Xã hội hoá phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

Thành Văn| 20/08/2017 21:03

Chiến tranh kết thúc trên 40 năm nhưng 49 người con của xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, 74 người trở về không còn lành lặn, trong đó có 59 thương binh, 15 bệnh binh và quân nhân mắc bệnh nghề nghiệp.

Để bù đắp lại những đau thương, mất mát mà các gia đình thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ phải gánh chịu, Xuân Lĩnh đã luôn nỗ lực thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa".

Hiện tại, xã vẫn đang quản lý và chi trả chế độ cho 74 đối tượng là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và 18 đối tượng  xã hội tàn tật, nhiễm chất độc Da cam, cô đơn có đời sống khó khăn.


Ngoài việc thực hiện chi trả theo chế độ chính sách, Ban chỉ đạo chăm sóc người có công thường xuyên tham mưu với cấp uỷ, chính quyền xã và phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể thực hiện công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận từ cấp xã đến thôn xóm và đến từng hộ gia đình cho một phong trào tình nghĩa.

Thời gian qua, các ngành, văn phòng tỉnh ủy đã tổ chức giúp đỡ các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình hộ nghèo, tổng trị giá trên 100 triệu đồng. Các đoàn thể và nhân dân ở các thôn, xóm đã tổ chức sửa nhà cho bà Lê Thị Lục, thôn một có hoàn cảnh khó khăn trị giá gần 30 triệu đồng.


Hàng năm, xã thực hiện đều đặn cuộc vận động xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", và quỹ "nạn nhân chất độc hoá học". trên 10 triệu đồng.


Vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 hay dịp lễ tết xã đều tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình đối tượng, trị giá trên 7 triệu đồng/năm. Ngoài ra, khi các đối tượng qua đời Đảng uỷ, UBND xã các đoàn thể đều đến thăm hỏi động viên kịp thời. Được sự quan tâm, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể và bà con lối xóm các đối tượng thương, bệnh binh và thân nhân liệt sỹ đã vơi dần những đau thương mất mát gắng sức dựng xây cuộc  sống mới.


Anh Trần Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Lĩnh khẳng định: Hiện tại các đối tượng chính sách, các gia đình có công với cách mạng đều đã có mức sống trung bình, có hộ còn khá giả so với mức sống của người dân trong xã. Kết quả đó có được là nhờ sự nỗ lực của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, đối tượng và cũng có một phần đóng góp không nhỏ của cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong xã.


Nêu cao ý thức, trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi người dân trong việc chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng thương - bệnh binh, gia đình liệt sỹ, có công với cách mạng, Xuân Lĩnh đã được biết đến như một trong những điểm sáng về phong trào "Đền ơn đáp nghĩa".
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Xã hội hoá phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO