Việt Nam là gì với bạn?
Tháng 5-2022, những chủ nhân của các giải thưởng cuộc thi phim ngắn “Việt Nam của tôi” đã được gọi tên. Đây là cuộc thi được tổ chức từ sáng kiến “Quỹ Vẻ đẹp điện ảnh - Kinh tế sáng tạo Việt Nam” của Netflix nhằm khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà làm phim thuộc cộng đồng yếu thế có cơ hội được kể những câu chuyện của mình cũng như góp thêm tiếng nói vào sự đa dạng của đời sống văn hóa - nghệ thuật. Cộng đồng này bao gồm, nhưng không giới hạn, các nhà làm phim nữ, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, những nhà sáng tạo đang sinh sống tại những nơi xa trung tâm thành phố lớn, những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nghĩa là mọi công dân Việt Nam chưa từng sản xuất phim điện ảnh đều có thể gửi hồ sơ dự thi.
Sau 6 tháng, cuộc thi đã thu hút hơn 150 tác phẩm gửi về dự thi, cho thấy niềm đam mê sáng tạo của các bạn trẻ cũng như tình yêu đất nước và sự mong mỏi góp thêm những góc nhìn Việt Nam của họ. Chín tác phẩm vào vòng chung kết gồm: “Con tàu của Theseus” của Nguyễn Thanh Giang, “Bắp ế” của Trần Lý Trí Tân, “Vẹt con” của Nguyễn Trần Ái Nhi, “Tiếng hát sông Hương” của Phạm Hoàng Minh Thy và Vũ Minh Nghĩa, “Khu rừng của Páo” của Nguyễn Phạm Thành Đạt, “Miệng đời” của Ngô Tùng Bảo, “Đứng giữa lằn ranh” của Phan Ngọc Thanh Ngân, “Dưới lòng đại dương” của Quản Phương Thanh, “Mong manh” của Nguyễn Trung Nghĩa, “Ăn ốc nói... bò” của Đỗ Thu Hiền.
Có thể thấy, đề tài “Việt Nam của tôi” mang đến hết sức phong phú, đa dạng, về đời sống con người Việt Nam, về phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, về thiên nhiên, môi trường...
Bà Amy Sawitta Lefevre, Trưởng bộ phận đối ngoại của Netflix tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: “Qua cuộc thi này, chúng ta thấy được ở ngoài kia có những câu chuyện đôi khi bị lãng quên, là những câu chuyện đến từ vùng nông thôn Việt Nam hoặc của người Việt hải ngoại. Đây đều là những câu chuyện ý nghĩa, giúp chúng ta hiểu thêm nhiều điều về những chất liệu dồi dào của chính đất nước này”. Theo bà, việc hỗ trợ các nhà làm phim ít được biết đến là một bước đầu quan trọng để tạo nên sự kết nối và đa dạng hóa những điều diễn ra trước và sau máy quay.
Nhà biên kịch Lý Phương Dung, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng, cuộc thi phim ngắn “Việt Nam của tôi” đã thu hút được nguồn nhân lực điện ảnh và là cơ hội cho người trẻ tuổi yêu điện ảnh có tiềm năng sáng tạo được bộc lộ bản thân. Những thể nghiệm này sẽ góp phần hỗ trợ xây dựng và phát triển nền kinh tế sáng tạo của đất nước.
Bản sắc Việt Nam xuyên biên giới qua vở kịch 5 phút
Cũng làm phim ngắn, dự án “My Vietnam” (“Việt Nam của tôi”) - có sự hợp tác giữa Viện Goethe và tạp chí văn chương online Zzz Review, hướng tới vấn đề bản sắc Việt Nam xuyên biên giới. Đây là một dự án văn học, điện ảnh và sân khấu tập hợp 9 tác giả từ khắp nơi trên thế giới để viết nên các vở kịch dài 5 phút.
Theo ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội, từ lâu đã có nhiều người Việt sống và làm việc tại nước ngoài. Khi rời quê nhà, họ mang theo lối sống đặc trưng của người Việt, mang theo giá trị văn hóa Việt Nam và truyền lại cho những thế hệ sau. Đối chiếu về bản sắc Việt Nam giữa những người Việt ở hải ngoại và những người trẻ lớn lên trên đất Việt để mang đến không gian đối thoại văn hóa đa sắc màu về bản sắc Việt của người Việt dù họ đang ở nơi nào trên thế giới, đó là chủ đề mà dự án hướng tới.
Kịch bản “Coca, rau muống và tỏi” của tác giả Đỗ Văn Hoàng có hai tuyến nhân vật song song, một người đàn ông 35 tuổi và một đứa trẻ 5 tuổi. Trong chuyến đi đến Đức để dự triển lãm Documenta với đầy những nghi ngờ, sợ hãi, mệt mỏi, người đàn ông trung niên ngẫm lại quãng những năm 1990 khi còn là một cậu bé lần đầu tiên từ trại tị nạn ra ngoài để mua rau. Đỗ Văn Hoàng đã ít nhiều đưa tuổi thơ từng sống trong trại tị nạn của mình vào nhân vật - cậu bé 5 tuổi. Những lời dặn dò của mẹ khi ra chợ mua đồ từng được Hoàng ngày thơ bé nhắc đi nhắc lại, nay trở thành nhịp điệu, thành âm nhạc cho kịch bản của anh. Với Hoàng, đó là vẻ đẹp của kỷ niệm về mẹ, về tuổi thơ, về quê hương mà những người con dù sống rất xa Việt Nam vẫn luôn hướng về.
Đỗ Văn Hoàng chia sẻ: “Tôi rời thành phố của mình từ khi còn rất nhỏ nhưng Hải Phòng vẫn luôn ở trong tôi, dù tôi có đi đâu, làm gì thì suy nghĩ về Hải Phòng vẫn ở đó. Và tôi nghĩ những suy nghĩ đó vẫn luôn nằm trong tất cả tác phẩm của mình”.
Còn Eric Nguyễn lại đưa nhân vật đi tìm “căn cước của bản thân”, cả trong cuốn tiểu thuyết đầu tay “Things We Lost to the Water” cũng như trong kịch bản “Pretty Nails” tham gia dự án lần này. Trong vở kịch có cảnh người mẹ nói lời tạm biệt, dặn dò con gái rất nhiều thứ khi cô đi học đại học ở xa. Và, họ đã tranh luận rất căng thẳng về chuyện tương lai khi nếp suy nghĩ của người mẹ vẫn là “lối căn cước” phổ biến của người Việt, trong khi cô con gái, thế hệ Việt kiều thứ hai ở nước Mỹ, sinh ra và lớn lên tại đây, đã có những quan niệm sống khác. Cô gái vừa muốn cố thoát ra khỏi vòng tay của cha mẹ để tìm được tiếng nói, bản sắc của riêng mình, đồng thời vẫn có được sợi dây ràng buộc nào đó với gia đình, sâu xa hơn nữa là với quê hương.
Nhìn nhận bản thân và đi tìm bản sắc cũng xuất hiện trong kịch bản về những đứa trẻ Việt lớn lên ở nước ngoài của tác giả Khuê Phạm - “Your bright blue home”. Hay kịch bản “Một chuyến khứ hồi Pháp - Việt” của tác giả Line Papin phản ánh câu chuyện sau chiến tranh, một phụ nữ trẻ người Việt yêu một anh chàng người Pháp đã cố thuyết phục gia đình cho phép cô sang đất nước mà ngày xưa từng là kẻ thù của người Việt. Trong khi đó, kịch bản "Mẹ ơi" của Nhung Đặng là một lá thư tình yêu của cô con gái ngược qua không gian và thời gian gửi tới một bà mẹ để rồi trên bối cảnh bạo lực, xê dịch và những ác mộng của lịch sử, câu chuyện riêng của gia đình dần hé lộ...
Mỗi vở kịch đem đến những lát cắt, nỗi trăn trở khác nhau về bản sắc Việt dù ở trong hay ngoài nước. Tác giả Maik Cây (Nguyễn Phương Anh) quan tâm đến “đường thoát tinh thần” của những người phụ nữ khi rời khỏi "cái vai chính thống" trong xã hội - người vợ, người mẹ, cái vai dường như bổ trợ cho vai chính của người đàn ông. Chị chia sẻ: “Với tôi khi là một người nữ, và là một người nữ mà đôi khi cảm thấy mình có nhiều lựa chọn cá nhân rất “bên lề”, thì cái giọng nữ ấy phải cất lên như thế nào. Đó là lý do tôi chọn viết “Mộng tam sinh”, kịch bản mà 100% nhân vật chính, phụ đều là nữ. Tôi liên kết các tuyến nhân vật nữ, họ đi qua huyền sử và lịch sử, đi qua cái ảo và cái thực, đi từ cái xưa cũ đến cái bây giờ, thì với họ, nó chỉ như một giấc mộng. Và cuộc đời chỉ là một giấc mộng lớn mà thôi”.
Từ những câu chuyện nhỏ của mỗi người, mỗi gia đình, các tác giả hướng đến những điều lớn hơn. Tác giả Lê Khải Việt suy nghĩ về “Nhà hàng Việt Nam" và những phức tạp đa văn hóa liên quan đến số phận gia đình và đất nước. “Căn phòng” của Vũ Ánh Dương lại tìm tới ký ức về căn nhà giữa những biến cố thăng trầm trong lịch sử nước Việt.
Hiện nay, dự án My Vietnam đang kêu gọi sự hỗ trợ tài chính từ cộng đồng thông qua nền tảng Crowdify để sắp tới sẽ thực hiện việc dàn dựng và quay phim với các kịch bản nói trên. Gọi vốn cộng đồng là cách làm sáng tạo, đã được một số cá nhân, tổ chức thực hiện trong những năm gần đây để có thể duy trì và tiếp tục xây dựng những dự án văn hóa sáng tạo mới.