Từ “Gia đình văn hóa”
Xác định xây dựng gia đình văn hóa có vị trí quan trọng trong xây dựng làng văn hóa, các địa phương đã đề ra kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện phong trào. Các chỉ tiêu phấn đấu được đưa vào Nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngay cách phát động bà con đăng ký xây dựng gia đình văn hóa cũng được tiến hành bằng hai hình thức (đăng ký tại các thôn và tại gia đình) nên đã hướng phong trào đi vào chiều sâu và có giá trị giáo dục cao. Việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa được vận dụng sáng tạo, khai thác khả năng chỉ đạo, lãnh đạo của các Bí thư Chi bộ, cụm trưởng, đại diện Ban công tác Mặt trận, tổ trưởng dân phố, chi hội trưởng phụ nữ, người cao tuổi, cựu chiến binh, thanh niên...
Điều đáng nói là trong hành trình đến danh hiệu “Gia đình văn hóa” tại các xã vùng DTTS, ngoài những tiêu chuẩn mà Ban chỉ đạo quy định, các gia đình còn thực hiện và đạt được các quy ước của làng. Đây là một việc làm vừa kế thừa có chọn lọc truyền thống dựa trên những điều khoản của hương ước cổ để lại, vừa tuân theo những tiêu chí mới hiện nay.
Đặc biệt, việc tuyên truyền bỏ các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin, công tác kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ ba được xem là những tiêu chuẩn quan trọng để bình xét. Đồng bào tích cực hưởng ứng phong trào “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, xây dựng lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”, nhất trí khắc phục những mặt còn hạn chế trong giao tiếp, ứng xử với cộng đồng của một bộ phận cư dân.
Không thể phủ nhận, phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã khiến bà con nâng cao nhận thức, ý thức gương mẫu, tự giác trong thực hiện nếp sống văn minh. Số hộ đồng bào DTTS ở 14 xã miền núi đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” lên tới hơn 93%.
Điển hình trong số đó là gia đình bà Triệu Thị Thanh (dân tộc Dao) ở thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Cả gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và nông thôn mới. Là Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì, bà Thanh còn có nhiều đóng góp thiết thực khích lệ, động viên người nghèo trong thôn vươn lên phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, gia đình tạo việc làm tại chỗ cho trên 10 công nhân với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng/người.
Hay gia đình anh Bùi Văn Đạt (dân tộc Mường) ở thôn Đồng Vàng, xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai, luôn gương mẫu, tích cực đóng góp ủng hộ và tham gia các phong trào ở địa phương, đã hiến 200m đất ruộng để phục vụ xây dựng giao thông thủy lợi nội đồng. Cá nhân anh Đạt được UBND xã Phú Mãn tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động công tác an ninh trật tự, gia đình thì nhiều năm liên tục được công nhận “Gia đình văn hóa”, năm 2020 được biểu dương “Gia đình văn hóa” tiêu biểu 5 năm giai đoạn 2016 - 2020...
Rồi gia đình ông Bạch Ngọc Đức (dân tộc Mường) ở thôn Rộc Éo, xã An Phú, huyện Mỹ Đức) - một gia đình văn hóa tiêu biểu, không chỉ gương mẫu trong các hoạt động của địa phương, mà còn tích cực trong công tác khuyến học ở dòng họ, xóm, xã; Gia đình ông Ngô Văn Trung (dân tộc Mường) ở thôn 2, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất luôn ý thức trong gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tích cực thi đua lao động, sản xuất để xây dựng thôn bản văn minh...
Đến “Làng văn hóa”
Văn hóa bén rễ từ trong các nếp nhà rồi lan tỏa trong tình đoàn kết cộng đồng thôn bản để hướng tới đời sống văn minh. Chính vì thế, ngoài chỉ đạo các địa phương triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Thành phố còn vận động các quận nội thành hỗ trợ các huyện có các xã vùng DTTS xây dựng 46 nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí 92 tỷ đồng. Bản thân các huyện có các xã DTTS, để đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, đã hỗ trợ kinh phí tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống. Như ông Nguyễn Phúc Hải, Phó Trưởng ban Dân tộc Thành phố Hà Nội cho biết: “Từ thực tế địa phương, Thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Trong đó, chú trọng mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào, chọn đơn vị làm điểm để chỉ đạo phong trào từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng”.
Điểm nhấn hiệu quả và giàu bản sắc trong hành trình xây dựng làng văn hóa chính là việc các huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Huyện Mỹ Đức qua Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa DTTS xã An Phú giai đoạn 2016 - 2020”, đã khôi phục được 04 đội cồng chiêng, mua sắm 04 bộ cồng chiêng và 60 bộ trang phục truyền thống dân tộc Mường, tổ chức 02 lớp tập huấn, dạy kỹ thuật đánh cồng chiêng.
Huyện Quốc Oai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường” bằng chuyên mục Văn hóa cồng chiêng Mường, các lớp tập huấn, các buổi ngoại khóa chuyên đề cho học sinh các trường THCS tại các xã vùng dân tộc của huyện, tham gia diễu hành và đồng diễn cồng chiêng, múa sạp tại Đại hội thể dục thể thao của huyện. Huyện Ba Vì với Đề án “Bảo tồn khôi phục và phát triển bản sắc văn hóa DTTS giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020” đã thành lập được đội bảo tồn văn hóa các DTTS tại 7 xã DTTS, thường xuyên tổ chức tập luyện sưu tầm các bài diễn tấu cồng chiêng Mường, các làn điệu dân ca Mường và Múa Chuông, lễ cấp sắc của người Dao, trang bị thêm cồng chiêng cho các thôn. Riêng xã Minh Quang đã tổ chức 2 hội thi “Nói tiếng dân tộc Mường” và 3 hội thi “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường”.
Xây dựng làng văn hóa như một nhu cầu tự thân trong những năm qua phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các xã còn hướng dẫn các làng bản xây dựng Quy ước làng văn hóa. Đến nay hầu hết các thôn bản đều có quy ước để thực hiện. Qua thực hiện quy ước, ý thức chấp hành luật pháp, thực hiện nếp sống văn minh, tình làng nghĩa xóm, nỗ lực giữ gìn thuần phong mỹ tục trong cộng đồng dân cư ngày càng lớn mạnh, bền chặt... Năm 2021, có 112/119 thôn, làng vùng DTTS đạt tiêu chí “Làng văn hóa”.
Đóng góp của đồng bào DTTS trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa đúng là một động lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và lao động, tập trung nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, chăm lo phát triển văn hóa - xã hội trên địa bàn, xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.
Bà Hoàng Thị Hạnh - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc:
“Bộ mặt nông thôn miền núi Thủ đô đã có sự phát triển đồng bộ rõ rệt nhờ hiệu quả của các chính sách thiết thực chăm lo cho đồng bào DTTS của Thành phố Hà Nội. Thời gian tới, thành phố cần phát huy hơn nữa vai trò của các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu. Còn các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu cần coi kết quả đạt được chỉ là bước đầu để tiếp tục vươn lên, qua đó góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh”.