“Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”

hà thơ Cao Ngọc Thắng| 11/01/2023 09:16

Ngày 5/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng, dưới tên Văn Ba, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, hướng về phương Tây mong tận mắt chứng kiến sự thật ẩn sau những từ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Hành trang của người thanh niên yêu nước mới 21 tuổi lúc bấy giờ, ngoài lòng yêu nước, tinh thần dân tộc còn là những tri thức văn hóa sâu rộng, hệ thống và căn bản mà Người đã tiếp thu từ truyền thống cội nguồn, từ văn hóa phương Đông và những hiểu biết nhất định về văn hóa Pháp.

van-hoa-soi-duong-cho-quoc-dan-di.jpg
“Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn”. Ảnh: Lâm Hồng Long

Hoạt động tuyên truyền, vận động của Nguyễn Ái Quốc, trên báo chí và thực tiễn trong thời gian bôn ba nước ngoài, nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận. Nhà báo Xô Viết Ôxip Manđenxtam, trong cuộc gặp tại Matxcơva năm 1923 đã phát biểu: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Phát hiện này đã được thời gian kiểm chứng và trở thành hiện thực. Năm 1987, Nghị quyết của UNESCO nêu rõ: “Nhận thấy những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”. Và cũng tại Kỳ họp lần thứ 24 diễn ra từ ngày 20/10 đến ngày 20/11/1987, UNESCO đã nhất trí vinh danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Ở những trang cuối trong cuốn sổ chép những bài thơ Nhật ký trong tù, Hồ Chí Minh viết: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Đây là một định nghĩa cô đọng, súc tích và bản chất về văn hóa, chứa đựng đầy đủ luận điểm của Hồ Chí Minh khi Người khẳng định: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” (Diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/1946).

Luận điểm về văn hóa của Hồ Chí Minh là rất rõ ràng, toàn diện khi xem xét các lĩnh vực “nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” trong mối quan hệ biện chứng, không coi trọng hoặc xem nhẹ mà đặt chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa ngang nhau, có ý nghĩa quan thiết như nhau; bởi, căn cốt của văn hóa là sáng tạo (sáng tạo giá trị vật chất và giá trị tinh thần), là sức mạnh nội sinh, là nền tảng để trở thành mục tiêu và động lực cho phát triển xã hội. Sự sáng tạo không thể phát huy khi dân tộc chưa giành được quyền tự quyết, cho nên phải làm cách mạng giải phóng, tức là làm cách mạng chính trị đi đôi làm cách mạng văn hóa, nhằm thay đổi xã hội bằng thực hành “Đời sống mới” trong điều kiện cứu quốc và kiến quốc. Người chỉ ra rằng: “Làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình”, do đó “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ,... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý”.

Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 nhiệm vụ cấp bách bao trùm tất cả các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực thuộc chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, thì nhiệm vụ “chống giặc dốt” chỉ đứng sau nhiệm vụ “chống giặc đói”. Người khuyên các cháu thiếu nhi năm điều thì điều đầu tiên là “phải siêng học” (tháng 10/1946). Những chi tiết này đều nói lên Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và quan tâm việc giáo dục con người toàn diện, một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, xem con người là chủ thể sáng tạo văn hóa đồng thời là sản phẩm của văn hóa; và thực tiễn cách mạng cho thấy: chỉ trong xã hội có văn hóa mới có điều kiện hình thành con người văn hóa. Người luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên làm gương trong tu dưỡng, rèn luyện, học đi đôi với hành, nói đi đôi với làm, thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính cũng là rèn luyện, tu dưỡng “đạo đức cách mạng”.

Trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, trải qua hai cuộc kháng chiến thần kỳ, sức mạnh nội lực của truyền thống văn hóa được Đảng ta phát huy triệt để, đưa dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn, nhân dân được mở mang hiểu biết về các quyền con người được hưởng, đời sống dần được cải thiện, vị thế dân tộc ngày càng được củng cố trên trường quốc tế, bạn bè thế giới ngày càng xích lại gần trong tình đoàn kết, hữu nghị với Việt Nam.

Trong công cuộc đổi mới ngày nay, luận điểm của Hồ Chí Minh coi văn hóa có vị trí, vai trò tương đương chính trị, kinh tế và xã hội vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thời sự. Hơn thế, giá trị của văn hóa ngày càng thể hiện sự thâm nhập sâu, làm mới và nâng cao vị thế của chính trị, kinh tế và xã hội - là một thực tế khách quan. Thực hiện hội nhập hay mở rộng giao lưu quốc tế, trong nhiều trường hợp văn hóa đóng vai trò tiên phong, mở đường cho các lĩnh vực khác phát huy kết quả.

Luận điểm “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt sáng tạo văn học và nghệ thuật vào vị trí cao; bởi các tác phẩm văn học và nghệ thuật chứa đựng những giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc, có tác động rất cụ thể đối với thẩm mỹ của người thưởng thức trong quá trình thức nhận thế giới quan và nhân sinh quan, nuôi dưỡng cảm xúc, khát khao vươn tới cái chân, cái thiện trong một thế giới thực sự tự do, bình đẳng, bác ái. Bản thân Người là một chiến sĩ - nghệ sĩ chân chính, từng sáng tạo nên những áng thơ trữ tình, những truyện ngắn, vở kịch đầy chất châm biếm, những bài ký với bút lực mạnh mẽ và uyên thâm.

Cuộc sống hiện đại đã thay đổi thế giới rất nhiều, khoa học công nghệ tiên tiến đem lại những giá trị đích thực nhưng cũng không ít những giá trị ảo, từ thực tiễn ấy nói lên rằng, dân tộc nào chăm lo giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa thì sẽ vượt qua những mối hiểm nguy, để tiếp tục vững bước trên con đường phát triển. Điều đó cũng cho thấy, luận điểm “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Bài liên quan
  • Nhiều hiện vật quý về Bác Hồ trong triển lãm “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”
    Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 24/11, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ VHTT&DL phối hợp tổ chức triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Triển lãm cho thấy rõ quan điểm "văn hóa soi đường cho quốc dân đi" mà Bác Hồ từng phát biểu cũng như đã thực hiện trong suốt cuộc đời mình, qua những chỉ đạo, những cuốn sách Bác viết, bức thư Bác gửi các trí thức, văn nghệ sĩ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
“Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO