Ông Lê Doãn Hợp - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông
Nghị quyết số 10-NQ/TW đã mở đường cho việc đưa ra những cơ chế, chính sách mới, phù hợp hơn nhằm phát triển kinh tế tư nhân trở thành một khu vực kinh tế năng động, sáng tạo hiệu quả với năng lực cạnh tranh cao và có sức lan tỏa nhanh tới các thành phần kinh tế khác.
Điều quan trọng hơn doanh nghiệp chính là lực lượng chủ công trong hội nhập kinh tế quốc tế. Doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt thực hiện các chính sách từ thiện nhân đạo, cũng là nơi đào tạo cán bộ làm kinh tế tốt nhất cho đất nước. Bởi doanh nghiệp tư nhân là nơi hội tụ đầy đủ tính sắc bén, nhanh nhạy, trách nhiệm, thiết thực vì biết sử dụng đồng tiền đúng mục đích.
Muốn để doanh nghiệp phát triển, Chính phủ và Quốc hội cần chỉnh sửa Luật Doanh nghiệp cho hoàn thiện, bổ sung các chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp làm ăn. Và để quản lý tốt doanh nghiệp phải có luật về doanh nghiệp đồng bộ, còn các Bộ ngành và các địa phương chỉ nên tạo sân chơi minh bạch và bình đẳng cho doanh nghiệp.
Thưa ông, ông có nói Hội nhập kinh tế là hội nhập văn hóa. Vậy doanh nghiệp Việt Nam nên xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo hướng nào để phát triển?
Tôi có nhớ một câu nói của Kotter, J.P. & Heskett, J.L.Văn hóa thể hiện tổng hợp các giá trị và cách hành xử phụ thuộc lẫn nhau phổ biến trong doanh nghiệp và có xu hướng tự lưu truyền, thường trong thời gian dài.
Cá nhân tôi cho rằng, văn hóa chính là nền tảng cho mọi sự phát triển. Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) được xây dựng trên 5 yếu tố.
Thứ nhất: VHDN phải từ văn hóa của người đứng đầu. Người đứng đầu một doanh nghiệp cần phải có: Đức và Tài. Đức thể hiện trong sự gương mẫu, dân chủ, văn minh. Văn hóa trong ứng xử với nhân viên, với người lao động. Tài của người đứng đầu doanh nghiệp phải có tầm nhìn xa, biết phát hiện người tài dùng và bảo vệ người tài. Tài của người lãnh đạo là phải biết tập hợp cái tài của người khác để phát triển doanh nghiệp.
Thứ hai: Trong doanh nghiệp xây dựng văn hoá bằng các quy chế dân chủ nội bộ như: Quy chế chọn nhân tài để suy tôn lãnh đạo; quy chế quản lý tài chính và quy chế phân phối lợi ích.
Thứ ba: Là xây dựng thương hiệu. Với những nội dung quan trọng nhất là Thương hiệu doanh nghiệp bao gồm thương hiệu con người và thương hiệu sản phẩm.
Thứ tư: Là phải xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh xanh về thiên nhiên, sạch về môi trường, có niềm tin cậy cao với cộng đồng xã hội.
Cuối cùng tất cả phải vì người lao động. Phải lấy tín nhiệm của người lao động làm thước đo văn hoá doanh nghiệp. Tín nhiệm của công nhân chính là văn hoá của chủ doanh nghiệp.
Doanh nhân, doanh nghiệp chính là nguồn đề tài phong phú, đa dạng cho các các tác phẩm báo chí. Vậy theo ông trong thời đại hiện nay nên đưa tin về doanh nghiệp như thế nào để thúc đẩy phát triển và xây dựng khung VHDN chuẩn nhất?
Báo chí là công việc đặc thù, có tính chuyên biệt, đó cũng là một kênh thông tin giúp doanh nghiệp đưa các sản phẩm của mình gần hơn với người tiêu dùng. Sản phẩm tốt hay xấu? Doanh nghiệp làm ăn chân chính hay không? Người tiêu dùng biết được nhiều hơn thông qua báo chí, từ những bài điều tra, phản ánh của các phóng viên. Ngày nay, báo chí và doanh nghiệp đang ngày càng gần nhau hơn. Trong đó, những đề tài về kinh tế, đầu tư, kinh doanh, công nghệ, doanh nhân… luôn là đề tài để các cơ quan báo chí có được sức thu hút đối với đông đảo độc giả. Đây cũng là một kênh thông tin mở ra nhiều cơ hội hợp tác, liên kết kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo tôi nhà báo nên tiếp cận để hiểu doanh nghiệp, làm thế nào doanh nghiệp tìm đến nhà báo như một địa chỉ tin cậy cùng giúp nhau phát triển chứ không phải khi có vụ việc mới đến với nhau. Báo chí Cách mạng Việt Nam cần đồng hành cùng Chính phủ bảo vệ, ủng hộ và giúp doanh nghiệp phát triển, cái gì có lợi cho doanh nghiệp thì viết và tôn vinh kịp thời, chưa tốt thì góp ý xây dựng. Nếu quá trình tác nghiệp thấy doanh nghiệp vi phạm pháp luật, có hiện tượng trốn lậu thuế, sản xuất hàng giả, hàng nhái, gây tác động xấu đến xã hội… thì phải kịp thời phản ánh đến các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các nhà báo cũng cần chia sẻ những bài học kinh nghiệm về thành công và tồn tại để cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp cùng rút kinh nghiệm để làm tốt hơn.
Bản chất của văn hoá báo chí đối với doanh nghiệp là khen đúng, chê đúng vì mục tiêu tiến bộ và phát triển.
Đã từng giữ vị trí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong dịp 21/6 này ông có lời chúc gì dành cho các nhà báo?
Trên đời có 4 nghề làm tốt sẽ rất vẻ vang. Đó là nghề thầy thuốc, thầy giáo, kiến trúc sư và nhà báo. Nhưng cũng giống như mọi lĩnh vực hoạt động khác, báo chí luôn phải đáp ứng yêu cầu thượng tôn pháp luật, tôn trọng sự thật, tôn trọng cộng đồng và phải có đạo đức nghề nghiệp. Một người có đạo đức sẽ tỏa ra ngoài bằng văn hóa và một người có văn hóa vì họ có đạo đức.
Và tôi cũng nói thêm rằng, làm báo cũng như làm thơ, ai cũng làm được thơ nhưng thơ hay thì không nhiều. Nhân dịp kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, mong các nhà báo phát huy hết các lợi thế của mình, có trách nhiệm xã hội cao hơn; trong tác nghiệp luôn thấm nhuần 6 chữ: Trung thực, Khách quan, Hướng thiện.
Xin trân trọng cảm ơn ông!