Văn hóa nhà văn và sự phát triển văn học: Kỳ II Đến hiện đại từ truyền thống -Tinh thần tiếp biến văn hóa của nhà văn

Bùi Việt Thắng| 03/08/2020 08:13

Xét về phạm trù thời gian, tồn tại của xã hội luôn là sự gắn bó mật thiết, biện chứng giữa quá khứ và hiện tại. “Đến hiện đại từ truyền thống” là cách diễn đạt của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu (1927-1995) trong tác phẩm cùng tên (Nhà xuất bản Văn hóa, 1996). Quan điểm của nhà khoa học có tính chất gợi mở nghiên cứu tư tưởng/ văn hóa/ văn học dựa vững trên cơ sở triết học.

Văn hóa nhà văn và sự phát triển văn học: Kỳ II Đến hiện đại từ truyền thống -Tinh thần tiếp biến văn hóa của nhà văn
Bia đá lưu niệm tác phẩm “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng 
ở Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình. Ảnh: HT

Thấm nhuần di sản văn hóa truyền thống dân tộc 

Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam diễn ra trong khoảng thời gian 15 năm (1930 - 1945), được nhận thức như là ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa phương Tây (hiểu là văn hóa châu Âu và Pháp). Tất nhiên không thể phủ nhận thực tế khách quan này. Nhưng rất ít người có suy nghĩ nghiêm túc theo quan điểm của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Hượu - chúng ta đến hiện đại từ chính truyền thống văn hóa dân tộc. Những nhà văn lớn trong quá khứ đều là những nhà văn hóa từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh.

Các nhà thơ trong phong trào Thơ mới (1932 - 1945) lâu nay được xem là những nhà cách tân thơ dưới ảnh hưởng của thơ ca lãng mạn Pháp. Người ta thường bấu víu vào những câu thơ sau của Xuân Diệu: “Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine/ Hai chàng thi sĩ choáng hơi men/ Say thơ xa lạ, mê tình bạn/ Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen” (Tình trai) để nói về “chất Tây” của thơ Xuân Diệu và các thi nhân khác cùng thời. Nhưng ít ai để ý, sau này Xuân Diệu đã viết công trình đồ sộ “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” (2 tập, 1981 - 1982, ngót 1000 trang). Đây là công trình tiếp cận các nhà thơ cổ điển dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Nguyễn Đình Chiểu, Tản Đà,... Rõ ràng, Xuân Diệu thấm nhuần di sản văn hóa truyền thống dân tộc đến độ sâu rộng. Nhiều người  nghĩ chỉ có Nguyễn Bính viết lục bát (một  thể thơ thuần Việt) hay, nhưng sẽ bất ngờ nếu đọc lục bát Xuân Diệu: “Đêm qua bốn phía trăng vàng/ Bên em anh cứ bàng hoàng tỉnh mơ/ “Tưởng bây giờ là bao giờ”/ Thật đây, em vẫn là thơ trên đời/ Dấu nằm còn đó em ơi/ Dấu hương vương vấn từng hồi ngất ngây/ Thoảng thơm lan xạ nào tày/ Hơi thương em thở, ngát đầy hồn anh” (Dấu nằm). Trong tiểu luận xuất sắc “Sự uyên bác với việc làm thơ (1985), Xuân Diệu viết: “Chao ôi! Chúng ta làm việc còn quá ít, chúng ta yêu thơ văn của dân tộc còn thiếu sót quá; thơ của chúng ta mấy chục năm qua đã hay rồi, tuy nhiên theo tôi nghĩ, nếu chúng ta tiếp nhận đầy đủ sâu sắc hơn nữa cái vốn truyền thống của cha ông, thì thơ hiện kim của ta còn có thể hay hơn nữa, sâu hơn nữa, phải uyên bác chứ (…). Đối với vốn thơ dân tộc, chúng ta còn nhiệm vụ uyên bác hơn nữa, để rút tối đa mật nhụy - Tôi xin chuyển sang cái niềm vui đi hút mật nhụy, đi thâu lượm, hãy chỉ để nói về thơ, cái hay của thơ cổ kim Đông Tây (…). Thơ Việt Nam ta rất nhiều chất nhạc, mà điển hình là lục bát của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”, và song thất lục bát trong “Chinh phụ ngâm”, thơ thất ngôn của Hồ Xuân Hương tính nhạc rất nôm và thật trong sáng”. Thơ Tố Hữu, về loại hình là thơ trữ tình - chính trị, nhưng về giọng điệu thì chan chứa chất dân ca miền Trung, đặc biệt xứ Huế mộng mơ. Thơ lục bát Tố Hữu vừa truyền thống vừa hiện đại (Bầm ơi, Việt Bắc, Kính gửi cụ Nguyễn Du,…). 

Trong lĩnh vực sáng tác văn xuôi, Nguyễn Công Hoan (1903 - 1977) vẫn được coi là một cây đại thụ với gia tài khoảng 300 truyện ngắn và nhiều truyện dài/ tiểu thuyết. Có thể nói, không ai khác, chính Nguyễn Công Hoan là người tiên phong mang tiếng cười vang dội vào văn đàn Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Người ta nói, “tiếng cười là vũ khí của người mạnh”, là “phép vệ sinh tinh thần”, “một nụ cười bằng mười thang thuốc”, là “cách giã từ quá khứ để đi tới tương lai”,… Đặc biệt, truyện ngắn Nguyễn Công Hoan thấm đẫm tiếng cười về một thế gian chứa chất ái ố hỷ nộ, tham sân si. Giới nghiên cứu đã chỉ ra nguồn suối folklore (văn hóa dân gian) tạo nên nguồn mạch cảm xúc sáng tác của nhà văn. Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan gần gũi với truyện cười, ngụ ngôn, giàu tính giễu nhại, hài hước, xét về cảm hứng sáng tác và hiệu quả thẩm mỹ. Về kết cấu, truyện ngắn Nguyễn Công Hoan rất năng động, gọn nhẹ, linh hoạt, có thể đọc bất cứ ở đâu, lúc nào. Một lối kết cấu gần với loại hình truyền khẩu, vì thế truyện có thể kể lại cho người chưa đọc nghe, mà vẫn tinh tươm (Người ngựa, ngựa người chẳng hạn).

Lực cản, nằm chính trong đội ngũ nhà văn?

Văn học Việt Nam đương đại, đặc biệt từ sau Đổi mới (1986) đã gặt hái nhiều thành tựu (thông qua các giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam và các giải thưởng Quốc gia như Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, Giải thưởng Nhà nước về VHNT). Nhưng xét trên phương diện phát triển bền vững, sẽ thấy không ít vấn đề, lực cản, nằm chính trong đội ngũ nhà văn (lực lượng sáng tác). Thế hệ tiền chiến (trước 1945) đã vắng bóng hoàn toàn trên văn đàn (chỉ còn nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, đã 100 tuổi). Thế hệ chống Pháp chỉ còn rất ít (tiêu biểu như Vũ Hạnh, Hồ Phương, đã trên 90 tuổi), thế hệ chống Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong và sau chiến tranh. Chủ lực trên văn đàn hiện nay đa số là những tác giả sinh từ những năm 50 của thế kỷ trước. Quan sát thực tế sáng tác, sẽ thấy thế hệ 6x, 7x, 8x, 9x, nhìn chung đang có xu hướng, tâm thế khước từ, xa rời truyền thống văn hóa/ văn học dân tộc. Họ đang say mê thích thú tìm kiếm con đường tới hiện đại bằng cách “nhập cảng” các chủ nghĩa Hậu hiện đại, Hậu thực dân, Nữ quyền, Sinh thái, Phi lý,… Tất nhiên chúng ta không thể “ếch ngồi đáy giếng”, phải biết “ngoài trời còn có trời”. Nhưng ít người nghĩ rằng, viết là trước hết cho 100 triệu người Việt (trong và ngoài nước) đọc. Trong bối cảnh giao lưu văn hóa, thế giới phẳng/ mở thì một sản phẩm văn hóa có giá trị của một quốc gia có thể trở thành văn sản chung của nhân loại.

Mới đây, chúng tôi đã làm khách mời cho chương trình “Sách & cuộc sống” của VOV, giới thiệu tác phẩm “Bến không chồng” (tiểu thuyết, 1990) của Dương Hướng. Tác phẩm được chuyển thành phim (phim truyện và phim truyền hình đều của đạo diễn Lưu Trọng Ninh), nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1991, được dịch sang tiếng Anh và Pháp, được tái bản nhiều lần. Ba mươi năm đời sống của một tác phẩm, liệu đã là bằng chứng cho sức sống của nó? Gần đây ở quê hương nhà văn (UBND xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình phối hợp với Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh) đã xây dựng khu lưu niệm (bia đá) tác phẩm “Bến không chồng”. Vì sao nó được tiếp nhận đặc biệt như thế? Theo tôi, tác phẩm đã vượt ra ngoài phạm vi văn học thông thường, nó trở thành một hiện tượng văn hóa đương đại. Tác giả trở lại với vấn đề văn hóa truyền thống Việt Nam - văn hóa làng xã, cộng đồng, những vấn đề của “tam nông” - trong và sau chiến tranh với bao mất mát đau thương, với những phận người kém may mắn, đặc biệt là phụ nữ. Xét về nghệ thuật tiểu thuyết, “Bến không chồng” nằm trong phên giậu của truyền thống văn học: Lối kể chuyện theo trình tự thời gian, ngôn từ chân phương, dân dã, bố cục sáng rõ (không mù mờ như hiện nay khi một số tác giả viết theo phép “mê lộ” của chủ nghĩa Hậu hiện đại). Đặc biệt nhà văn tiếp cận, phát hiện con người từ tầng sâu văn hóa dân tộc (qua ứng xử, qua ngôn ngữ, qua thái độ với tự nhiên,…). Thành công của “Bến không chồng” là đã đến được hiện đại từ truyền thống, một tác phẩm văn học có căn cốt văn hóa.

Truyền thống và hiện đại là hai phạm trù mà bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào cũng phải đối diện, giải quyết trong thực hành sáng tác, không riêng văn học (nghệ thuật ngôn từ). Trong vòng vài chục năm gần đây, Nguyễn Huy Thiệp nổi lên như một nhà văn tài năng, “kẻ khuấy động văn đàn đương đại Việt”. Tác phẩm của ông được dịch và xuất bản bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới. Độc giả phương Tây thích đọc Nguyễn Huy Thiệp, đã đành. Độc giả Việt vốn ham thanh chuộng lạ, sùng ngoại nhưng cũng đón nhận nồng nhiệt Nguyễn Huy Thiệp. Vì sao? Người ta nói đã/ đang/ sẽ phải “đi tìm Nguyễn Huy Thiệp” . Vì lý do gì? Gạt sang một bên những chỉ  trích về những thiếu sót khó tránh khỏi, chúng ta thấy, nhà văn đã khôn ngoan chọn đi con đường đến hiện đại từ truyền thống. Không nên khoác cho Nguyễn Huy Thiệp bộ “xiêm áo” của chủ nghĩa Hậu hiện đại trong văn học Việt Nam đương đại (cùng với Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái,…). Đọc kỹ, sẽ thấy văn Nguyễn Huy Thiệp chảy ra từ nguồn suối truyền kỳ trong văn học trung đại (Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, thế kỷ XVI, chẳng hạn). Ngay lối viết phối hợp vần văn (thơ) và vần văn (văn xuôi) đã cho thấy tác giả rất có ý thức dùng “bình cũ rượu mới”.
Đón đọc kỳ tới: 
Chiếm lĩnh sự thật - 
Bản lĩnh văn hóa của nhà văn
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Văn hóa nhà văn và sự phát triển văn học: Kỳ II Đến hiện đại từ truyền thống -Tinh thần tiếp biến văn hóa của nhà văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO