Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam: Nâng vị thế, tăng giá trị

Đỗ Minh/HNM| 24/12/2018 09:31

Thời gian qua, cùng những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng, giá trị, gạo Việt Nam đã trở thành một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu mũi nhọn. Đặc biệt, mới đây, Bộ NN&PTNT tổ chức công bố logo thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam - đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, khẳng định thương hiệu và vị thế của hạt gạo nước ta trên thị trường thế giới.

Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam: Nâng vị thế, tăng giá trị
Doanh nghiệp tăng tỷ trọng xuất khẩu gạo chất lượng cao, giá trị lớn.

Khởi động trên chặng đường lớn

2018 được coi là năm thành công đối với xuất khẩu gạo Việt Nam. Theo Bộ NN&PTNT, dự kiến năm nay, xuất khẩu gạo cả nước đạt khoảng 6,15 triệu tấn với kim ngạch gần 3,2 tỷ USD, tăng 6% về lượng nhưng tăng tới 20% về trị giá so với năm trước. Đây là điểm sáng khi giá gạo Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Thái Lan sau nhiều năm “lép vế” trên thị trường thế giới. 

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, thành công này xuất phát từ sự chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất và xuất khẩu lúa gạo. Trong sản xuất, nông dân, doanh nghiệp đã đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật và các giống lúa chất lượng cao vào trồng. Vấn đề kho chứa, hệ thống sấy, bảo quản... cũng được đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng gạo. Về xuất khẩu, các doanh nghiệp đã giảm dần số lượng, tập trung vào mặt hàng gạo chất lượng cao thay vì gạo cấp thấp như trước kia. Ngoài ra, các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm mở rộng thị trường, quảng bá, xúc tiến tới nhiều thị trường tiềm năng...

Cùng với đó, mới đây, tại tỉnh Long An, trong khuôn khổ Festival Lúa - Gạo Việt Nam lần thứ III, Bộ NN&PTNT đã công bố logo thương hiệu gạo Việt Nam. “Logo do họa sĩ Nguyễn Nghiêm sáng tác với hình ảnh bông lúa cách điệu, mang biểu tượng chim Lạc Việt nằm trên nền xanh hình elip tượng trưng cho hạt gạo. Đây là logo chiến thắng trong cuộc thi vẽ logo thương hiệu gạo Việt Nam quy tụ hơn 500 tác phẩm trong và ngoài nước tham dự. Hiện logo đang tiếp tục được đăng ký quyền bảo hộ trên thế giới”, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, năm 2018, giá gạo Việt từng có lúc cao hơn gạo Thái Lan cho thấy gạo nước ta đã chạm đến giá trị thực. Nông dân và doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm gạo ngon, đủ sức cạnh tranh với những nước xuất khẩu lớn. 

Đặc biệt, với việc hoàn thiện các thủ tục đăng ký quyền bảo hộ trên thế giới cho logo thương hiệu gạo Việt Nam, các hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo trong nước có thể vững tin tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo đến những thị trường tiềm năng, đưa ngành lúa gạo Việt Nam tiến trên chặng đường mới với dự báo thành công lớn.

Nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định: Lúa gạo là một trong những mặt hàng chiến lược trong xuất khẩu nông sản Việt Nam. Để phát huy vai trò, những năm qua, các tỉnh, thành phố trồng lúa trọng điểm trên cả nước đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng; phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, chất lượng cao; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa gạo một cách toàn diện. 

"Tái cơ cấu lúa gạo cần bám sát mục tiêu, kế hoạch mà chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3-7-2017", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Theo đó, trong giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm dần xuất khẩu gạo về số lượng nhưng tăng giá trị xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng bền vững. Tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ không vượt quá 20% (đến năm 2020) và 10% (đến năm 2030) trong tổng lượng gạo xuất khẩu. Tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp mang thương hiệu gạo Việt Nam phấn đấu đạt 20% (đến năm 2020) và 50% (đến năm 2030) trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu.

Về thị trường xuất khẩu, sẽ khai thác hiệu quả nhu cầu nhập khẩu gạo thông dụng của các thị trường trọng điểm, truyền thống; chú trọng phát triển các thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo có chất lượng, giá trị cao và các sản phẩm chế biến từ thóc, gạo; các thị trường có quan hệ đối tác bền vững về thương mại và đầu tư. Ngoài ra, từng bước giảm tỷ trọng thị trường nhập khẩu gạo hiệu quả thấp, không ổn định và cần tận dụng tốt các thị trường ngách phù hợp...

Để hoàn thành mục tiêu, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tham tán thương mại tại nước ngoài đẩy mạnh quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam; đồng thời tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp trong phát triển, mở rộng thị trường. Về phía các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cũng đang đề nghị Nhà nước và các bộ, ngành cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể về vốn, quỹ đất, công nghệ, các hợp đồng thương mại quốc tế; đặc biệt là sự hỗ trợ thông tin từ các thị trường nhập khẩu về yêu cầu, tiêu chuẩn, số lượng gạo... Vì thực tế cho thấy, ngoài nâng cao chất lượng, xây dựng và phát huy thương hiệu thì việc sản xuất theo nhu cầu thị trường được coi là giải pháp mang tính bền vững cho ngành lúa gạo Việt Nam.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam: Nâng vị thế, tăng giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO