Nhà báo Hồ Quang Lợi
Thực tế của Hà Nội sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính và hợp nhất cho thấy, sau khi tích hợp thêm vùng văn hóa xứ Đoài nổi tiếng, đầy bản sắc thì văn hóa Thăng Long - Hà Nội không chịu một sự lệch pha, đứt gãy nào. Trái lại, hai vùng văn hóa lớn này đã kết nối, hòa quyện, trở nên phong phú hơn. Hòa hợp tinh thần, kết nối văn hóa, đó là thành công lớn của cuộc hợp nhất, là động lực có tính nền tảng cho cuộc kiến tạo lớn trong 10 năm qua và cả mai sau để Thăng Long - Hà Nội vươn lên tầm cao mới.
Nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững
Hà Nội đang gìn giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức phong phú của cả Thăng Long và xứ Đoài. Trong tiến trình ngàn năm xây dựng và phát triển, Hà Nội đã thu hút hiền tài bốn phương, hội tụ tinh hoa mọi miền, tiếp thu kinh nghiệm trăm vùng để xây đắp nên tinh hoa văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Lãnh đạo Hà Nội nhận thức rõ, văn hóa là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là nguồn lực nội sinh của sự phát triển bền vững. Trong gần 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về Văn hoá, các hoạt động văn hóa Thủ đô được thực hiện theo 3 định hướng lớn: Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống (vật thể và phi vật thể) Thăng Long ngàn năm văn hiến; từng bước sáng tạo, xây dựng và hoàn thiện những giá trị thời đại mới – Thời đại Hồ Chí Minh; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Sau 10 năm hợp nhất, Hà Nội đã đạt được những thành tựu nổi bật, toàn diện, rất đáng khích lệ về văn hoá. Hà Nội khởi sắc và đẹp lên rất nhiều trong niềm tự hào của nhân dân cả nước và trong sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn thiếu sự gắn kết cần thiết giữa phát triển văn hóa và kinh tế. Đây đó, trong điều hành thực tiễn, các giá trị văn hóa tinh thần đôi khi bị xem nhẹ hơn các giá trị vật chất. Điều đó giải thích cho câu hỏi: tại sao các khu đô thị đua nhau mọc lên mà vẫn thiếu các thiết chế văn hóa, công viên, trường học, bệnh viện…; tại sao đời sống vật chất được nâng lên, nhưng một số mặt của đời sống văn hóa tinh thần có biểu hiện đi xuống. Vấn đề “lệch chuẩn” các giá trị xã hội ở một bộ phận người Hà Nội dẫn đến phá vỡ sự cân bằng trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên, trong đó tiềm ẩn nguy cơ của sự phát triển “nóng”, thiếu yếu tố văn hóa làm nền tảng phát triển bền vững. Đáng lo nhất là sự xô bồ, hỗn tạp khiến nhiều giá trị truyền thống bị bị lung lay, xâm hại. Có những giá trị chúng ta lưu giữ và đang phát huy được như lòng yêu nước, lòng tự trọng, giàu nghĩa khí, óc sáng tạo, nhạy cảm với cái mới… nhưng cũng có những giá trị đang bị mai một. Trước đây, người ta coi trọng trí tuệ và đạo đức hơn tiền bạc và danh lợi nhưng giờ đây, một bộ phận xã hội đang bị đồng tiền chi phối, chạy theo lợi ích vật chất trước mắt mà quên đi những giá trị văn hóa, tinh thần. Trước đây, sự lịch lãm, tinh tế trong cách ứng xử, giao tiếp của người Hà Nội được đề cao, giờ đây, lối sống xô bồ, hành vi ứng xử thiếu văn hóa xuất hiện trong gia đình, nhà trường, xã hội ngày càng nhiều. Các biểu hiện coi thường luật lệ như thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, xả rác thải bừa bãi nơi công cộng, đánh lộn, nói tục, chửi bậy… đang dần làm mai một hình ảnh đẹp của con người và văn hóa Hà Nội.
Thêm vào đó, nhiều vấn đề mới phát sinh như: công nghiệp văn hóa, văn hóa mạng, văn hóa cho giới trẻ… cũng đặt ra nhiều thách thức. Quan điểm giải quyết một cách hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển gặp nhiều khó khăn trong thực tế triển khai nói chung và trong từng trường hợp cụ thể nói riêng. Vẫn còn thiếu những giải pháp tổng thể, khả thi, sát thực để giải quyết những vấn đề đó. Chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, xã hội hóa đến mức độ nào, điều hành và quản lý ra sao đang đặt ra nhiều vấn đề cần xem xét điều chỉnh, bổ sung. Nếu không giải quyết tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa dễ dẫn đến tình trạng làm biến dạng các giá trị văn hóa, không gian văn hóa.
Để giải quyết những vấn đề trên, Hà Nội tập trung vào 6 nhiệm vụ chủ yếu là: xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; đồng thời chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại...
Đảng ta đã nêu 4 đặc trưng mới của phát triển văn hóa là “Dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Nếu không có dân chủ thì không có văn minh, không có dân chủ thì không có phát triển. Không có dân chủ thì cũng không có đoàn kết mà cũng không tập trung được trí tuệ. Dân chủ, trước hết là dân chủ trong Đảng. Đó cũng chính là văn hóa trong chính trị. Dân chủ trong Đảng lan tỏa, trở thành hạt nhân thúc đẩy dân chủ trong xã hội. Chúng ta cứ nói xã hội đồng thuận, nhưng không có dân chủ thì làm sao mà đồng thuận. Bản thân dân chủ phải gắn liền với khoa học. Có dân chủ mới có trí tuệ, có trí tuệ mới có khoa học. Mà khoa học trước hết là khoa học trong lãnh đạo, quản lý. Vẫn tồn tại đâu đó bệnh điều hành duy ý chí, nghĩ rằng cái gì muốn là phải làm được, chỉ cần có quyết tâm. Trước hết, cần khoa học trong lãnh đạo, tạo ra cơ chế để giải phóng được sức sung mãn sáng tạo của người Việt Nam.
Điều gì không có lợi cho văn hoá, dứt khoát không làm
Trong thực tiễn lãnh đạo, quản lý, Hà Nội giải quyết các vấn đề khó liên quan đến văn hoá bằng cách đưa ra bàn thảo kỹ, khi cần thì lấy ý kiến rộng rãi, mọi người đều có thể phát biểu một cách thẳng thắn. Những ý kiến có tính phản biện cao, nhất là của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động văn hoá được lắng nghe, chắt lọc, từ đó đưa ra kết luận một cách thỏa đáng. Những năm vừa qua, nhiều việc khó của Hà Nội đã tập trung được trí tuệ để giải quyết, trong đó có việc xây dựng các công trình có sự đụng chạm đến các di tích lịch sử, văn hoá. Hà Nội không ngại điều chỉnh, thay đổi nếu thấy việc đó là cần thiết và không thể khác. Điều gì không có lợi cho Thành phố, cho người dân, cho văn hoá, dứt khoát không làm. Chủ trương không phù hợp, thậm chí có những việc đã quyết định rồi nhưng thấy không ổn, vẫn phải thay đổi. Lãnh đạo Hà Nội luôn lắng nghe những phản biện có tính xây dựng để có những quyết sách phù hợp. Đó chính là dân chủ, là khoa học.
Sự cởi mở trong đời sống nghệ thuật có phải cũng là biểu hiện của tinh thần dân chủ. Những năm bắt đầu đổi mới, có người nói: “Mở cửa thì ruồi muỗi cũng bay vào”. Bây giờ, chúng ta đang hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng, đời sống tinh thần phải cởi mở, dân chủ thì mới đón nhận được tinh hoa văn hóa nhân loại. Phải tiếp thu một cách khôn ngoan. Những năm gần đây, rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài trở về, tổ chức nhiều chương trình biểu diễn tốt được công chúng hoan nghênh. Tôi cho rằng, đấy là một xu hướng nên được cỗ vũ, khuyến khích. Văn nghệ sĩ trước đây ra đi vì nhiều lý do khác nhau, nay trở về tìm thấy chỗ đứng của mình trong lòng dân tộc, trên đất nước này, điều đó dẫn đến sự lan tỏa lành mạnh. Mong có nhiều cuộc trở về như vậy, về để làm điều tốt, điều thiện cho đất nước, quê hương. Càng có nhiều người trở về thì tinh thần hòa hợp dân tộc càng được phát huy, đề cao.
Văn học, nghệ thuật cần có sức sống mới để làm tỏa sáng các giá trị của văn hóa. Có một thực tế là, hiện vẫn thiếu vắng những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, tính khám phá và phát hiện cái mới. Các hoạt động nghệ thuật chưa thực sự tạo ra được sự cuốn hút, sức mạnh để hướng dẫn thị hiếu công chúng. Vấn đề bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang gặp nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính và nguồn lực con người, nhất là đội ngũ cán bộ văn hóa vừa có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, vừa có năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Việc có cơ chế, chính sách, thiết lập môi trường cởi mở, dân chủ để những người làm công tác văn hóa – nghệ thuật tâm huyết, sáng tạo là vô cùng cần thiết. Yêu cầu của quá trình phát triển, hội nhập cần phải phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa.
Xuyên suốt trong quá trình phát triển văn hóa, Đảng bộ Hà Nội đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo những chủ trương, quan điểm phát triển văn hóa phải đi đôi với xây dựng con người. Có nhiều nội dung được triển khai sớm với cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp. Điểm nhấn quan trọng của việc xây dựng con người Việt Nam trên địa bàn Thủ đô chính là Cuộc vận động “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Hàng năm, Thành phố tổ chức tốt công tác tuyên dương “Người tốt, việc tốt”. Từ năm 2010, nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Thành phố đã tổ chức bình chọn “Công dân Thủ đô ưu tú” và đến năm 2018 này đã có 91 người được vinh danh, có tác dụng khích lệ mạnh mẽ và tạo hiệu quả xã hội rõ nét.
Thủ đô Hà Nội trong tương lai là một đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn nâng niu, lưu giữ những giá trị truyền thống. Một thành phố hiện đại, là nơi hội tụ các nguồn lực để phát triển về kinh tế, đồng thời vẫn là nơi có sức hút bằng vẻ đẹp tinh thần có tính đặc trưng đậm chất văn hóa và lịch sử.
Về mặt vật thể, phải bảo tồn được hệ thống các di tích văn hóa lịch sử, phải xây dựng hệ thống các tượng đài, bảo tàng, nhà hát, công trình thể thao, là những thứ mà Hà Nội còn thiếu những công trình có tầm vóc, mang dấu ấn thời đại chúng ta đang sống. Về con người, mọi người sống ở Thủ đô sẽ biết điều chỉnh hơn trong ứng xử để trở thành những người Hà Nội thật sự - đó là thanh lịch, văn minh, biết tôn trọng các giá trị văn hóa và tinh thần. Hà Nội đã ban hành Quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị hành chính và Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Những quy tắc này được khảo sát, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, phù hợp với từng môi trường, đối tượng. Đây là một việc làm công phu, là tâm huyết bao nhiêu năm nay của Hà Nội. Trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp với những đặc tính, tiêu chí riêng phù hợp với truyền thống, đặc điểm Thăng Long – Hà Nội: Yêu nước, tâm huyết với Thủ đô, thanh lịch, năng động, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, có thể chất tốt.
Sức quyến rũ vô song từ sinh quyển văn hóa
Trong xã hội công nghiệp, hiện đại, con người bị dồn ép, mệt mỏi, đầy áp lực. Hà Nội tương lai phải giải quyết được vấn đề này, phải phát triển trong sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, thiết lập được môi trường, điều kiện để con người sống, cống hiến, hoàn thiện bản thân. Con người có thể được mộng mơ, thư thái trong một không gian đẹp, lãng mạn và bình yên. Nếu được như thế thì Hà Nội sẽ là một thành phố có sức quyến rũ đặc biệt. Một con người không thể sống đẹp nếu như không biết ước mơ. Một đất nước không thể phát triển nếu như không có khát vọng. Quan trọng là phải biết hiện thực hóa những giấc mơ, khát vọng bằng những chương trình hành động, bằng những kế hoạch có tính khả thi cao nhất. Văn hóa như một nguồn lực nội sinh sẽ nâng cánh cho Thủ đô phát triển, sẽ tạo nên sức quyến rũ vô song của Thăng Long - Hà Nội.
Hà Nội ươm giữ, nuôi dưỡng tình yêu thiết tha, gần gũi, máu thịt trong mỗi chúng ta. Yêu quá, yêu đến mức mà đi xa vài ngày là thấy nhớ và mong ngày trở về. Đôi khi tôi tự hỏi, Hà Nội có gì mà ta yêu đến thế? Hóa ra, những điều làm mình yêu cũng không có gì to tát lắm đâu. Những ngôi nhà rêu phong có giàn hoa tím, gió heo may đuổi lá vàng trên phố, hàng cây như rì rầm trò chuyện, những “dáng huyền tha thướt”, “ mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ”… Phải trong không gian ấy, bầu khí quyển ấy mới thấy dễ chịu, thấy mình chính là mình. Trong sâu thẳm, Hà Nội là thành phố có quá nhiều nét quyến rũ để mình yêu. Nét đẹp văn hóa nào của Hà Nội khiến ta yêu nhất? Có lẽ cái đáng yêu nhất của Hà Nội vẫn là nét thanh lịch và sự duyên dáng. Sự duyên dáng của con người, của cảnh vật, từ phố phường đến di tích…
Một thành phố, dù tráng lệ đến mấy, nhưng phải là một thành phố có tâm hồn thì mới là nơi đáng sống. Mà tâm hồn thành phố phải do con người xây đắp nên. Con người cần một nơi để sống, nếu nơi ấy có tâm hồn thì dù cho ta có phải đối mặt với những khó khăn như thế nào, cuộc sống gấp gáp, dồn ép như thế nào cũng vẫn có những điểm tựa tinh thần hiện hữu ở nơi mà vật chất, bụi bặm, xô bồ của đời thường không thể lấn át được. Đó là nơi con người vẫn còn biết mộng mơ, vẫn còn biết sống lãng mạn, vẫn sống đầy khát vọng. Là nơi con người không chỉ biết giữ gìn các giá trị về văn hóa, về tinh thần mà còn biết tôn vinh và phát huy nó. Dĩ nhiên, đó còn là nơi có những người mình yêu thương…
Có những cái đang hiện hữu như những con người mà mình yêu quý, góc phố thân thương nơi ta sống… Đường Phan Đình Phùng, ở cách nhà tôi không xa. Con đường này rất đẹp với vỉa hè hai hàng cây tạo vòm xanh mát trên đầu và rất nhiều nhà biệt thự thời Pháp. Các loại cây rất phong phú: cây sấu, cây phượng, cây xà cừ, cây hoàng lan… Đấy là con đường mát nhất, nhiều màu xanh nhất và cũng thơm nhất. Đấy là một không gian có thể làm cho người ta mộng mơ và cảm thấy bình yên, hạnh phúc. Đi trong mùa thu, ta sẽ cảm nhận hết được hương sắc của con đường nên thơ nhất Hà thành ấy. Có những người sống quanh ta trong trẻo, tốt lành. Có lịch sử, văn hiến khiến ta tự hào, hãnh diện… Nhưng cũng có những điều làm ta buồn phiền, đau đớn như sự thực dụng, vô cảm, nhẫn tâm xâm lấn các giá trị văn hóa, tinh thần…
Phồn vinh là mục tiêu để ta hướng tới. Nhưng mơ ước về thành phố trước hết là sự bình yên. Mơ ước một môi trường sống thực sự tử tế. Sự tử tế ở đây được hiểu là con người có thể dựa vào nhau khi hoạn nạn, có thể chìa tay ra cho nhau lúc khốn khó. Trong không gian của một thành phố bình yên và lãng mạn như thế, trong khi con người biết gìn giữ cẩn trọng những giá trị văn hoá, tinh thần thì Hà Nội vẫn cần phát triển trong một sự cân bằng và hài hòa.
Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Thư ký Liên đoàn nhà báo ASEAN