Văn học nghệ thuật: Cùng góp sức thúc đẩy văn hóa du lịch Thủ đô

Đặng Thủy| 10/07/2022 07:54

Hội thảo “Văn học, nghệ thuật với phát triển văn hóa du lịch Thủ đô” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tổ chức mới đây đã thu hút sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ Thủ đô cùng đại diện một số cơ quan quản lý văn hóa, du lịch. Nhiều câu chuyện, ý kiến tâm huyết được đưa ra bàn thảo không chỉ thể hiện những trăn trở mà còn gợi mở các giải pháp trong việc phát huy, gắn kết văn học, nghệ thuật với phát triển du lịch Thủ đô.

Văn học nghệ thuật: Cùng góp sức thúc đẩy  văn hóa du lịch Thủ đô
Chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ”, điểm nhấn trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật của Thủ đô.


Góp phần quảng bá cho du lịch

Là mảnh đất văn hiến hơn một ngàn năm, hình ảnh đất và người Thăng Long - Hà Nội từ lâu đã đi vào ca dao, tục ngữ và là niềm cảm hứng để các văn nghệ sĩ khai thác, sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực, từ hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh đến thơ, văn, âm nhạc... với các loại đề tài vô cùng phong phú, đa dạng. Đặc biệt, thời gian qua, văn học, nghệ thuật cũng đã góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa Hà Nội tới bạn bè quốc tế, góp phần phát triển du lịch và tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại cho thành phố. 
Theo nhà thơ Bùi Việt Mỹ (Hội Nhà văn Hà Nội), hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật là một hoạt động văn hóa tinh hoa, có tác dụng lớn trong việc thúc đẩy phát triển ngành du lịch. “Hầu hết các sáng tạo văn học nghệ thuật đều có đóng góp trực tiếp, bổ trợ, thậm chí có tác động làm gia tăng nhu cầu khám phá, hiểu biết của con người, trong đó có qua hình thức du lịch. Ví như hai chuyên ngành chủ lực à: nghiên cứu, bảo vệ, phát huy bản sắc di sản văn hóa dân gian và quy hoạch kiến trúc kết hợp với mỹ thuật. Bên cạnh đó, các chuyên ngành ảnh nghệ thuật, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu… là những loại hình được khai thác, vận dụng như một nhân tố trong hoạt động du lịch”, nhà thơ Bùi Việt Mỹ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với nhà thơ Bùi Việt Mỹ, nhiều đại biểu, văn nghệ sĩ cho rằng hầu hết các sáng tạo văn học, nghệ thuật đều đóng góp trực tiếp, bổ trợ và tác động làm tăng nhu cầu khám phá của con người. Điều đó tác động tích cực đến hoạt động du lịch. Ths, NGƯT Trịnh Quốc Minh (Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội) khẳng định: “Mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật và văn hóa du lịch Thủ đô có thể được ví như những người bạn đồng hành cùng chung chí hướng, gắn bó, truyền cảm hứng sáng tạo cho nhau vì những lợi ích chung, giá trị chung trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa du lịch Thủ đô. Phát huy hiệu quả mối quan hệ trên sẽ thực sự góp phần đưa văn hóa du lịch Thủ đô lên một tầm cao mới trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành Thủ đô văn minh hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Văn học nghệ thuật: Cùng góp sức thúc đẩy  văn hóa du lịch Thủ đô
Việt Nam điểm đến - Ảnh: Trần Thanh Hải
Văn học nghệ thuật: Cùng góp sức thúc đẩy  văn hóa du lịch Thủ đô
Biểu diễn múa bồng trên phố đi bộ - Ảnh: Bùi Đăng Thanh

Chưa xứng với tiềm năng

Từ góc nhìn của người làm điện ảnh, Ths. Hoàng Dạ Vũ (Hội Điện ảnh Hà Nội) bày tỏ sự tiếc nuối khi đề cập tới thực tế các bộ phim điện ảnh về Hà Nội hướng tới quảng bá hình ảnh văn hóa - du lịch Thủ đô những năm gần đây còn rất ít ỏi, hiếm hoi, chưa tương xứng với bề dày truyền thống văn hóa lịch sử và tiềm năng phát triển của vùng đất địa linh nhân kiệt này. Theo chị, những thước phim đẹp về Hà Nội trong các bộ phim phần lớn được quay với bối cảnh sẵn có chứ chưa chủ động "tô điểm" cho bối cảnh, sử dụng vào mục đích quảng bá du lịch…
Bàn về hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ phát triển du lịch tại Thành phố Hà Nội hiện nay, TS. Trần Thị Minh Thu (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cũng nêu lên những hạn chế khiến cho hoạt động khai thác du lịch chưa thực sự hiệu quả. Theo TS. Trần Thị Minh Thu, tuy nghệ thuật biểu diễn truyền thống ở Hà Nội rất đa dạng và phong phú, nhưng cho tới nay mới chỉ có một vài loại hình/ thể loại được đưa vào khai thác du lịch một cách nghiêm túc và hiệu quả. Vài năm trở lại đây, trong khuôn khổ hoạt động của các sự kiện văn hóa tổ chức trên phố đi bộ, hay tại các di tích trong khu phố cổ Hà Nội, công chúng có cơ hội được thưởng thức nghệ thuật diễn xướng dân gian qua các màn múa cổ, những buổi biểu diễn ca trù, hát xẩm, hát chèo tàu… Nhưng hiệu quả chủ yếu là nghệ thuật múa rối nước còn các loại hình/ thể loại khác như chèo, cải lương, tuồng… vẫn vắng khách. Trong các tour du lịch ở Hà Nội, phần lớn các công ty lữ hành chưa đưa loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống trở thành sản phẩm du lịch chủ yếu, chưa chú trọng tạo ra những sản phẩm đặc trưng… 

Nhìn một cách tổng thể NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội khẳng định, hiện nay, việc phát huy giá trị các thiết chế văn học nghệ thuật chưa xứng với tiềm năng, hàng loạt các thiết chế chưa được khai thác. “Hà Nội chưa có bảo tàng văn học nghệ thuật, chưa có các địa chỉ văn hóa, nhà lưu niệm tưởng nhớ các văn nghệ sĩ nổi tiếng như cố nhà văn Tô Hoài, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Phú Quang…”, NSND Trần Quốc Chiêm trăn trở.
Cần sự chung sức 

Các lĩnh vực như mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh… nếu được khai thác tốt đều có thể trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên làm thế nào để văn học, nghệ thuật có thể phát huy thế mạnh để góp phần quảng bá du lịch Thủ đô, đó cũng là trăn trở của nhiều văn nghệ sĩ. 
PGS. TS Trần Trí Trắc (Hội Sân khấu Hà Nội) cho rằng, mỗi đơn vị nghệ thuật sân khấu của Thủ đô phải trở thành một tổ chức làm nhiệm vụ môi giới du lịch, vừa là chủ thể kinh doanh văn hóa du lịch lại vừa là khách thể nguồn tài nguyên của du lịch để đáp ứng mọi nhu cầu của chủ thể - khách du lịch. Còn nhà báo, nhà LLPB âm nhạc Trần Lệ Chiến (Hội Âm nhạc Hà Nội) thì kiến nghị, Hà Nội cần phải có quy hoạch tổng thể, chi tiết cho các tuyến phố đi bộ gắn hoạt động thương mại với du lịch và âm nhạc thành một thể thống nhất. Nơi đây, không chỉ có xẩm, ca trù mà còn cần có những tốp nhạc, nhóm nhạc đương đại và có thể tận dụng nguồn lực là sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật, các nhà hát đóng trên địa bàn Thủ đô… để duy trì hoạt động này.
Từ việc đi sâu phân tích những tác phẩm văn học có tác động tới lĩnh vực du lịch, nhà thơ Bùi Việt Mỹ nêu ý tưởng nên phục dựng những giai thoại, hình tượng văn học cho các tour du lịch. Có thể là việc phục dựng các hình tượng nghệ thuật như Chử Đồng Tử - Tiên Dung, như bến đò mẹ Suốt, bến My Lăng… hay khai thác, các tích truyện làng văn, làng võ, làng nghề suốt dải đôi bờ sông Hồng, hồ Tây, sông Tô Lịch… qua đó tôn vinh tập quán, phẩm chất thanh lịch văn minh của con người Thăng Long xưa và Hà Nội hôm nay. “Chúng tôi thấy ngành du lịch Hà Nội cần kết hợp phát triển du lịch đa dạng theo hướng kết hợp vốn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Khai thác tận dụng tốt các giai thoại, điển tích và câu chuyện văn học… có ý nghĩa đặc sắc. Có thể đó là hướng thu hút trường tồn theo sự phát triển chung của quy luật văn hóa dân tộc”, nhà thơ Bùi Việt Mỹ đặt vấn đề.
Để kích thích, phát huy được thế mạnh, tiềm năng của điện ảnh Hà Nội trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa du lịch Thủ đô trong thời đại hội nhập quốc tế ngày nay, Ths. Hoàng Dạ Vũ cho rằng cần đầu tư nhiều bộ phim hay, hấp dẫn khán giả về Thủ đô. Trong đó, ngoài kịch bản hay, diễn viên giỏi nghề thì những cảnh quay đẹp, hiện đại là một trong những yếu tố quan trọng để nâng tầm địa danh. Thêm nữa, Hà Nội cũng nên thu hút các hãng phim nước ngoài đến làm phim, cần có chính sách đặc thù để thu hút các nhà làm phim quốc tế, đơn giản hóa các thủ tục cấp phép. Bởi không chỉ quảng bá du lịch, qua những bộ phim trong nước, du khách quốc tế sẽ biết tới Việt Nam, biết tới Hà Nội nhiều hơn nếu có những địa danh trở thành bối cảnh trong các bộ phim bom tấn của những nhà làm phim tên tuổi trên thế giới. 
“Có thể khẳng định, hoạt động du lịch văn học nghệ thuật nếu được tổ chức bài bản, đầu tư công phu sẽ tạo cơ hội tương tác với du khách, từ đó lưu giữ ký ức về danh nhân văn hóa lịch sử, văn học nghệ thuật; giới văn nghệ sĩ có thêm không gian văn hóa để tìm hiểu, sáng tạo; Nhà nước, ngành du lịch phát triển được tour du lịch hay, thú vị; biểu dương được công đức, tài năng, nhân cách của các nhân sĩ Hà thành”, NSND Trần Quốc Chiêm bày tỏ. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • [Video] Làng nghề Sơn Đồng: Trung tâm đồ thờ gỗ của Thủ đô và cả nước
    Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã tạo nên những sản phẩm vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Hà Nội của Việt Nam với những nét văn hóa độc đáo trong dòng chảy lịch sử nghìn năm văn hiến.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Đừng bỏ lỡ
Văn học nghệ thuật: Cùng góp sức thúc đẩy văn hóa du lịch Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO