Văn học nghệ thuật cho thiếu nhi Hà Nội: Cần khơi những dòng chảy mạnh mẽ

Lê Phương Liên| 29/07/2022 15:59

Văn học nghệ thuật cho thiếu nhi Hà Nội: Cần khơi những  dòng chảy mạnh mẽ
Tiết mục múa “Những con thiên nga” của thiếu nhi Hà Nội.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước nên đã tồn tại những trung tâm văn hóa phục vụ thiếu nhi có bề dày lịch sử. Trước hết là Cung thiếu nhi Hà Nội (36-38 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) được thành lập từ ngày 1/6/1955. Hơn 60 năm qua, Cung thiếu nhi Hà Nội là  “lâu đài văn hóa” đào tạo rất nhiều các thế hệ thiếu nhi trở thành nhân tài văn học nghệ thuật của cả đất nước như nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ, diễn viên Tố Uyên, ca sĩ Thanh Lam, ca sĩ Hồng Nhung... Nơi đây là một di sản kiến trúc có giá trị đặc biệt lưu giữ ký ức của hàng triệu người đã từng có tuổi ấu thơ ở Hà Nội.
 Một địa danh văn hóa thứ hai là Thư viện Hà Nội (47 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm) cũng đã có lịch sử hơn 60 năm. Ngày 15/10/1956 tại Nhà Thủy Tạ bên hồ Hoàn Kiếm, Thư viện Hà Nội đã ra đời với tên gọi ban đầu là Phòng đọc sách nhân dân. Ba năm sau Thư viện nhân dân Hà Nội chính thức thành lập vào tháng 1/1959 và chuyển về trụ sở 47 Bà Triệu cho đến nay. Tháng 8/2008, Thư viện Hà Nội khánh thành trụ sở mới với kiến trúc bề thế của hai khối nhà cao 9 tầng có tổng diện tích sàn trên 6000m2. Đây là một trong những công trình văn hóa chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đến tháng 2/2009, sau khi hợp nhất với tỉnh Hà Tây, Thư viện Hà Nội có thêm một trụ sở tại 2B đường Quang Trung (quận Hà Đông) với ba tòa nhà hình dải lụa có tổng diện tích sàn trên 2000m2. Điều đáng kể rằng suốt chiều dài lịch sử hơn 60 năm, Thư viện Hà Nội luôn luôn có phòng đọc thiếu nhi. Hàng vạn trẻ em bình dân đã có hạnh phúc được đọc sách miễn phí tại Thư viện Hà Nội. 
Hơn 60 năm qua đã có hàng triệu cuộc giao lưu tác giả và bạn đọc đã được tổ chức tại Cung thiếu nhi Hà Nội và Thư viện Hà Nội với sự góp mặt của nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Võ Quảng, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Hà Ân, Trần Lê Văn... Người viết bài này đã từng sinh hoạt ở Cung Thiếu nhi Hà Nội trong những năm tháng tuổi thơ và là bạn đọc của Thư viện Hà Nội trong suốt tuổi thanh niên. Khi đã trở thành một nhà văn viết cho thiếu nhi, tôi càng gắn bó hơn nữa với Cung Thiếu nhi Hà Nội và Thư viện Hà Nội (kể cả cơ sở ở quận Hà Đông). Mỗi khi được mời, tôi luôn sẵn sàng giao lưu với bạn đọc ở những nơi này.
Từ năm 1966, tổ chức tiền thân của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuât Hà Nội là Hội Văn nghệ Hà Nội đã ra đời. Thuở đó, Hội có nhiều nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng thành công với đề tài thiếu nhi: Nhà văn Tô Hoài, nhà văn Hà Ân, nhà văn Nghiêm Đa Văn; họa sĩ Ngô Mạnh Lân, họa sĩ Nguyễn Bích, họa sĩ Phan Doãn, nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Hoàng Long - Hoàng Lân, nhạc sĩ Xuân Giao… Trong thập niên 60, 70 của thế kỷ XX, Hội Văn nghệ Hà Nội cũng từng có tạp chí Ngựa Gióng dành riêng cho thiếu nhi. Tuy là một tạp chí giản dị, giấy còn xấu, màu sắc chỉ có đen trắng thế nhưng Ngựa Gióng đã tạo được sự gần gũi, ấm nóng tình thân thương với một thế hệ tuổi thơ Hà Nội.
Điểm lại vài nét lịch sử như vậy để thấy rằng Hà Nội đã từng là một “cái nôi” văn hóa nghệ thuật đầm ấm của nhiều tài năng sáng tác cho thiếu nhi, đã có nhiều tác phẩm sáng tác cho thiếu nhi từ các văn nghệ sĩ Hà Nội đóng góp không chỉ riêng cho Hà Nội mà cho cả đất nước.
Tuy vậy trong nhiều năm gần đây, sau khi các văn nghệ sĩ lão thành đã già yếu và lần lượt ra đi, số lượng các tác giả viết cho thiếu nhi trong các ngành văn học, hội họa, âm nhạc... ở Hà Nội càng ngày càng thưa vắng. Tạp chí Ngựa Gióng đã biến mất không còn dấu vết. Nxb Hà Nội, tuy thỉnh thoảng vẫn xuất bản sách cho thiếu nhi, nhưng đã hàng chục năm nay dường như không có tác phẩm cho thiếu nhi gây được ấn tượng cho người đọc. 
Nếu so sánh với TP. Hồ Chí Minh, dòng văn học nghệ thuật cho trẻ em mới chỉ xuất hiện sau năm 1975 thì tình hình khác hẳn. Tại TP. Hồ Chí Minh báo Khăn quàng đỏ (trực thuộc Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh) thành lập năm 1977, Nxb Trẻ (trực thuộc Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh) được thành lập năm 1981. Từ việc ra đời của các cơ quan xuất bản, báo chí dành cho thiếu nhi, một đội ngũ tác giả viết cho thiếu nhi đã xuất hiện đông đảo cả trong văn học, âm nhạc và phim ảnh. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (vốn là một nhà giáo của TP. Hồ Chí Minh) với hàng trăm đầu sách, hàng triệu bản sách được xuất bản đã trở thành một tác giả hàng đầu viết cho thanh thiếu nhi được bạn đọc cả nước mến mộ.
Tại sao dòng văn học nghệ thuật cho thiếu nhi không phát triển ở Hà Nội? Trong khoảng 30 năm gần đây, tại sao không có tác giả nào là hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội thành danh từ văn học nghệ thuật cho thiếu nhi? Thực tế là các cơ sở văn hóa ở Hà Nội, khi cần tổ chức và sự kiện văn hóa nghệ thuật cho trẻ em, Ban tổ chức thường kết nối trực tiếp với các nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng sáng tác cho thiếu nhi mà không liên hệ  qua Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, Cung thiếu nhi Hà Nội đã ba lần tổ chức Trại sáng tác văn học thiếu nhi và cuộc thi “Em tập viết văn làm thơ” (lần thứ ba là năm 2016). Tôi là người đã tham gia chấm thi cả ba lần, nên thấy rõ hiện tượng các em học sinh có năng khiếu sáng tác được giải thưởng trong các cuộc thi đều đã không tiếp tục theo đuổi sự nghiệp văn học. 
Từ thực tế này, một vấn đề đặt ra cho Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đó là cần nhận thức rõ vị trí quan trọng của Hội trong vai trò tổ chức, bồi dưỡng, phát hiện, động viên khích lệ những tài năng văn học cho thiếu nhi đang sinh sống ở Thủ đô Hà Nội. Hội có thể phát động cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật cho thiếu nhi? Hội có thể trao giải thưởng cho sáng tác văn học nghệ thuật cho thiếu nhi hằng năm? 
Những bài hát, bài thơ, cuốn sách, bộ phim... trong sáng phù hợp với tình cảm của trẻ em sẽ là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ lớn lên lành mạnh để rồi trở thành những con người tiến bộ của xã hội tương lai. Văn học thiếu nhi Hà Nội phát triển sẽ có thêm nhiều bài hát, bài thơ hay, những cuốn sách bổ ích những bộ phim hấp dẫn phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu nhi là một mong mỏi lớn! Không chỉ của riêng những người chuyên sáng tác cho thiếu nhi, cũng không phải là riêng cho hàng vạn thiếu niên, nhi đồng và hàng triệu gia đình đang sinh sống ở Hà Nội. Khơi dòng chảy mạnh mẽ cho văn học nghệ thuật thiếu nhi Hà Nội phát triển là vì tương lai văn hóa của cả dân tộc Việt Nam! Mong sao Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ có chương trình cụ thể và hiệu quả nhằm đẩy mạnh sáng tác văn học nghệ thuật cho thiếu nhi.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Từ 1/1/2025, xe kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm
    Xe kinh doanh vận tải chở trẻ mầm non và học sinh phải được sơn màu vàng đậm phủ bên ngoài thân xe, có biển báo dấu hiệu nhận biết đặt ở mặt trước và hai cạnh bên xe phía trên cửa sổ.
  • 34 tác phẩm xuất sắc đạt giải cuộc thi ‘Việt Nam hạnh phúc’ 2024
    Tối 11/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam long trọng tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm và công bố Giải thưởng Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam” năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Văn học nghệ thuật cho thiếu nhi Hà Nội: Cần khơi những dòng chảy mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO