Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao
Ngày 24/3, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình chống lao Quốc gia (CTCLQG) đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2025 với chủ đề “Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao”. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn dự và phát biểu tại buổi lễ.
Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS.BS cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, sau khi Công điện của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Bệnh viện Phổi Trung ương – Chương trình Chống lao quốc gia đã triển khai nhiều hội nghị, nhiều chương trình hành động phòng, chống lao.
Trong năm 2024, Chương trình Chống lao quốc gia đã đạt được kết quả tốt nhất từ trước đến nay với số bệnh nhân lao được phát hiện hơn 113 nghìn ca (tăng 7% so với năm 2023), tỷ lệ lao có bằng chứng vi khuẩn trên 72%, tỷ lệ điều trị thành công đạt 89%, cao hơn tỷ lệ này trên toàn cầu (mức 88%).

Mặc dù vậy, theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, hiện tình hình dịch tễ bệnh lao tại nước ta còn rất nặng nề, Tổ chức Y tế thế giới ước tính Việt nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới; 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và có khoảng 11.000 người tử vong do lao hàng năm. Năm 2023, Việt Nam đứng thứ 12/30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới và đứng thứ 10/30 quốc gia có số lượng bệnh nhân lao kháng thuốc cao nhất toàn cầu.
Bởi vậy, mục tiêu chấm dứt bệnh lao rất cần sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội để đảm bảo nguồn tài chính bền vững, triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống lao. Chủ đề chống lao năm 2025 là “Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao”.
Theo đó, biến ước mơ thành cam kết, biến cam kết thành hành động cụ thể, chuyển các cam kết, đầu tư, hành động thành kết quả, có lợi cho người bệnh lao. Chủ đề này cho thấy tầm quan trọng của cam kết, đầu tư nguồn lực bền vững và hành động hiệu quả các biện pháp can thiệp đối với công tác phòng chống lao, thể hiện cho những nỗ lực toàn diện vì mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Phát biểu chỉ đạo, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, dù đối mặt với không ít thách thức, công tác phòng chống lao tại Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chúng ta đã duy trì mạng lưới chống lao tại 100% xã, phường; bảo đảm 100% dân số được tiếp cận dịch vụ phòng chống lao. Tỷ lệ điều trị thành công các ca bệnh lao mới và tái phát duy trì ở mức cao, đạt gần 90%.
Tỷ lệ điều trị thành công các ca bệnh lao mới và tái phát duy trì ở mức cao, đạt gần 90%. Năm 2024 cũng đánh dấu việc triển khai quyết liệt các hướng dẫn kỹ thuật mới của Bộ Y tế, đặc biệt là việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến và mở rộng phạm vi trên toàn quốc đối với xét nghiệm Xpert - giải trình tự gene thế hệ mới để phát hiện sớm và chính xác bệnh lao.
Đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực từ toàn xã hội trong công tác phòng chống lao, thông qua việc triển khai hiệu quả Công điện số 25 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống lao. Nhiều địa phương, tổ chức, đơn vị đã nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động thực hiện các chương trình phát hiện tích cực, truyền thông giáo dục sức khỏe, huy động xã hội, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và sự chủ động tham gia của người dân trong phòng chống lao.
Cũng trong năm qua, Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo người dân với hàng chục ngàn lượt tin nhắn ủng hộ, hỗ trợ hơn 2.300 bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện tinh thần nhân văn, tương thân tương ái đáng quý của người dân Việt Nam…
Để thực hiện cam kết của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị toàn ngành, các địa phương và đối tác tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, chủ động phát hiện và quản lý tốt bệnh nhân lao và lao kháng thuốc, đặc biệt chú trọng vào các nhóm nguy cơ cao như người già, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính và trong các cơ sở khép kín.
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động chính sách, huy động xã hội, nhằm xóa bỏ kỳ thị đối với người bệnh lao, khuyến khích người dân chủ động tìm kiếm và tuân thủ điều trị.
Do vậy, cần tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân gắn với nội dung phát hiện, khám, điều trị bệnh lao./,