Khảo sát thực tế tại khu vực cầu phao Lương Phúc nối liền địa giới xã Việt Long (huyện Sóc Sơn) với xã Tam Giang (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận, đường dẫn xuống cầu phao chỉ vài chục mét, dốc và hẹp, lối lên cầu được ghép bằng những mảnh sắt, “phao” để làm nổi cầu là những chiếc thuyền sắt. Từ 16h30 hằng ngày trở đi, lượng người, xe qua lại cầu phao nhiều, có cả ô tô. Giá vé xe máy 5.000 đồng/lượt, ô tô 20.000 đồng/lượt…
Chị Nguyễn Thị Thu ở thôn Tiên Tảo (xã Việt Long) cho biết, chị và nhiều lao động trong xã làm việc tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh. Mỗi tháng đi làm bằng xe máy qua cầu phao Lương Phúc phải bỏ ra 200.000 đồng/người để mua vé. “Khổ nhất là khi mùa nước dâng cao, không đi qua cầu được, chúng tôi buộc phải đi đường vòng dài tới hơn chục ki lô mét”, chị Nguyễn Thị Thu chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đức Minh, Bí thư Chi bộ thôn Lương Phúc, do còn đất canh tác nên người dân trong thôn buộc phải qua sông để làm ruộng. Hiện nay, nhu cầu đi lại và giao thương ngày càng phát triển nên người dân thôn Lương Phúc nói riêng, xã Việt Long và các xã lân cận nói chung đều mong muốn sớm có cầu mới để thuận tiện, an toàn khi qua sông.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Long Nguyễn Văn Quả cho biết, cầu phao Lương Phúc bắc qua sông Cà Lồ được xã ký hợp đồng cho một hộ dân xây dựng từ năm 2013. Phía bên kia sông, xã còn hơn 20ha đất canh tác. Toàn xã có hơn 1.000 lao động. Ngoài ra, còn cả những lao động ở các xã lân cận đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh và tỉnh Bắc Ninh, hằng ngày đều phải đi qua cầu phao. “Vào mùa lũ, nước sông lên cao, ngập đường dẫn xuống cầu ở hai bên bờ sông, cầu phao không đáp ứng được nên người dân buộc phải đi bằng đò ngang sang sông. Nhưng đò chở người chỉ đáp ứng cho lao động sản xuất nông nghiệp, đi chợ buôn bán và một số công nhân đi làm gần. Lao động làm việc xa từ 5 đến 7km, sẽ phải đi đường vòng qua cầu Đò Lo, xã Kim Lũ (huyện Sóc Sơn), tuyến đường kéo dài khoảng 15-16km, rất bất tiện và mất nhiều thời gian”, ông Nguyễn Văn Quả nói.
Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn Nguyễn Xuân Thắng, trước nhu cầu cấp bách của người dân, tháng 11-2020, UBND huyện Sóc Sơn đã đề nghị các sở, ngành chức năng kiểm tra thực tế, thống nhất phương án và báo cáo, đề xuất với UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ huyện Sóc Sơn nguồn kinh phí để xây dựng cầu Lương Phúc. Sở Giao thông - Vận tải đã khảo sát và ghi nhận, cầu phao Lương Phúc đã xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông, đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa bão. Đây cũng là cây cầu có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông liên tỉnh giữa các xã phía Đông của huyện Sóc Sơn với huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh), hằng ngày có mật độ giao thông cao… Do đó, trên cơ sở thống nhất liên ngành sau khi khảo sát thực tế, Sở Giao thông - Vận tải đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội giao UBND huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư và triển khai lập đề xuất chủ trương đầu tư cầu Lương Phúc để thay thế kịp thời cầu phao cũ đã hư hỏng, xuống cấp… Về phương án xây dựng cầu mới, liên ngành Sở Giao thông - Vận tải, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất cầu mới dài 120m, rộng 9m, đường dẫn cầu dài 400m, rộng 9m và có tổng mức đầu tư ước tính hơn 72 tỷ đồng.
Như vậy, việc xây cây cầu mới cho người dân nơi đây đã được lên kế hoạch. Mong rằng các cơ quan, ban, ngành chức năng của thành phố quan tâm, thúc đẩy dự án sớm được triển khai nhằm tạo thuận lợi, an toàn cho người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.