Tục Trọng thọ làng Giáp Nhị

12/06/2017 09:02

Làng Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội có lệ Trọng thọ khá độc đáo từ cách đây hơn 200 năm.

Thời đó, dân số của làng đã khá đông, số người tuổi thọ cũng nhiều. Cụ Cao Lệnh Công, tên hiệu là Vũ Huy Thạch làm Vệ quan ở Đồng Mụ, thọ 114 tuổi; cụ Lê Phúc Mỹ thọ 104 tuổi, con cháu thường gọi là Bạch Đầu ông (ông Đầu bạc); cụ Bùi Bỉnh Uyên thọ 93 tuổi, làm quan đến Binh bộ Thượng thư, Thái bảo Tiên quận công.

Làng có Thọ Ông Từ (Đền Ông Thọ) là nơi tôn vinh các bậc tiên lão, được xây dựng vào tháng Mười năm Canh Tý đời Cảnh Hưng thứ 41 (1780). Ngôi đền lợp ngói, xây trên nền đất tốt ở phía Đông làng, bên cạnh con sông Sét; phía trước là cái ao tròn nổi lên một gò đất cao ở giữa; có cây gạo lớn, cành lá sum suê, cuối Xuân hoa bừng nở đỏ cả một vùng. Tại Đền Ông Thọ còn đôi câu đối về ngôi đất dựng đền:

Địa dĩ vi linh, đại tảo hồng cơ tráng lệ

Dân chi sở ái lập thành thọ chỉ tôn nghiêm

Dịch nghĩa:

Mảnh đất linh thiêng tạo dựng móng nền tráng lệ

Lòng dân yêu quý, đắp xây Đền Thọ trang nghiêm.

Từ bấy giờ, các cụ phụ lão trong làng đã bàn định việc thờ phụng các bậc tiên lão. Đền có ba bệ thờ. Các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên gọi là Quốc lão thì thờ ở đàn chính giữa. Các cụ Hương lão thọ từ 90 đến 99 tuổi thì phối thờ nhưng cũng đặt ở đàn chính. Các cụ Hương lão thọ từ 70 đến 79 tuổi và từ 80 tuổi đến 89 tuổi thì thờ ở hai bên ta hữu. Hàng năm vào ngày 18 tháng Hai và 18 tháng Tám làng tổ chức tế lễ.

Việc tế tự ở đền Ông Thọ đã thành lệ. Quan hành tham tụng Bùi Huy Bích (1744 – 1818) được các cụ bô lão trong làng thỉnh viết bài ký khắc vào bia đá dựng tại Đền Ông Thọ để lại cho muôn đời sau. Bài ký khắc trên tấm bia trước hết viết về các bậc tiên lão thọ trên 90 tuổi, trên 100 tuổi có chức tước được dân làng kính trọng, thể hiện tư tưởng “Quý xỉ, trọng tước”. Đây là phong tục đẹp đã có từ xa xưa. Bài ký đại ý nêu rõ:

Đền Ông Thọ, nơi thờ các bậc tiên lão trong làng. Phong tục của làng vốn từ xưa rất thuần hậu, chăm việc cày cấy, trọng văn học, luôn quý kính các cụ cao tuổi, đề cao, tôn trọng người chức tước, chất phác, thích làm điều thiện. Đền Ông Thọ được dựng lên là để tỏ lòng tôn quý người có đức, kính trọng người già. Chính là do hiếu đễ mà đề cao đức kính, đức nhường. Ý nghĩa nuôi dưỡng hiền tài, sửa phong tục đẹp cho nước nhà là ở đây chăng.

Mặt sau của tấm bia khắc tên 68 cụ với đầu đề “Đông Hội phụ lão danh thị” nghĩa là họ tên các cụ Hội Phụ lão thôn Đông (tức thôn Bùi Đông, tên cổ của làng). Theo như văn bia thì cách đây gần 200 năm, làng Giáp Nhị đã có Hội Phụ lão – một tổ chức của người cao tuổi.

Câu đối ở Đền Ông Thọ còn ghi:

Tôn tiên lão hương thôn lập miếu

Kích thọ ông tích ký ghi danhh

Dịch nghĩa:

Tôn vinh người già thuở trước, làng thôn lập đền thờ cúng,

Kính trọng người thọ tuổi cao, ghi lại dấu tích hương thơm

Trải qua các cuộc chiến tranh, đề Ông Thọ và bệ thờ bị đổ nát, việc tế tự bị ngưng trệ một thời gian dài. Năm 1996 cùng với việc thành lập Hội Người cao tuổi, các cụ làng Giáp Nhị đã xây dựng lại đền Ông Thọ và được tu bổ hàng năm với sự đóng góp của dân làng. Việc phụng thờ, tôn vinh các bậc tiên lão vẫn được duy trì theo nghi thức cổ truyền. Các cụ thọ từ 70 tuổi trở lên (cả nam và nữ) vẫn được khắc tên đặt hai bên bệ thờ trong đền Ông Thọ như ngày xưa. Ngày tế tự hàng năm, các cụ cao tuổi trong làng, trong phường (kể cả các cụ làm ăn sinh sống ở nhiều nơi) đã tấp nập về tham dự khiến cho ngày này thực sự là ngày Hội Trọng thọ của dân làng Giáp Nhị tại đền Ông Thọ.

Như vậy, có thể nói là lệ Trọng thọ, tôn kính các bậc tiên lão đã được dân làng Giáp Nhị gìn giữ hàng trăm năm, nay càng được trân trọng làm sáng tỏ lòng hiếu đễ, đức kính, đức nhường mà ông cha đã truyền dạy.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Huyện Thanh Oai: Đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 30-CT/TU với tuyên truyền các Quy tắc ứng xử
    Huyện Thanh Oai đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
Đừng bỏ lỡ
Tục Trọng thọ làng Giáp Nhị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO