Việt Nam kiên định thực hiện “mục tiêu kép” phòng, chống dịch bệnh đi đôi với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ gặp phải không ít khó khăn để đạt được mục tiêu này.
Giữ vững trận địa phòng, chống dịch
Đại dịch Covid-19 xuất hiện trên phạm vi cả nước, đã tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vì thế, để đạt được kết quả tăng trưởng, dịch Covid-19 tại Việt Nam và các nước phải được khống chế tốt, giao thương giữa các quốc gia khôi phục bình thường. Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi khá nhanh thì cuối tháng 1/2021 dịch bệnh bùng phát trở lại ở một số tỉnh, thành khiến nhiều DN phải “gồng mình” thực hiện hai nhiệm vụ lớn cùng lúc. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là phòng, chống dịch, vì có phòng, chống dịch tốt mới đảm bảo được sản xuất, kinh doanh.
Nhân viên y tế Hà Nội làm nhiệm vụ tại ổ dịch thôn Bạch Trữ, huyện Mê Linh, Hà Nội đầu tháng 2/2021. Ảnh: Phạm Hùng |
|
Trong bối cảnh hiện tại, Bộ KH&ĐT cũng đã đưa ra một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong những tháng đầu năm 2021. Theo đó, nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung mọi nguồn lực, về tài chính, máy móc, trang thiết bị, vật tư... để kiểm soát dịch. Cần khống chế dịch không để lây lan rộng, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý Nhân dân. Về biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm.
Những giải pháp phát triển kinh tế
Theo các chuyên gia, Chính phủ cần tiếp tục chú trọng các nhóm giải pháp, bao gồm: Phòng, chống dịch bệnh (như đã nói ở trên là cơ sở, nền tảng để phát triển kinh tế); kích thích xuất khẩu và tiêu dùng nội địa và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công. Theo TS. Võ Trí Thành, năm 2020 kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Xuất siêu kỷ lục trên 19 tỷ USD. Trong năm qua vẫn có 31 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 5 mặt hàng trên 10 tỷ USD và 1 mặt hàng trên 60 tỷ USD. Số liệu được Bộ Công Thương cập nhật cũng cho thấy, tính từ ngày EVFTA có hiệu lực đến ngày 18/12/2020, các tổ chức đã ủy quyền cấp gần 62.500 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỷ USD. Các mặt hàng đã được cấp C/O chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa, hàng dệt may… Điều này cho thấy hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi hiệp định được thực thi là rất tốt. Với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên đạt mức tăng trưởng tích cực. TS. Thành nhận định các FTA thế hệ mới cùng các FTA cũ là những nền tảng rất vững chắc để Việt Nam vượt qua tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.
Cùng với đó, tiêu dùng nội địa cũng được dự báo phục hồi từ năm 2021 cũng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam. Thị trường nội địa không chỉ là giải pháp giúp DN đứng vững trong khó khăn sau dịch Covid-19, mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giành được lòng tin từ các “thượng đế”, nắm được lợi thế cạnh tranh với các mặt hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này cần cơ quan quản lý đưa ra các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ DN mở rộng hệ thống phân phối, điều chỉnh mô hình kinh doanh trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) Phạm Xuân Hòe cho rằng, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nhất định đến tài chính tiêu dùng nước ta, song dư địa tăng trưởng của thị trường còn rất lớn. Tại nhiều quốc gia, dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm tới 40%. Như vậy, dư địa để phát triển tín dụng tiêu dùng ở nước ta vẫn còn khoảng 1,5 - 2 triệu tỷ đồng và còn tăng theo mức tăng của tổng tín dụng nền kinh tế. Còn PGS TS. Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, năm 2020, đầu tư công đã đạt được nhiều kết quả tích cực hơn so với trước. Chính vì vậy, đầu tư công tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng năm 2021.
Báo cáo của Chính phủ, tổng số vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 dự kiến là 477.300 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm 2020. “Thủ tướng Chính phủ vừa qua có rất nhiều chỉ đạo về giải ngân đầu tư công, đây là động thái đúng hướng và rất tốt. Nên đẩy nhanh các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và bố trí sẵn vốn thực hiện. Cùng với đó là cơ chế giám sát và kiểm tra" - ông Long lưu ý.
Các chuyên gia cũng kiến nghị đẩy mạnh thu hút thêm nguồn lực khu vực tư nhân (DN trong nước và khu vực FDI). Tăng cường sự liên kết với các DN trong nước, thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ cho các DN Việt Nam để phát triển tạo dựng hệ sinh thái DN hiệu quả, bền vững.
Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân
Để đối phó với dịch Covid-19 và thực hiện "mục tiêu kép", báo cáo cập nhật đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra mới đây cũng khuyến nghị: Cần tập trung đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ người dân và DN nhằm khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, bảo đảm sản xuất và an sinh xã hội. Trong đó, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu các giải pháp về tài khóa như miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí và cân đối thu chi ngân sách nhà nước.
Nghiên cứu các chính sách nhằm giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, người dân tiếp cận các nguồn tín dụng, tập trung các giải pháp về an sinh xã hội, lao động, việc làm... Trường hợp cần thiết, bổ sung một số chính sách cần thực hiện trong cả năm 2021 để hỗ trợ trực tiếp các đối tượng, các vùng mới bị ảnh hưởng của dịch để duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Dù ảnh hưởng của đợt dịch bệnh Covid-19 lần này chưa rõ rệt, nhưng các DN khá lo lắng. Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Rohm and Hass Việt Nam Nguyễn Hoài Sơn chia sẻ, dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát trở lại, DN buộc phải tăng cường công tác phòng dịch để duy trì sản xuất, xuất khẩu. Bên cạnh việc chuyển mô hình kinh doanh trực tiếp sang online, cùng với đó là xác định lại đối tượng khách hàng và cơ cấu sản phẩm phù hợp với từng thị trường.
Tổng Giám đốc một Công ty CP May tại Hưng Yên cho biết: “Công ty đã nhận được đơn hàng đến tháng 4/2021, nhưng tình hình sản xuất, xuất khẩu vẫn khó khăn. Cả DN lẫn khách hàng đều lo lắng tình hình dịch Covid-19 diễn biến xấu, nếu không khống chế tốt dịch bệnh thì có thể nhiều đơn hàng sẽ bị kéo dài hạn”. Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho hay, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, DN hết xoay xở với nỗi lo nguyên liệu đầu vào lại phải giải quyết vấn đề đầu ra, để đảm bảo phát triển của công ty và thu nhập người lao động.
"Việt Nam cần có cơ chế, giải pháp chính sách mạnh mẽ thúc đẩy 3 không gian kinh tế gồm: Kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập và kinh tế số; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng; Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất hơn nữa về môi trường đầu tư kinh doanh, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng." - Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam Jacques Morisset
"Cần rà soát, đánh giá lại một cách độc lập về hiệu quả thực thi của các chính sách hỗ trợ, cũng như tham vấn ý kiến của đối tượng bị tác động để đảm bảo tính khả thi của chính sách được ban hành: Tăng cường nỗ lực hợp tác giữa cơ quan Chính phủ và cộng đồng DN trong cả việc định hình các chính sách và tổ chức thực thi chính sách." - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc |