Trước vấn nạn trẻ em bị xâm hại ngày một tăng, nhiều chuyên gia cho rằng công tác giáo dục giới tính ở học đường còn chưa hiệu quả, còn bị xem nhẹ. Thực tế này đã đem lại biết bao hệ lụy đau lòng cho trẻ.
Trẻ nhỏ cần được quan tâm giáo dục về giới tính.
Dù rằng, từ lớp 4, lớp 5 của bậc tiểu học, học sinh phổ thông bắt đầu được học những bài học đầu tiên về giáo dục giới tính được tích hợp trong bộ môn khoa học ở tiểu học. Thế nhưng, theo kết quả nghiên cứu về nhận thức, kỹ năng về đời sống tình dục năm 2009 của Viện nghiên cứu phát triển xã hội. Hầu hết những người được điều tra ở dưới độ tuổi 14 không có bất cứ kiến thức gì về vấn đề này. Kết quả này đã phản ánh một thực tế đáng buồn về sự kém hiệu quả từ mỗi bài học về giới tính trong học đường. Vậy nguyên nhân do đâu?
Theo các giáo viên tiểu học, việc giáo dục giới tính ở bậc học này mới chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Cũng bởi lẽ, các tiết giáo dục giới tính đều do giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm. Tuy nhiên, do phải đứng lớp toàn thời gian và giảng dạy rất nhiều môn nên giáo viên không có thời gian đầu tư vào bài giảng. Những tiết học này thường được xem là phụ, giáo viên chỉ dạy lướt qua, giới thiệu đề mục là chính. Đôi khi có học sinh quan tâm đặt câu hỏi thắc mắc song bị bạn bè chế nhạo còn giáo viên lại tỏ ra lúng túng, ngại ngần giải thích. Từ đó, học sinh bối rối, không muốn chia sẻ, giãi bày.
Còn ở các bậc học cao hơn, nội dung giáo dục này có thời lượng nhiều hơn, song cũng ít được học sinh quan tâm. Phần vì bài giảng khô khan, không hấp dẫn; phần vì tâm lý chung của giáo viên cũng không thật sự cởi mở lắng nghe những chia sẻ, ý kiến của học sinh. Khoảng cách giữa người học và người dạy còn quá lớn.
Không riêng gì ở nhà trường mà việc giáo dục giới tính ở gia đình cũng còn bị xem nhẹ. Nếu như ở các nước phương Tây, vấn đề này luôn là chủ đề được các ông bố, bà mẹ trao đổi rất cởi mở với con cái thì ở Việt Nam đây được xem là vấn đề cấm kỵ, chuyện của người lớn. Khi con cái hỏi, các ông bố, bà mẹ thường lảng tránh thậm chí bịa đặt thành những câu chuyện đẩu đâu... Mà với con trẻ, người lớn thường nói đúng nên chúng tin vào những điều đó và hồn nhiên lớn lên mà không hề có kiến thức gì về giới tính cũng như không hề có kỹ năng gì để tự bảo vệ mình trước những nguy cơ xâm hại...
Nói về thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều năm trôi qua nhưng chương trình giáo dục giới tính vẫn bị xem nhẹ trong giáo dục học đường. Theo luật sư Lê Thế Truyền, thường thì, các trường học quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục học sinh các chuyên đề về an toàn giao thông, thậm chí nghe thuyết giảng về… phòng chống tham nhũng chứ không quan tâm nhiều đến việc giáo dục những vấn đề liên quan đến giáo dục giới tính. “Đúng ra, từ lớp 1 đến lớp 5, các em cần được dạy về quyền nhân thân, quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền bất khả xâm phạm thân thể người khác. Điều này ngày càng cần thiết khi đối tượng xâm hại ngày càng gần gũi với nạn nhân. Không thiếu cách thức để đưa các điều này vào phạm vi trường học” – luật sư Lê Thế Truyền nhấn mạnh.
Tại một hội thảo gần đây về vấn đề này, bà Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) chia sẻ rằng, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đã rất nhiều lần khuyến nghị với Bộ Giáo dục & đào tạo về việc đưa các chương trình giáo dục giới tính vào giảng dạy, nhưng cho đến nay, câu chuyện ấy vẫn đang còn bị gác lại ở đâu đó. Ngay trong nhà trường, vấn đề này cũng đã bị né tránh. Theo bà Khuất Thu Hồng, dường như chủ đề này đến giờ vẫn bị coi là chủ đề cấm kỵ nên trẻ em không được trang bị kỹ năng để tự bảo vệ mình. Cha mẹ không có kỹ năng, thành ra cũng không có biện pháp hay cách thức nào để truyền đạt lại cho con cái. Vì thế, không chỉ có người dân, mà ngay cả các cơ quan chức năng cũng bị thấm nhuần nền giáo dục và các tư tưởng văn hóa từ khi còn nhỏ, nên khi sống trong một cộng đồng với những khuôn phép và rào cản, rất khó để họ vượt qua những định kiến xã hội. Nếu không vượt qua những rào cản này, không biết tự trang bị cho bản thân mình và con em mình các kiến thức cần thiết thì chẳng ai biết được đâu là giới hạn của những vụ việc đau lòng đến vậy. “Tôi cho rằng, đây là một trong những sự vô tâm của người lớn mà trẻ con là người phải trả giá” – Bà Khuất Thu Hồng nói.
Bài cuối: Cần cả xã hội cùng vào cuộc