Mặt khác, trong 9 tháng đầu năm 2017 đã có hơn 3.700 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,2 tỷ USD. Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí thu hút FDI lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 5,4 tỷ USD, chiếm 36,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5,3 tỷ USD, chiếm 36,5%; các ngành còn lại đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 26,7%.
Trong số các địa phương có dự án FDI được cấp phép mới, Thanh Hóa có số vốn đăng ký lớn nhất với 3,14 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nam Định 2,1 tỷ USD; Kiên Giang 1,3 tỷ USD; Bình Dương 1,1 tỷ USD...
Hiện nay, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 4,9 tỷ USD, chiếm 33,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, con số FDI đạt mức kỷ lục có thể coi là điểm sáng của nền kinh tế. Trong các phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục thực hiện những cải cách cần thiết nhằm đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Có thể nói, với kỷ lục mới trong thu hút FDI, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh đã đạt được kết quả tích cực. Đồng thời, Việt Nam đã tham gia vào hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương cũng đã làm tăng thêm sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, về phía cơ quan nghiên cứu, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng đề nghị việc thu hút vốn FDI rất lạc quan, tuy nhiên cần chọn lọc các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại. Hạn chế những dự án quy mô nhỏ, dưới 1 triệu USD vì có thể gây áp lực cho doanh nghiệp trong nước.
Một điểm cần lưu ý, mặc dù khu vực FDI được hưởng nhiều ưu đãi nhưng hầu như nền kinh tế trong nước hiện nay không khai thác được nhiều lợi thế của khu vực này, nhất là trong việc chuyển giao công nghệ, một trong những mục tiêu quan trọng của việc thu hút đầu tư FDI.