòng
    Triển lãm được chắt lọc từ hàng trăm tư liệu nhằm tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một trong những di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội, biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt, đồng thời tôn vinh truyền thống hiếu học cũng như danh nhân văn hóa Hải Phòng.
  • Tổ chức triển lãm tranh cổ động cỡ lớn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
    Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy vừa cho biết, cuộc triển lãm tranh cổ động cỡ lớn tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) sẽ được tổ chức vào tháng 12/2024, dự kiến giới thiệu 150 đến 200 tác phẩm đến công chúng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Xúc cảm từ “Góc nhỏ Hà Nội”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO