Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là khâu quan trọng trong 4 khâu của công tác cán bộ, trong đó, đánh giá cán bộ là tiền đề, quy hoạch cán bộ là nền tảng, luân chuyển cán bộ là khâu đột phá, đào tạo bồi dưỡng cán bộ vừa là yêu cầu trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài, nên phải thực hiện thường xuyên. Vì vậy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn quan tâm sâu sát, chỉ đạo trực tiếp công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và những vấn đề lý luận có liên quan.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới, thực sự tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng trường chính trị trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, thành phố, trong thời gian tới đòi hỏi phải phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trung ương được nêu trong Quy định số 09-Qđi/TƯ; vai trò của các tỉnh ủy, thành ủy và sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giảng viên các trường.
Bên cạnh việc tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cần tiếp tục đổi mới toàn diện công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, phải từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu; xây dựng môi trường giáo dục tại các trường chính trị theo hướng: giáo dục kỷ cương, thân thiện, giàu tính Đảng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Xuân Thắng quán triệt các nội dung tại Quy định số 09-Qđi/TƯ. Đại diện các tỉnh, thành phố cũng tham gia đóng góp nhiều ý kiến nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời gian tới.