Vang vọng “Mối tình thành cổ”

Miên Thảo (thực hiện)| 11/09/2017 12:00

Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vừa có đêm diễn thành công vở kịch múa “Mối tình thành cổ” tại Nhà hát Lớn Hà Nội, theo kế hoạch của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Nhân đây, phóng viên báo Người Hà Nội có cuộc trò chuyện cùng NSƯT Như Bình - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội xoay quanh những thành công của vở kịch múa này.

Vang vọng “Mối tình thành cổ”

PV: Thưa NSƯT Như Bình, vở kịch múa “Mối tình thành cổ” vừa được các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam công diễn, đã đem lại cho ông những cảm xúc gì?

NSƯT Như Bình: Cảm xúc đầu tiên trong tôi khi xem vở kịch múa “Mối tình thành cổ” là niềm mừng vui. Vở kịch múa này đã được dàn dựng dựa trên câu chuyện lịch sử Mỵ Châu – Trọng Thủy với sự thể hiện đầy hấp dẫn của các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, như: Thu Hằng (Mỵ Châu), NSƯT Phan Văn Lương – Trọng Thủy, NSƯT Đàm Hàn Giang – An Dương Vương…

Vở kịch múa đã đưa tôi từ cảm xúc bàng hoàng đến sững sờ từ âm thanh đến tạo hình trên sân khấu; cho dù có thể tranh luận, bàn thảo về chuyên môn từ tên của tác phẩm, đến cấu trúc lớp lang chương đoạn hay âm nhạc và ngôn ngữ múa… Một việc nổi lên đáng trân trọng nữa đó chính là các nghệ sĩ đã được phô diễn tài năng trên nền ballet êm ái, du dương của Pháp - dòng ballet kinh điển nổi tiếng của nhân loại, từ kỹ thuật đến tạo hình và âm nhạc.  

PV: Ông thấy sao về sự kết hợp giữa Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và nhóm nghệ sĩ Pháp khi thực hiện vở diễn này?

NSƯT Như Bình: Tôi muốn thật lòng cảm ơn các nghệ sỹ Pháp đã để tâm tìm tòi văn hóa truyền thống của Việt Nam và cùng các nghệ sĩ Việt Nam sáng tạo nên vở kịch múa “Mối tình thành cổ”. Vở kịch múa này có cấu trúc, ý đồ tư tưởng sâu sắc mà cũng phù hợp với tính thời sự và sự phát triển xu thế thời đại những năm gần đây. Điều đó trước hết được thể hiện ở cấu trúc phát triển ngôn ngữ múa. Tôi thấy sự tài tình trong những màn múa, dù nói về chiến tranh mà không thấy binh đao, chết chóc, máu chảy đầu rơi. Biên đạo dùng thủ pháp âm nhạc và vũ đạo thể hiện những màn “huyết chiến” bằng nghệ thuật, các tạo hình động tác, tuyến đi thể hiện qua âm nhạc thật táo bạo hiệu quả. Bên cạnh đó, nhạc sĩ đã không chỉ sáng tạo nên tác phẩm hoàn chỉnh tài tình trong phối khí hòa thanh, tổ chức dàn dựng công phu để có bản giao hưởng chạm vào cảm xúc người nghe mà còn hòa quyện cùng tiết tấu âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Nếu như bộ giây đã quán xuyến, xuyên suốt từ đầu đến khi kết thúc vở diễn thì bộ gỗ làm ấm  hồn cốt của tác phẩm và tạo nên không gian bí ẩn, hồi hộp đến thót tim của khán giả. Còn giá trị của bộ đồng “hơi” thật sang trọng uy nghiêm, khi đoàn tùy tùng của Trọng Thủy mang lễ vật vào dâng An Dương Vương. 

Một vấn đề cũng cần bàn thêm là biên đạo Bertrand D’at rất tinh tế, thông minh, đã sử dụng ngôn ngữ múa Việt Nam như bước chân đi quả trám rồi cuộn chéo và động tác múa trống bồng trong màn lễ cưới cảnh 5 khi Trọng Thủy tham gia vào bước  nhảy truyền thống của vương quốc nhà vợ. Đạo diễn xử lý các màn múa khá ấn tượng, tạo sự hứng khởi của diễn viên, quy luật động tác logic và hợp lý thuận chiều, không chỉ đem lại nhiều cảm hứng cho nghệ sĩ mà làm hài lòng người xem bởi sự mượt mà, uyển chuyển và tuyệt đẹp. Ngoài ra, kỹ thuật 3D được kết hợp trong vở diễn phần nào tạo được hiệu quả của kịch tính và hình tượng múa.

PV: Về tài năng của các nghệ sĩ Việt Nam được thể hiện trong vở kịch múa này thì sao, thưa ông?

NSƯT Như Bình: Trong vở diễn này, bên cạnh các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam như: Phan Lương, Thu Hằng, Cao Chí Thành, Thọ Dương, Đám Hán Giang, Văn Nam, Duy Khánh Thành…, còn có sự tham gia của sinh viên trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Theo tôi, thành công tuyệt vời của âm nhạc đã giúp biên đạo thuận lợi và truyền cảm xúc cho các nghệ sĩ tạo nên những hình tượng cao đẹp từ trong các vũ điệu được sắp xếp liên hoàn, làm choáng ngợp người xem bởi những pho tượng di động hoàn chỉnh sắc nét có nội dung mang tính triết lý. Từ những động tác tập thể có sự đều đặn nâng cao chân, đá jette rồi khống chế xuống thế grand plié rồi co một chân qua couppe mà lên tư thế ecarte rất đều và khỏe khoắn. Còn ở các đoạn solo của Mỵ Châu - Trọng Thủy thật hoàn chỉnh, những động tác bê đỡ đẹp và rất khó trong tạo hình song lại thể hiện nội tâm yêu thương da diết gắn bó bên nhau bằng tạo hình của cơ thể. Có thể nói, hình tượng tạo hình diễn xuất của nghệ sĩ ở vở diễn này đã rất thành công, nhập vai, truyền cảm xúc đến khán giả. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Vang vọng “Mối tình thành cổ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO