Kiến trúc - Quy hoạch

Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của cầu Long Biên rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng

T. Trang - Đ.Thế 26/10/2023 08:59

Đã đến lúc cần triển khai các giải pháp quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo để tìm cho cây cầu Long Biên những giá trị mới, lớn hơn nhiều giá trị hiện tại: Không chỉ dừng lại ở giá trị văn hóa, lịch sử mà còn có cả giá trị kinh tế, nghệ thuật và du lịch…

Biểu tượng kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Thủ đô

Cầu Long Biên là một trong hai cây cầu thép lớn nhất thế giới đầu thế kỷ XX, được người Pháp khởi công xây dựng năm 1899, bắc qua sông Hồng, Hà Nội và đưa vào sử dụng năm 1902. Ở Việt Nam, cầu Long Biên có ý nghĩa lịch sử, nối liền tuyến giao thông đường sắt huyết mạch nối cửa biển Hải Phòng với vùng Vân Nam (Trung Quốc), đồng thời nối Hà Nội với Đồng Đăng (Lạng Sơn), bắt đầu cho kỷ nguyên khai thác đường sắt.

lb.jpeg
Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử của Thủ đô

Cây cầu còn mang giá trị lịch sử đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Hà Nội, là chứng nhân lịch sử quan trọng đã chứng kiến những cột mốc lịch sử hào hùng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta.

Về văn hóa, cây cầu vừa mang tính biểu tượng, vừa là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại của Thủ đô Hà Nội. Hà Nội với tên gọi có nghĩa là “thành phố ở trong sông”, cầu Long Biên đã trở thành nhịp sống, một phần ký ức của người Hà Nội vắt qua ba thế kỷ.

KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Thủ đô Hà Nội từ Thăng Long đến Hà Nội, sông Hồng luôn nắm giữ một vai trò quan trọng trong sự hình thành, tồn tại và là một nhân tố không thể thiếu kết nối Hà Nội xưa - Hà Nội nay - Hà Nội tương lai. Cầu Long Biên đã trở thành điểm nhấn quan trọng không thể thay thế trên trục cảnh quan sông Hồng nói riêng và toàn Thành phố Hà Nội nói chung.

Với hơn 120 năm đưa vào khai thác sử dụng, cầu Long Biên đã trải qua 3 lần cải tạo lớn và nhiều lần cải tạo trùng tu khác, tuy nhiên do đã bị tàn phá trong chiến tranh cũng như có tuổi thọ quá lớn, cây cầu vẫn không tránh khỏi sự xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn giao thông…

Trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu Long Biên, dừng tại khu vực đường sắt đầu mối Ngọc Hồi. Tuy nhiên, cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ khách thăm quan, du lịch.

Vì vậy, ông Chính cho rằng, việc bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử của cầu Long Biên rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra định hướng cho cầu Long Biên hiện hữu - biểu tượng kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Thủ đô, luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong mọi thời kỳ.

chinh.jpeg
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam ông Trần Ngọc Chính.

Công tác quy hoạch, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị cầu Long Biên rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, TS.KTS Phan Đăng Sơn cho rằng, bước đầu tiên cần tiến hành quy hoạch tổng thể vùng ven hai bờ sông Hồng một cách kỹ càng, trong đó xác định cầu Long Biên là một thông số nền tảng để tham chiếu quan trọng và tất yếu. Việc lập quy hoạch này phải tạo được cho cầu một vị trí xứng đáng trong bất kỳ phương án nào.

Về tổ chức cảnh quan và kiến trúc không gian đô thị khu vực cần tôn trọng tối đa quy họach chi tiết đã hình thành tại khu vực cầu từ thời Pháp thuộc. Cùng với việc nghiên cứu tổ hợp cầu vào điểm nhấn cảnh quan, kết hợp tạo không gian khu vực tương hỗ hài hòa.

Cũng theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, không nên xây dựng tuyến giao thông thay thế bằng cầu mới quá gần cầu hiện tại. Tuyến giao thông thay thế mới này cần tổ chức dạng kiến trúc thật đơn giản, càng giảm thiểu hiện diện hình càng tốt. Không tổ chức quy hoạch xây dựng công trình cao tầng quá gần cầu (trong phạm vi 500m).

Về phương cách ứng xử về phục chế, cần lựa chọn cách phục chế cơ bản giữ được nguyên trạng như thời kỳ cầu được xây dựng và khai thác hết chức năng của thời Pháp thuộc (trước năm 1950). Cách làm phục chế phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc trùng tu, đặc biệt là hạn chế tối đa can thiệp vào di tích, mọi sự can thiệp khi cần thiết cũng không làm giảm, thay đổi những đặc điểm cơ bản và những giá trị vốn có của di tích.

GS.TS.KTS. Doãn Minh Khôi (Viện Quy Hoạch và Kinh tế đô thị trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết: Về quy hoạch, cần kết nối cầu Long Biên theo cả hai chiều. Chiều dọc vào các khu phố, chiều ngang xuống bãi giữa sông Hồng- nơi mà trong kế hoạch của thành phố sẽ hình thành một công viên đa chức năng hình thành từ khu vực bãi bồi, bãi giữa ven sông Hồng.

Cầu Long Biên sẽ kết nối với công viên này thông qua tuyến đường dốc dẫn từ cầu xuống bãi giữa như một điểm đến trong chuỗi du lịch văn hóa. Ở chiều dọc, cầu Long Biên cần kết hợp với dự án khai thác các vòm cầu dẫn bằng đá được thiết kế sử dụng như các gallery nghệ thuật, dịch vụ văn hóa và thương mại. Từ các vòm cầu sẽ tiếp tục mở ra các tuyến chợ đêm và những tuyến đi bộ len lỏi và chạy sâu vào khu phố cổ.

Về thiết kế đô thị, cần tạo dựng hình ảnh du lịch cầu Long Biên. Tại đây vẫn duy trì tuyến giao thông đường sắt với hình ảnh của các đầu máy và toa tàu từ thời Pháp thuộc được bảo tồn. Chúng chủ yếu phục vụ du lịch, không có chức năng phục vụ giao thông như trước. Những toa tàu này có thể đậu yên tĩnh trên cầu Long Biên và sử dụng thành các quán cà phê, cho phép du khách ngắm sông Hồng qua các ô cửa của các toa tàu.

Đây là một dự án cần nghiên cứu một cách cẩn trọng, nhưng hết sức cần thiết cho phát triển du lịch. Đặc biệt cần bảo tồn và cải tạo ga Long Biên để trở thành như một bảo tàng cầu Long Biên và đường sắt Hà Nội. Tại đây sẽ lưu giữ và trưng bày lịch sử cầu Long Biên qua các giai đoạn hình thành và phát triển./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của cầu Long Biên rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO